Tuy không trực
tiếp đề cập đến việc xây dựng “Chính phủ liêm chính” như hiện nay nhưng trong
quá trình xây dựng nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến khá nhiều về việc
xây dựng Chính phủ liêm khiết, phục vụ nhân dân. Điều đó được nổi bật và quy tụ
ở quan niệm: Chính trị là đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc to đến
nhỏ. Đó thực sự là một nền chính trị trong sạch, lấy dân làm gốc, chính trị
thân dân, chính tâm, chính trị nhân nghĩa. Ngày 31-10-1946, tại Kỳ họp thứ hai
Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tuy trong nghị quyết không
nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc
hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ
liêm khiết”.
Để xây dựng
Chính phủ liêm khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế, đưa ra một “mô hình” về
Chính phủ địa phương – các Ủy ban dân làng, phủ: Phải chọn trong những người có
công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc,
được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền hay một thế lực gì khác mà
chui lọt vào các Ủy ban đó. Ủy ban dân làng sẽ làm những việc có lợi cho dân,
không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng; thận trọng hết sức trong việc
chi dùng công quỹ, không dám tùy ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống.
Những nhân viên Ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh,
đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình. Ủy ban nhân dân có nhiệm
vụ hành động đúng tinh thần tự do dân chủ.
Một chính phủ
liêm khiết phải là một chính phủ mà tất thảy mọi cán bộ, công chức phải liêm
khiết, chính trực. Vì vậy, cán bộ, nhân viên nhà nước – những người trực tiếp
thực thi các chủ trương, chính sách của nhà nước và tiếp xúc trực tiếp với nhân
dân phải có trách nhiệm, có cái tâm trong sáng, không bòn rút của dân, không vụ
lợi, vị kỷ và phải cải tạo lòng mình. Vì “Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng
nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm
sao được”. Do đó, phải kiên quyết chống bằng được “giặc nội xâm”- giặc ở trong
lòng mỗi con người. Đó là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian
khổ bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh
tế, văn hoá và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan
liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ… dù cố ý hay không
cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến… Tội lỗi ấy cũng nặng như tội
lỗi Việt gian, mật thám”. Những hành vi đó trái với đức liêm, những cán bộ đó
là bất liêm nên cần phải đấu tranh như đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Bởi cuộc
sống là một trường tranh đấu, cái đúng, cái sai, cái tốt, cái đẹp không dễ gì
đạt được ngay một lúc, ngay trong trường hợp lý tưởng nhất, đã đạt được thì
cũng không phải đương nhiên, tự nhiên tồn tại mãi mãi cho nên phải thường xuyên
tự rèn luyện, tự tu dưỡng và thực hành chữ liêm.
Nhìn nhận về kết
quả hoạt động của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận rằng “Tuy nhiều
người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô,
nhũng lạm chưa quét sạch”. Đây là lần đầu tiên trong chế độ mới, Chủ tịch Hồ
Chí Minh dùng hai chữ “nhũng lạm” với nghĩa lạm dụng quyền lực để tham nhũng.
Người lạm dụng quyền lực thì trước hết phải là những người có quyền lực và đó
chỉ có thể là những người làm việc trong các công sở, cán bộ các cơ quan, đoàn
thể. Và quyền lực ở đây được đặt ngang hàng trong mối tương quan giữa cán bộ,
công chức với nhân dân. Một tư duy mang sắc thái Hồ Chí Minh, đó là nhân dân,
dù muốn tham nhũng cũng không thể, mà chỉ có thể tham ô. Còn cán bộ, người có
quyền mới có điều kiện tham nhũng. Cán bộ có chức vụ càng cao càng có điều kiện
tham nhũng lớn. Trong tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to,
cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp
đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” (lấy của công làm việc
tư).