Social Icons

Pages

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nhìn từ cơn bão Yagi

 


Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản đối với nhiều địa phương ở phía Bắc nước ta. Song qua đó đã giúp người dân trong nước và cộng đồng quốc tế nhìn nhận rõ hơn hai vấn đề, đó là: Chính sách nhất quán, những hành động cụ thể của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm các quyền cơ bản của người dân; bộ mặt thật của các thế lực thù địch, phản động chuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, tôn giáo và nhân quyền để chống phá Việt Nam.

Bảo vệ người dân là ưu tiên hàng đầu

Ngay từ khi bão Yagi chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc đã đã sớm đề cao tinh thần cảnh giác, đưa ra các phương án chủ động phòng, chống. Thế nhưng, thật khó để tránh được thiệt hại nặng nề khi Yagi được đánh giá là siêu bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền.

Ngay sau khi bão số 3 suy yếu, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức cuộc họp về chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão gây ra, trong đó thống nhất phải huy động tất cả các nguồn lực để nhanh chóng bảo đảm an toàn và ổn định đời sống cho nhân dân sớm nhất có thể, đồng thời đề ra một số mục tiêu nhằm khắc phục hậu quả cơn bão. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho những người xấu số. Bên cạnh đó, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các em học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám, chữa bệnh.

Với tinh thần tất cả vì tính mạng, tài sản và cuộc sống ổn định của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký công điện về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, đồng thời quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm sau bão.

Thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, nhân dân thấy các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trực tiếp đến những điểm nóng về mưa lũ để có chỉ đạo sát sao công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Song song với đó là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ không quản nguy hiểm và thời tiết khắc nghiệt tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển lương thực, nước uống cho người dân ở các khu vực bị cô lập.

Cũng trong cơn bão Yagi, chúng ta đã được chứng kiến một “làn sóng” các chương trình quyên góp nhằm giúp đỡ người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng. Đó không chỉ là tiền, là gạo, là nhu yếu phẩm mà trên hết là sự chia sẻ bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách". Ngay cả người dân ở các tỉnh miền Trung vốn thường xuyên phải chống chọi với mưa bão, lũ lụt nay cũng tự nguyện góp công, góp của gửi nhu yếu phẩm ra giúp đỡ đồng bào miền Bắc. Bên cạnh đó là sự chia sẻ về tinh thần, sự hỗ trợ quý báu, kịp thời về vật chất từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế.

Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nhìn từ cơn bão Yagi
Cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: VIỆT TRUNG 

Tất nhiên, bão số 3 đã để lại những bài học lớn, cần từng bước khắc phục liên quan tới việc tổ chức, chỉ đạo phối hợp phòng, chống thiên tai ở các cấp, vấn đề nhân lực, hạ tầng hay cụ thể nhất là phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn... Nhưng nhìn chung, nhờ sự ứng phó, khắc phục một cách quyết liệt và kịp thời, thiệt hại do bão gây ra đã giảm phần nào, cuộc sống và công việc của người dân, doanh nghiệp ở các địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bão Yagi cũng dần ổn định trở lại.

Những hành động trong cơn bão Yagi chính là minh chứng cụ thể cho nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người. Qua đó còn khẳng định chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Bão Yagi cũng chứng minh một thực tế khác, đó là chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam nhận được sự đồng lòng, ủng hộ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.

Bộ mặt thật của những kẻ chuyên chống phá

Phản ứng của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước, trong và sau cơn bão Yagi đã được dư luận quốc tế đánh giá cao, dù rằng vẫn còn đó những tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai để phủ nhận những thành quả về bảo đảm quyền con người ở nước ta.

Đề cập tới những thiệt hại và cách Việt Nam chống chọi trước bão Yagi, trong bài viết đăng tải hồi tháng 9 vừa qua, tờ Enfoque Noticias của Mexico đã đề cao những nỗ lực phi thường của Chính phủ và người dân Việt Nam trong công tác phòng, chống bão, cứu hộ, cứu nạn khi phải đối mặt với bão Yagi. Tờ báo này đưa ra dẫn chứng cụ thể, đó là bên cạnh việc huy động tổng lực các lực lượng chức năng, Việt Nam đã triển khai hàng trăm nghìn quân nhân tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, qua đó giúp sơ tán người dân đến khu vực an toàn.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Đáng chú ý, tại phiên họp này, đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt đặt trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai. Các nước cũng ghi nhận những tiến bộ mọi mặt của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Thế nhưng, trong thời điểm cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong nước đồng lòng hướng về các địa phương chịu hậu quả nặng nề bởi bão Yagi, khi các nước bạn bè, đối tác quốc tế dành cho người dân vùng bão lũ của Việt Nam sự đồng cảm, chia sẻ quý báu về cả vật chất và tinh thần thì một số tổ chức, cá nhân phản động lưu vong lại làm điều ngược lại, điển hình nhất trong số đó là tổ chức Việt Tân. Ngay từ lúc bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc nước ta, trên trang Facebook của Việt Tân thường xuyên đăng tải những thông tin xuyên tạc, đại ý như: Đảng và Nhà nước Việt Nam phản ứng chậm chạp, thiếu khoa học, thậm chí thờ ơ, khoanh tay đứng nhìn người dân kêu khóc và đơn thân chống chọi với mưa bão, lũ lụt...

Bên cạnh đó, vẫn với phong cách “bới bèo ra bọ” thường thấy, tổ chức phản động Việt Tân còn lôi ra đủ loại vấn đề như cơ sở hạ tầng, cây xanh, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, thậm chí là công tác thiện nguyện... nhằm hạ uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn, khi phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đang diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước, Việt Tân cố tình suy luận rằng trong lúc nhân dân Việt Nam khó khăn nhất, cần sự giúp đỡ nhất thì Đảng và Nhà nước lại phó mặc trách nhiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và giới nghệ sĩ. Dễ thấy, với hầu hết là thông tin tiêu cực, tổ chức này muốn "dựa hơi" cơn bão Yagi để bi kịch hóa cuộc sống của người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng, khiến họ hoài nghi về vai trò lãnh đạo, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản và các quyền của nhân dân.

Đáng mừng là những thông tin tiêu cực, phản cảm mà Việt Tân tung ra trong giai đoạn bão Yagi xem ra chỉ có tác dụng chiều lòng những kẻ “cùng chung chí hướng” với tổ chức này. Bằng chứng là rất nhiều người thẳng thừng đáp trả rằng, “độc chiêu” chống phá của Việt Tân giờ đây không có gì đặc biệt ngoài luận điệu xuyên tạc, bới móc.

Nói cách khác, bão Yagi đi qua cũng là lúc tấm mặt nạ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền của Việt Tân bị lật tung, phơi bày rõ chân tướng của một tổ chức chuyên chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

NINH GIANG

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Đừng yêu nước kiểu mù quáng


Tranh thủ cuối tuần về thăm nhà sau những ngày dài miệt mài học tập trên phố, Phương rất háo hức. Nhưng vừa bước chân qua cổng thì thấy bà Loan đặt tờ báo xuống hiên nhà, buông tiếng thở dài não nề.

“Mẹ ơi, có chuyện gì với nhà mình à? Sao mẹ buồn vậy?”, Phương hỏi mẹ.

- Con có biết tin hai mẹ con bà Ngọc ngõ trên nhà mình vừa bị bắt vì tội chống phá Nhà nước không? Mẹ thấy buồn quá!

- Con chỉ nghe loáng thoáng. Con cũng định về nhà tìm hiểu cho rõ ngọn ngành vì sự việc gần ngay nhà mình.

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Đừng yêu nước kiểu mù quáng
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn 

- Mẹ cái Duyên đó, trước nay là người hiền lành. Chẳng hiểu vì sao nghe lời con gái, mê muội tham gia tổ chức phản động chống phá Nhà nước nên cả hai mẹ con đều bị công an bắt rồi.

Đúng lúc đó thì ông Sáu, Tổ trưởng tổ dân phố bước vào cất lời: “Chào bà Loan. Bà đang nói chuyện về mẹ con bà Ngọc ngõ trên phải không?”

- Vâng, ông Sáu. Ông biết chuyện thế nào nói tôi nghe với.

- Mấy năm vừa rồi, Duyên con bà Ngọc bị kẻ xấu dụ dỗ tham gia tổ chức phản động chống phá Nhà nước, bêu xấu lãnh đạo. Những việc làm sai trái đó được ngụy biện là lòng yêu nước chân chính. Từng bị cơ quan công an mời lên làm việc, nhắc nhở, nhưng Duyên không tỉnh ngộ. Đáng buồn hơn, Duyên còn lôi kéo chính mẹ mình tham gia.

“Chú Sáu ơi, tội nghiêm trọng đến thế sao?”, Phương hỏi ông Sáu.

- Do thiếu hiểu biết, khi tham gia vào các tổ chức phản động, họ đã gieo rắc tư tưởng hận thù, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo và làm mất đi niềm tin của quần chúng vào chính quyền nhân dân. Những hành động đó đe dọa đến an ninh quốc gia, phá hoại sự đoàn kết của dân tộc ta. Mà pháp luật thì nghiêm minh, không ai có thể đứng ngoài pháp luật được.

- Vậy chúng ta phải làm gì để không mắc bẫy kẻ xấu?

- Điều quan trọng nhất là phải có hiểu biết và luôn tỉnh táo trước các luồng thông tin. Bất cứ ai có biểu hiện lôi kéo hoặc bị lôi kéo tham gia các hoạt động sai trái, cần báo ngay cho cấp ủy, chính quyền địa phương để giáo dục, có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hơn hết, mỗi người dân phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, cùng nhau đoàn kết xây dựng cộng đồng vững mạnh.

Nghe ông Sáu nói, bà Loan hưởng ứng: “Ông nói phải đó. Chúng ta cần sáng suốt. Dù có chuyện gì cũng không tin theo những lời dụ dỗ của kẻ xấu mà hành động sai trái. Phương học trên phố, nhiều thông tin nhiễu loạn, nhất là trên mạng xã hội. Con phải nhớ kỹ điều đó nhé”.

“Vâng, con biết rồi ạ. Con sẽ chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng cảnh giác, không mắc bẫy thế lực thù địch ạ”, Phương đáp lời mẹ.

HUY PHONG

Bài 1: Kế thừa, vận dụng những bài học lịch sử

 


Đức trị và pháp trị là hai đường lối cai trị của bậc quân vương, trong đó, đức trị được Khổng Tử xây dựng thành học thuyết chính trị, triển khai và thực thi trong chế độ phong kiến, để lại nhiều bài học lịch sử bổ ích.

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, việc kết hợp, vận dụng hài hòa giữa đức trị và pháp trị sẽ phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, thực hành Điều lệ Đảng...

Từ những bài học lịch sử, thực tiễn…

Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chúng ta cần quán triệt, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần thượng tôn pháp luật, "dĩ dân vi thượng". Bác Hồ rất coi trọng đạo đức, tình cảm nhưng rất nghiêm khắc với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái đạo đức. Người gọi đó là giặc nội xâm, cực kỳ nguy hiểm, tự giết chết chế độ. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc xét xử nghiêm minh và y án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu về tội tham nhũng, ăn chơi sa đọa trong bối cảnh quân dân cả nước tập trung tất cả cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại tá Trần Dụ Châu từng là cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao chức vụ Cục trưởng Cục Quân nhu. Khi cán bộ này phạm trọng tội, mặc dù rất đau đớn nhưng Người vẫn kiên quyết nghiêm trị, xử lý đúng pháp luật.

Bài 1: Kế thừa, vận dụng những bài học lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa, năm 1950. Ảnh tư liệu: hochiminh.vn 

Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn y án tử hình đối với cán bộ cao cấp Trương Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp vì tội giết người, ăn chơi sa đọa. Những bản án nghiêm khắc ấy thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của người đứng đầu Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Thực hiện nghiêm pháp luật như vậy thực sự là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bản án tử hình đối với hai đối tượng trên đã tăng sức mạnh răn đe đến đội ngũ cán bộ cao cấp trong Đảng, Nhà nước và Quân đội, thể hiện bản chất của pháp luật là công bằng, nghiêm minh: “Pháp luật không hùa theo người sang, sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong”. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tình hình đất nước có những giai đoạn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng với sự nghiêm minh của pháp luật đã tạo nên hiệu ứng, hiệu quả tốt trong lãnh đạo, quản lý và điều hành xã hội của Đảng, Nhà nước ta, quy tụ lòng dân về một mối.

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đã đem lại nhiều thành tựu nhất định. Đó là, mọi hoạt động xã hội đều phải tuân theo pháp luật, người dân được làm những việc mà pháp luật không cấm, cán bộ nhà nước làm việc theo pháp luật quy định. Trong quá trình hoạt động quản lý xã hội, đội ngũ cán bộ về cơ bản hoạt động theo đúng pháp luật. Đồng thời, do rèn luyện, tu dưỡng, đại đa số đội ngũ cán bộ, đảng viên đã hình thành, tu dưỡng phẩm chất đạo đức công bộc của dân. Tuân thủ theo pháp luật một cách bắt buộc nghiêm ngặt, dần dần thành thói quen tốt của cán bộ công chức, những thói quen ấy sẽ là cơ sở cho việc giáo dục, củng cố phẩm chất đạo đức như trung thành, tự giác, mẫn cán... Đồng thời, cán bộ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức tốt sẽ bớt tham lam, tránh được tệ hối lộ, tham nhũng; bớt cửa quyền, hách dịch, tránh được độc tài, vi phạm dân chủ; bớt đố kỵ, ganh ghét sẽ tránh được mất đoàn kết, đấu đá tranh giành quyền lực, lợi ích... Xã hội luôn luôn vận động, phát triển làm cho nhu cầu đời sống con người cũng vận động, biến đổi theo. Trong bất cứ xã hội nào, quy định của pháp luật cũng không thể bao quát hết mọi lĩnh vực của đời sống. Cán bộ không tu dưỡng đạo đức, sẽ dẫn đến không tự giác chấp hành pháp luật, tìm cách lách luật để trục lợi.

Vì thế, dù xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhưng không thể thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt trong đội ngũ cán bộ. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt và đạt được những kết quả nhất định. Một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái phẩm chất đạo đức nghiêm trọng, vì lợi ích cá nhân nên tìm mọi cách trục lợi, tham nhũng, nhận hối lộ... đã bị xử lý nghiêm minh.

Năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên. Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Đặc biệt, có 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý. 

Đúng quy định pháp luật, phù hợp lương tâm, tình cảm

Với cách làm nghiêm túc, căn cứ vào quy định pháp luật, Điều lệ Đảng để tiến hành kỷ luật cán bộ vi phạm, đã làm cho người vi phạm bị xử lý tâm phục, khẩu phục, mang tính răn đe cao trong Đảng và hệ thống chính trị.  Những tội danh như tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên được tổ chức đảng kiểm điểm làm rõ sai phạm, được pháp luật xét xử công khai, luận tội đúng mức, hình phạt nghiêm khắc, đã tiếp tục củng cố lòng tin trong nhân dân về nhà nước pháp quyền công minh.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước thượng tôn pháp luật, cán bộ từ Trung ương đến địa phương đều phải tuân theo pháp luật. Tính phổ biến của quy phạm pháp luật là cơ sở công bằng xã hội, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này đã được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực; tránh bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, chống tình trạng tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức, lợi ích nhóm. Kỷ luật nghiêm minh với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai một cách bài bản, thuyết phục... Xử là phải xử nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm chứ không phải cứ xử nặng mới là tốt. Điều này đã tạo ấn tượng sâu sắc không chỉ trong nhân dân mà ngay những người phạm tội cũng cảm thấy ăn năn, hối cải. Nhiều người đã phải khóc trước tòa vì sự ăn năn, hối lỗi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã khẳng định: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt sẽ giữ được lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ trong sạch, bộ máy vận hành đồng bộ, trên dưới hành động thống nhất theo pháp luật sẽ tạo nên hành lang pháp lý cho xã hội và cá nhân tuân theo.

Việc kế thừa, vận dụng những bài học lịch sử từ truyền thống ông cha và học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết hài hòa mối quan hệ pháp trị và đức trị trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi "đức trị" đạt đến sự tự giác, là nhân tố để xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh, thì tinh thần thượng tôn pháp luật, hiệu lực, hiệu quả pháp trị sẽ đạt mức tối đa. Tinh thần này cần được triển khai trong toàn Đảng và hệ thống chính trị chứ không chỉ có sự cố gắng, kiên trì, kiên quyết từ Trung ương.

(còn nữa)

TS PHẠM ĐÀO THỊNH


Kết hợp pháp trị và đức trị trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Bài 2: Vì hiệu quả thực chất, bền vững... (Tiếp theo và hết)

 

Quyền lực là một trong những căn nguyên dễ làm tha hóa đạo đức con người. Vì thế, để ngăn chặn sự tha hóa, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự giác trau dồi đạo đức, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đó cũng chính là một trong những nhân tố căn bản để rèn luyện tinh thần thượng tôn pháp luật...

Coi trọng đạo đức trong lãnh đạo, quản lý

V.I.Lênin từng nói: Có ba kẻ thù chính trong mỗi người nắm quyền lực, kẻ thù thứ nhất là tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, kẻ thù thứ hai là nạn mù chữ, kẻ thù thứ ba là nạn hối lộ. Trong quá trình nắm quyền, người cán bộ có thể chuyển từ người tốt sang người xấu. Để ngăn chặn, phải có đạo đức và coi trọng tu dưỡng đạo đức. Đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng, đạo đức có tính tự giác, tự nguyện, là cái bên trong mỗi con người. Từ cái bên trong mà chi phối suy nghĩ, hành vi bên ngoài. Đạo đức khi được hình thành, tu dưỡng liên tục sẽ trở nên bền vững, thành nền tảng về tư cách, phẩm chất của người cán bộ cách mạng. Dù đời sống xã hội thay đổi, nhu cầu phát sinh thì nhờ có đạo đức mà điều chỉnh con người có hành vi đúng với giá trị đạo lý.

Nhờ có đạo đức mà cán bộ, đảng viên sẽ có tính hấp dẫn, tính thu hút đối với cộng đồng, xã hội. Đạo đức có sức mạnh nội sinh, tính lan tỏa lớn, đạo đức không chỉ đưa ra nguyên tắc cho cán bộ tự giác thực hiện mà còn khuyên cán bộ nên làm cái này tốt đẹp hay làm cái kia lương thiện từ đó mà tạo ra những phong trào tích cực trong xã hội. Nếu như pháp luật yêu cầu người cán bộ, đảng viên tối thiểu phải đạt được những quy định của pháp luật, bắt buộc phải thực hiện những quy phạm có tính phổ biến, phổ thông, thì ngược lại, đạo đức yêu cầu tối đa.

Đó là, đạo đức là những quy tắc, chuẩn mực có tính cách tự giác, tự nguyện, đạt đến yêu cầu cao: Khuyến khích, động viên, khêu gợi nên làm những điều cao đẹp, những điều lý tưởng, từ đó, người cán bộ hình thành những phẩm chất cao đẹp, dám hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Đạo đức cán bộ, đảng viên tốt đẹp sẽ như ruộng lúa tốt, cỏ dại không có cơ hội mọc chen lấn, xã hội sẽ dần loại trừ những hành vi xấu, tiêu cực. Người cán bộ có đạo đức tốt sẽ khắc phục được khó khăn, gian khổ, không nề hà với công việc, rèn luyện được bản lĩnh thắng không kiêu, bại không nản, chất phác, khiêm tốn, chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ tốt chứ không kèn cựa về lợi ích. Cũng từ đó mà người cán bộ, đảng viên tránh được tính công thần, quan liêu; không kiêu ngạo, không hủ hóa...

Lịch sử và thực tiễn cho thấy, khi chính quyền dùng đức trị bên cạnh pháp trị để quản lý, điều hành xã hội sẽ đạt được hiệu quả tối ưu. Kế thừa kinh nghiệm ấy, bên cạnh việc thực hiện quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật, Đảng, Nhà nước ta còn phát huy được sức mạnh của đạo đức, của nội lực bên trong. Đảng ta là đạo đức, là văn minh, tức là coi trọng đạo đức trong lãnh đạo, quản lý. Một đảng cầm quyền mà coi trọng đạo đức thì sẽ giảm bớt rất nhiều quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch. Đảng cầm quyền mà coi trọng đạo đức thì cán bộ mắc khuyết điểm sẽ yên tâm sửa chữa để tiến bộ hơn, tránh được mặc cảm, tự ti khi đã mắc khuyết điểm.

Nhận được lòng bao dung, độ lượng của các cấp lãnh đạo, cán bộ vi phạm khuyết điểm sẽ có thái độ, tư tưởng tích cực hơn trong cuộc sống cũng như trong công tác. Đảng, Nhà nước coi trọng đạo đức trong lãnh đạo, quản lý sẽ tạo điều kiện tốt cho cán bộ, đảng viên tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, tránh được tình trạng che giấu khuyết điểm. Cán bộ, đảng viên có đạo đức tốt sẽ có phương pháp giúp những cán bộ có khuyết điểm sửa sai, giúp nhau tiến bộ. Nỗi ân hận, ăn năn của người vi phạm khuyết điểm cũng chính là nỗi đau của mình. Trong xã hội, giữa cái đúng, cái sai, cái tích cực và tiêu cực còn đan xen trên nhiều lĩnh vực, phân khúc, thì việc cùng nhau nhận diện, cùng giúp nhau sửa chữa, tiến bộ là vô cùng cần thiết.

Nhìn nhận con người trong bối cảnh hiện nay cần có thái độ khách quan, toàn diện, biện chứng. Cán bộ, đảng viên cần tránh thái độ thấy đồng chí, đồng nghiệp mắc khuyết điểm thì bàng quan hoặc hả hê, chì chiết, hay có tư tưởng “giậu đổ bìm leo”, "tát nước theo mưa". Làm như thế sẽ đẩy người mắc khuyết điểm đi vào ngõ cụt của cuộc sống. Đồng thời, tránh tư tưởng, thái độ, lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng để khai thác điểm yếu, khai thác sơ hở, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để cài bẫy cho đồng chí của mình mắc sai lầm. Cán bộ, đảng viên phải thẳng thắn, trung thực, chân thành để khuyên bảo nhau cùng tiến bộ. Yêu thương, quý mến nhau không có nghĩa là thấy đồng chí vi phạm khuyết điểm thì nể nang, né tránh không dám thẳng thắn góp ý phê bình. Đến khi đồng chí của mình vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật thì mới bới móc. Như thế là kẻ cơ hội, thiếu chân thành. Người cán bộ ngoài hiểu biết đạo đức cũng cần có lòng dũng cảm, khẳng khái thì mới thực hiện được đạo đức tốt đẹp.

Một con người, dù có vi phạm pháp luật, có tội lỗi cũng không thể đẩy họ ra khỏi xã hội. Họ vẫn phải sinh sống trong cộng đồng. Vì thế, bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, xã hội cần có lòng nhân ái, bao dung, sẵn sàng thông cảm khi người mắc khuyết điểm biết ăn năn hối cải. Từ đó làm cho họ có bài học sâu sắc hơn trong cuộc sống. Những bài học đắt giá, bổ ích đó sẽ lan tỏa trong các thế hệ cán bộ, đảng viên. Từ những bài học trong quá khứ sẽ ngăn chặn được những hành vi tiêu cực tương tự có khả năng xảy ra trong hiện tại và tương lai.

Lấy đạo đức làm gốc, lấy pháp luật làm chuẩn

Sức mạnh của đạo đức và sức mạnh của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng có quan hệ biện chứng với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một xã hội phát triển tốt đẹp là xã hội lấy đạo đức làm gốc, lấy pháp luật làm chuẩn. Trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay, không thể tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm chỉ xử lý theo pháp luật thì mới chỉ giải quyết quan hệ bên ngoài: Tội danh được chứng minh bằng tang chứng, vật chứng nhưng cái tâm, cái ý thức, tư tưởng chưa được giải quyết.

Trong các vụ án cán bộ tham nhũng, hối lộ, vấn đề đấu tranh rất khó khăn, phức tạp khi thiếu tang chứng, vật chứng. Tất cả những vấn đề đó là cái bên ngoài, bản thân người vi phạm có thể tìm cách để chối bỏ nhằm thoát tội. Vấn đề sâu xa của cán bộ, đảng viên là cái tâm phải thực sự trong sáng, nhận thức phải thật sự thấu đáo về khuyết điểm, về sai phạm. Cán bộ, đảng viên có nhận thức đầy đủ về giá trị của danh dự, của đạo đức cao đẹp thì mới có thể dứt bỏ được những cám dỗ của đời sống vật chất. Từ đó, mới tự giác nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, lấy những quy phạm pháp luật làm chuẩn mực của công vụ.

Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nếu tách rời đạo đức khỏi pháp luật hoặc coi nhẹ, việc thực thi pháp luật của Nhà nước sẽ trở nên hà khắc, thô bạo, con người với con người trở nên xa lạ, thiếu đi cái sinh động của tình nghĩa cao thượng, thiếu tính nhân văn trong đời sống xã hội. Trước tòa, với những bằng chứng tội phạm, các vị thẩm phán, các vị luật sư luận tội buộc người vi phạm phải nhận tội nhưng nếu thiếu đạo đức thì tính tâm phục không cao. Sự miễn cưỡng nhận tội của người vi phạm pháp luật sẽ xa lạ với việc tự giác chấp hành hình phạt, từ đó cũng ảnh hưởng đến chiều sâu tính nghiêm minh của pháp luật.

Đạo đức khi được phát huy giá trị cao đẹp của nó, việc thực thi pháp luật sẽ có tính hiệu quả, tính thực thi cao. Cán bộ chấp pháp mà đạo đức kém thì có thể sử dụng pháp luật không công tâm, luận tội thiếu khách quan, thiếu chuẩn mực, xảy ra oan sai, khuất tất. Từ đó, xảy ra tình trạng thực thi pháp luật khó khăn, khiếu kiện kéo dài, vụ án có thể chấm dứt nhưng dư luận vẫn âm ỉ. Ngược lại, cán bộ có đạo đức tốt, sẽ sử dụng pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, thấu tình đạt lý, xử đúng người, đúng tội. Từ đó, lòng tin của nhân dân vào tính chính trực của pháp luật được khẳng định.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta không ngừng quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhưng đồng thời khẳng định pháp luật Việt Nam trừng trị nghiêm khắc những ai vi phạm đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Có như vậy, tính nghiêm minh của pháp luật mới được hiện thực hóa vào trong đời sống xã hội.

Kết hợp đạo đức và pháp luật trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng là vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay. Bởi vì, nó vừa phát huy được sức mạnh nền tảng của đạo đức, vừa bảo đảm tính chuẩn mực của pháp luật. Có như vậy, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đạt được mục tiêu, kết quả thực chất, bền vững...

TS PHẠM ĐÀO THỊNH

Sự phản khoa học của luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam

 

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, khả năng phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Với mưu đồ chống phá, làm suy yếu Việt Nam, các thế lực thù địch xác định lĩnh vực quốc phòng là một trong những trọng điểm, với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc; nội dung chống phá trên nhiều phương diện, từ quan điểm, chủ trương, đường lối đến chính sách quốc phòng Việt Nam.

Nham hiểm âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc chống phá lĩnh vực quốc phòng

Quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia gồm tổng thể hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT nhân dân làm nòng cốt nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô.

Để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch luôn xác định chống phá trên lĩnh vực quốc phòng là một trong những trọng điểm nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng; thay đổi bản chất hòa bình, tự vệ, chính nghĩa của nền quốc phòng Việt Nam; làm suy yếu sức mạnh, tiềm lực quốc phòng, phá vỡ thế trận quốc phòng, suy giảm sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN); thay đổi bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội và LLVT; thực hiện âm mưu “dân sự hóa hoạt động quân sự”, “phi chính trị hóa” Quân đội, làm cho LLVT mất phương hướng chính trị, không làm tròn vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Thời gian qua, các đối tượng chống phá tập trung xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta, đưa ra luận điệu "thế giới đã và đang chung sống hòa bình, không có chiến tranh thì không nên và không cần thiết phải đầu tư cho quốc phòng, mà phải quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Bên cạnh đó, chúng ra sức bóp méo, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quốc phòng. Ngoài ra, chúng phủ nhận tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền quốc phòng; đồng nhất lĩnh vực quốc phòng với lĩnh vực quân sự, cho rằng quốc phòng là do Quân đội đảm nhiệm, là của các LLVT.

Không những vậy, chúng còn ngụy biện cho rằng quan điểm xây dựng khu vực phòng thủ là chia tách, phân biệt vùng miền, phân biệt đối xử giữa các khu vực trên cả nước; ra sức truyền bá tư tưởng đẩy mạnh hợp tác, tham gia các liên minh quân sự để nâng cao sức mạnh quốc phòng; kích động khuynh hướng đòi “quốc gia hóa Quân đội”, yêu cầu “luật hóa mọi vấn đề về tổ chức và hoạt động của Quân đội”; đòi dân sự hóa chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; kích động, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Quân đội, đoàn kết thống nhất giữa QĐND với Công an nhân dân, giữa Quân đội với nhân dân; xuyên tạc, vu khống, bịa đặt về chính sách đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước.

Sự phản khoa học của luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn 

Để hiện thực hóa mưu đồ trên, chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội tán phát thông tin xuyên tạc, lồng ghép nội dung sai trái, phản động; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức “xã hội dân sự” và “phản biện xã hội”, liên thông, kết nối với các “hội”, “đoàn”, “nhóm” để tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, sức mạnh quốc phòng.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quốc phòng là rất nguy hiểm, tác động sâu sắc, toàn diện đến lĩnh vực quốc phòng và sức mạnh phòng thủ đất nước. Những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi đó nếu không được nhận thức đầy đủ sẽ gây ra tâm lý hoang mang, làm suy giảm lòng tin của bộ phận nhân dân vào đường lối, chính sách quốc phòng; suy giảm sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Khẳng định bản chất cách mạng, chính nghĩa của chính sách quốc phòng Việt Nam

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu, phương hướng bảo vệ Tổ quốc là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt tinh thần đó, để đấu tranh phòng ngừa, đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên lĩnh vực quốc phòng, giải pháp hàng đầu là cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân và LLVT nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quốc phòng; nâng cao nhận thức, xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó QĐND và Công an nhân dân là nòng cốt. Tiếp tục khẳng định, bảo vệ và phát triển lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; vạch trần tính chất sai trái, phản khoa học, phản động của các thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ và thực hiện thắng lợi đường lối xây dựng nền QPTD của Đảng; chủ động, kịp thời định hướng dư luận, cung cấp thông tin chính thống, ngăn chặn các luồng thông tin thất thiệt gây hoang mang, lo lắng trong xã hội.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của quốc phòng Việt Nam, khắc phục tư tưởng, nhận thức lệch lạc, sai trái trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, củng cố vững chắc nền QPTD. Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ truyền thống văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; chủ trương, đường lối quốc phòng, quân sự, xây dựng nền QPTD; chính sách, pháp luật về quốc phòng của Đảng và Nhà nước. Phát huy dân chủ rộng rãi, tạo đồng thuận, nhất trí cao của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng tiềm lực của nền QPTD; xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, bảo đảm vừa thuận tiện sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, hình thành thế trận phòng thủ đất nước trên các hướng chiến lược và cả nước.

Đối với những nhận thức, tư tưởng lệch lạc, cần tập trung phê phán những nhận thức không đầy đủ, sâu sắc về nhiệm vụ tăng cường quốc phòng; nhận thức đúng về mối quan hệ kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; quan hệ đối tác và đối tượng; xây dựng thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”.

Chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm, tư tưởng, lý luận về quân sự, quốc phòng của giai cấp tư sản đối lập và phủ định quan điểm Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổ chức nghiên cứu có hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là tư tưởng tư sản và các trào lưu tư tưởng phản động trong bối cảnh toàn cầu hóa, vạch rõ bản chất phản động, phản khoa học của các quan điểm, tư tưởng đó. Tích cực đổi mới hình thức giáo dục lý luận chính trị, xây dựng phương pháp xem xét đúng đắn, khoa học, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng.

Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn dân; giữ gìn, phát huy các chuẩn mực văn hóa Bộ đội Cụ Hồ và bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam; chủ động, tăng cường thông tin sâu rộng với bạn bè quốc tế về mục đích, bản chất đường lối, chính sách QPTD hòa bình, tự vệ, chính nghĩa của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Trung tá, TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG

Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị