Social Icons

Pages

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2025

Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông!

 Những năm gần đây, nhất là năm 2024, hợp tác kinh tế trở thành nội dung được quan tâm hàng đầu trong tất cả hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là đối ngoại cấp cao. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế là lời đáp trả mạnh mẽ trước luận điệu của một số phần tử chống đối, thù địch cho rằng các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam “đi nhiều nơi, đón nhiều người” nhưng chẳng đem lại lợi ích gì, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Năm khởi sắc của ngoại giao kinh tế

Có thể khẳng định rằng, năm 2024 là một năm khởi sắc của ngoại giao Việt Nam.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Ngoại giao, chỉ riêng năm qua đã có gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương, đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam; cùng với đó là các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, các hội nghị đa phương trực tuyến hoặc diễn ra tại Hà Nội.

Thông qua các hoạt động đối ngoại cấp cao, hơn 170 thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác đã được ký kết.

Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông!
Ảnh minh họa: baonghean.vn 

Dễ nhận thấy nội dung hợp tác kinh tế là trọng tâm của đối ngoại cấp cao Việt Nam trong những năm gần đây, cụ thể là đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông...; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn... với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, tạo đột phá ở các thị trường mới và tiềm năng, trong đó có các thị trường còn nhiều dư địa như khu vực Mỹ Latin, Trung Đông - châu Phi, Trung-Đông Âu.

Năm 2024, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, nâng tổng số FTA ký kết và tham gia lên con số 17.

Hoạt động ngoại giao kinh tế còn được thể hiện qua việc chỉ trong vòng một năm, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai hơn 700 hoạt động ngoại giao kinh tế xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương quảng bá giới thiệu, kết nối, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài, với hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương trong và ngoài nước, trong đó hỗ trợ các tỉnh, thành phố ký kết 130 thỏa thuận với các đối tác quốc tế.

Nhìn vào hàng loạt hoạt động ngoại giao kinh tế thông qua đối ngoại cấp cao của Việt Nam trong năm qua cũng có thể thấy rằng, ngoại giao kinh tế ngày càng được triển khai bài bản và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương.

Cơ hội để đất nước phát triển bứt phá

Những thành tựu của ngoại giao kinh tế được gói gọn trong đánh giá mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại một hội nghị diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 12-2024: Ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hơn và bài bản hơn, với “3 rõ”: Kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Hiệu quả của ngoại giao kinh tế năm 2024 trước hết được thể hiện qua những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh.

Điển hình là thông qua các hoạt động đối ngoại cấp cao, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết 9 văn kiện cấp chính phủ về lĩnh vực năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, điện tử công nghệ cao; Việt Nam và Ấn Độ thống nhất đề ra phương hướng hợp tác “5 hơn”, trong đó nhấn mạnh hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn, và Thủ tướng Ấn Độ cam kết tăng đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam và một số quốc gia ở khu vực Trung Đông cũng nhất trí coi đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là trọng tâm hợp tác song phương trong thời gian tới, trong đó UAE sẵn sàng hợp tác với Việt Nam xây dựng trung tâm siêu dữ liệu.

Giới đầu tư trong nước, khu vực và quốc tế hẳn cũng chưa quên hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ông Jensen Huang, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD - dạo quanh phố cổ, gặp gỡ người dân và thưởng thực các món ẩm thực đường phố Hà Nội hồi đầu tháng 12-2024.

Song điều khiến người ta chú ý hơn cả là trong chuyến thăm làm việc ấy của ông Jensen Huang, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã ký Thỏa thuận về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Ngoài ra, Tập đoàn NVIDIA đã ký thỏa thuận trị giá 4-4,5 tỷ USD với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam trong vòng 4 năm tới. Nên nhớ rằng, kết quả này có được chỉ sau hơn một năm kể từ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm trụ sở Tập đoàn NVIDIA nhân chuyến công tác tại Hoa Kỳ và đề nghị NVIDIA hợp tác với Việt Nam trong phát triển công nghệ.

Những thành quả nói trên chứng tỏ Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh quốc tế, và hoàn toàn trái ngược với luận điệu cho rằng, trong khi một số quốc gia liên tục thu về những hợp đồng giá trị thì lãnh đạo cấp cao Việt Nam chỉ công du, “tay bắt mặt mừng” khắp nơi để theo đuổi những mục tiêu, lợi ích viển vông.

Dĩ nhiên, các văn bản, thỏa thuận hợp tác “tỷ đô” không thể tạo ra thay đổi “mắt thấy tai nghe” chỉ trong vòng một đêm. Vẫn cần thời gian và nỗ lực nhằm cụ thể hóa, khai thác hiệu quả các thỏa thuận, khuôn khổ hợp tác đã ký kết, từ đó phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho mỗi người dân.

Những thành quả đạt được thông qua ngoại giao kinh tế rõ ràng đang mở ra cơ hội bứt phá cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ. Đó cũng là điều mà ngay cả những đối tượng thường xuyên chống phá, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam cũng phải thừa nhận.

ANH VŨ

Cần xử lý nghiêm những đối tượng tung tin sai sự thật nhằm thực hiện âm mưu chống phá

 Mấy ngày gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện những thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc về vụ việc quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp thuộc Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1 tử vong; gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan, đơn vị Quân đội và gia đình quân nhân. Đặc biệt, một số đối tượng bất mãn, phản động đã lợi dụng sự việc này để quy chụp, suy diễn, vu khống nhằm thực hiện âm mưu kích động chống phá Quân đội nói chung, chống phá công tác tuyển quân nói riêng. Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ sự việc.

Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do màng não cầu thể tối cấp rất nguy hiểm

Theo báo cáo của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1, Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp sinh ngày 3-10-2001, quê ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; nhập ngũ đầu năm 2024. Sau khi đi học lớp đào tạo nhân viên quân khí tại Trường Quân sự Quân khu 1 trở về, từ tháng 11-2024, đồng chí Nghiệp là nhân viên quân khí của Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 và ở cùng phòng với nhân viên quân y đại đội.  

Quân y đơn vị cho biết, khoảng 8 giờ sáng 9-2-2025, đồng chí Nghiệp bị sốt và đau bụng, nằm nghỉ ngơi, theo dõi. Đến 18 giờ cùng ngày, thấy đồng chí Nghiệp không đỡ, sốt cao, đau bụng quanh rốn, chỉ huy đơn vị quyết định đưa đồng chí Nghiệp đến Bệnh xá Trung đoàn, rồi chuyển lên Bệnh xá Sư đoàn để theo dõi, điều trị, nhưng các triệu chứng bệnh không giảm. Lúc 22 giờ 50 phút, đơn vị đưa đồng chí Nghiệp đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 110. Đến 23 giờ 50 phút, Bệnh viện Quân y 110 dùng xe cứu thương, cho thở ô xy, chuyển bệnh nhân Nghiệp ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì tình trạng bệnh vượt quá khả năng điều trị. Khoảng 0 giờ 55 phút, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông báo bệnh nhân Nguyễn Văn Nghiệp đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông báo và kết luận của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về việc Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp tử vong do bệnh não cầu, chỉ huy và cơ quan các cấp của Trung đoàn 12 đã báo cáo cấp trên theo quy định, sau đó thông báo với gia đình đồng chí Nghiệp. Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với đơn vị và gia đình Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp, cùng chính quyền địa phương để giải quyết vụ việc theo đúng quy định.

Báo cáo của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nêu rõ: Bệnh nhân Nguyễn Văn Nghiệp được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lúc 0 giờ 36 phút ngày 10-2; trước đó khoảng 10 phút, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, được ép tim, bóp bóng, chuyển vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm, đồng tử 2 bên giãn 4mm, mất phản xạ ánh sáng, ban hoại tử toàn thân, da lạnh, mạch cảnh không bắt được, không đo được huyết áp. Chẩn đoán bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện, theo dõi sốc nhiễm khuẩn. Kíp trực lập tức xử trí hồi sinh tim phổi nâng cao (ép tim, đặt nội khí quản, tiêm adrenalin, truyền nabica), giải thích tình trạng bệnh nhân nặng cho chỉ huy đơn vị và quân y đơn vị đi cùng. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, sau một thời gian ép tim không đập lại. Kíp trực thông báo với quân y đơn vị về khả năng bệnh nhân nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần tổ chức cách ly đơn vị. Sau khi có kết quả các xét nghiệm, kíp trực của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hội chẩn và kết luận xác định, bệnh nhân Nguyễn Văn Nghiệp ngừng tuần hoàn ngoại viện vì sốc nhiễm khuẩn do màng não cầu thể tối cấp.

Cần xử lý nghiêm những đối tượng tung tin sai sự thật nhằm thực hiện âm mưu chống phá

Lấy mẫu xét nghiệm đối với các quân nhân tiếp xúc gần bệnh nhân Nguyễn Văn Nghiệp và triển khai phòng, chống dịch bệnh tại Sư đoàn 3. Ảnh: CÔNG CƯỜNG  

Đại tá, Tiến sĩ Vũ Viết Sáng, Phó viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: Chẩn đoán chính xác của bệnh nhân Nguyễn Văn Nghiệp là nhiễm khuẩn huyết do màng não cầu thể tối cấp, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Đây là một thể bệnh rất nặng do vi khuẩn màng não cầu gây nên, người ta hay gọi là thể sét đánh đã được ghi nhận nhiều trong y văn. Diễn biến của bệnh nhân rất là tối cấp, từ 8 giờ sáng đến nửa đêm, bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, trong đó có tình trạng xuất huyết toàn thân, rất điển hình của xuất huyết do bệnh màng não cầu, mà bệnh này rất nguy hiểm, thường hay xuất hiện ở những thanh niên trẻ. Những bệnh nhân này có thể diễn tiến nặng dẫn tới tử vong trong vòng từ 12 đến 24 giờ.

Sự việc bị xuyên tạc, vu khống nhằm kích động chống phá

Sau khi được đơn vị báo tin Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp tử vong vì mắc bệnh do màng não cầu thể tối cấp, dù đơn vị và các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu chữa được vì diễn biến của bệnh quá nhanh, một số người thân trong gia đình, họ hàng, người cùng làng của Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp trong lúc vô cùng đau xót đã có thái độ bức xúc, hành vi quá khích và lời nói không đúng mực; thậm chí có người suy diễn rằng con cháu mình thiệt mạng vì bị cán bộ đơn vị đánh.

Đáng trách nhất là có 1-2 người vừa kêu gào, rêu rao những thông tin sai sự thật, không hề có bằng chứng gì, ngang nhiên quy chụp quân nhân Nghiệp bị cán bộ đánh dẫn đến tử vong và vu khống cán bộ đơn vị, công an bao che cho vi phạm này, vừa chụp ảnh, quay video clip phát trực tiếp trên Facebook và đề nghị mọi người chia sẻ thật mạnh (!?).

Trước thông tin trên mạng xã hội, dù chưa biết đúng hay sai nhưng một số đối tượng vẫn tùy tiện chia sẻ, bình luận với nội dung sai sự thật và giọng điệu kích động, tiêu cực, làm sai bản chất và đẩy nóng vụ việc, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Quân đội. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng sự việc trên để chống phá Quân đội nói chung, chống phá công tác tuyển quân nói riêng. Chỉ riêng trang Facebook Việt Tân đã nhiều lần đăng tải hình ảnh, video clip về sự việc này kèm những lời vu khống, bịa đặt, có tính chất kích động

Một số trang tin phản động còn moi móc lại vụ việc quân nhân tử vong trong thời gian trước kèm theo luận điệu “Nhiều quân nhân tử vong bất thường” để đẩy nóng vụ việc, kích động sự hoài nghi, gây mất niềm tin của nhân dân vào Quân đội nhằm thực hiện mưu đồ đen tối của chúng là chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

Cần tỉnh táo để không bị sa vào “bẫy” nguy hiểm

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 và được các đồng chí cho biết: Đơn vị quản lý hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và luôn chú trọng duy trì sự đoàn kết bằng rất nhiều biện pháp. Không thể có tình trạng quân nhân thường xuyên bị đánh đập, nên mọi người cần tỉnh táo trước những thông tin suy diễn, không đúng sự thật.

Để kết luận chính xác nguyên nhân khiến Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp tử vong, chỉ huy Sư đoàn 3, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc và thống nhất với gia đình tiến hành khám nghiệm tử thi từ ngày 10-2. Chiều 12-2, Viện Pháp y Quân đội đã có văn bản cung cấp thông tin sơ bộ, xác định nguyên nhân và thời gian tử vong của quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp với nội dung chính như sau: Không phát hiện tổn thương do tác động của ngoại lực (không xây xát da, không bầm tụ máu, không có gãy xương, không sai khớp...); nhiều ban xuất huyết, hoại tử khắp toàn thân (đầu mặt cổ, ngực, bụng, lưng, tứ chi); tràn dịch khoang màng phổi, màng bụng, màng tim; màng não sung huyết, có giả mạc; não phù nề, bề mặt bán cầu đại não căng; dịch não tủy có màu hồng; phù phổi...

Các kết quả xét nghiệm đã thực hiện của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đối với bệnh nhân Nghiệp như sau: CT sọ não không thấy hình ảnh bất thường nội sọ; CT lồng ngực: Hình ảnh dịch màng phổi phải, dịch màng ngoài tim, phù phổi; xét nghiệm máu bằng Realtime PCR: Neisseria meninggitidis: dương tính.

Nhận định: Không có dấu hiệu tổn thương do tác động của ngoại lực trên tử thi. Nguyên nhân tử vong: Suy hô hấp, tuần hoàn không hồi phục trên người nhiễm bệnh do màng não cầu.

Liên quan đến sự việc này, ngay sau khi nhận được thông tin Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp tử vong do màng não cầu thể tối cấp, trong sáng 10-2, Viện Y học dự phòng Quân đội đã khẩn trương lấy mẫu, làm các xét nghiệm PCR đối với 45 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 tiếp xúc gần với bệnh nhân nhằm phòng, chống dịch bệnh cho các quân nhân và đơn vị. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 7/45 mẫu dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Hiện Viện Y học dự phòng Quân đội đang tích cực phối hợp cùng Sư đoàn 3 và các lực lượng chức năng của Quân khu 1 triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trước sự việc không mong muốn nêu trên, cùng những thông tin sai trái chia sẻ trên mạng xã hội làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, danh dự của Quân đội, khiến người dân, nhất là thanh niên chuẩn bị nhập ngũ có thể hiểu sai về môi trường Quân đội; thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc, kết luận chính xác, khách quan; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Cục Bảo vệ an ninh Quân đội đã triệu tập, làm việc với một số đối tượng có liên quan đến vụ việc và bước đầu, các đối tượng đều thừa nhận hành vi sai trái của mình. Trong đó, đối tượng Nguyễn Ngọc T. (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) bày tỏ: Việc tùy tiện chia sẻ video clip phản ánh không đúng về vụ việc quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp tử vong lên tài khoản TikTok của cá nhân, cũng như không kiểm duyệt bình luận xấu độc trong các video clip... đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đơn vị Quân đội, là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng mạng xã hội, đăng tải thông tin lên không gian mạng.

Sự việc Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp tử vong vì sốc nhiễm khuẩn do màng não cầu thể tối cấp đã và sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, chính xác theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các thủ đoạn lợi dụng sự việc để suy diễn, vu khống, kích động chống phá của các đối tượng bất mãn, phản động; không tùy tiện chia sẽ những hình ảnh, thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng kẻo sa vào “bẫy” của những đối tượng xấu, vừa vi phạm pháp luật vừa trái với đạo đức, lương tâm.

CÁT HUY QUANG

Không có chuyện “đu dây”

 Sau hàng loạt sự kiện đối ngoại thành công gần đây, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, mở rộng. Công tác đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam đã đạt được những kết quả toàn diện, quan trọng, trở thành điểm sáng nổi bật; tạo bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trước thành công đó của Việt Nam, một số cá nhân, tổ chức phản động, các thế lực thù địch bày tỏ sự tức tối và càng ra sức chống phá. Chúng lợi dụng internet, thông qua các trang mạng xã hội, một số hãng truyền thông nước ngoài có phiên bản tiếng Việt để xuyên tạc, phủ nhận thành quả đường lối đối ngoại của Việt Nam; trắng trợn bịa đặt rằng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”; nền ngoại giao của Việt Nam "cục bộ", “chọn bên”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc. 

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch đưa ra lập luận rằng, để “dân chủ” hơn nữa, Việt Nam cần bỏ chính sách quốc phòng “4 không”. Luận điệu xuyên tạc trên vô cùng nguy hại khi nó làm cho số ít người không có thông tin đầy đủ về tình hình Việt Nam thời gian gần đây hoang mang, dao động; thậm chí có thể gây chia rẽ, hiểu sai lệch về quan hệ Việt Nam với các nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đưa ra lập luận rõ ràng để phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Không có chuyện “đu dây”
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: HOA HUYỀN 

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí làm rõ sự sai trái trong các khái niệm “đu dây”; "ngoại giao cục bộ", “chọn bên”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc... mà các thế lực thù địch xuyên tạc về chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Thứ nhất, không biết họ nói những khái niệm đó là gì, nhưng với những nước nhỏ mà không dựa trên lợi ích quốc gia, không dựa trên những đan xen hai bên cùng có lợi, không dựa trên luật pháp quốc tế thì “đu dây" là cực kỳ nguy hiểm. Đu dây theo tôi hiểu, tức là anh đu bên này một tí, anh đu bên kia một tí và anh rất dễ rơi vào thế kẹt giữa sự cạnh tranh của các nước lớn. Việt Nam không phải kiểu đó. Quan điểm rõ ràng của Việt Nam là: Tôi có lợi ích khi hợp tác với anh, anh có lợi ích khi hợp tác với tôi và nếu các bên song trùng lợi ích thì nhân cái hợp tác đó lên.

Thứ hai, tôi chơi với anh A, tôi cũng chơi với anh B trên nguyên tắc chung, khi có khác biệt thì phải giải quyết bằng đối thoại trên tinh thần các bên tôn trọng lợi ích của nhau. Tôi không đi với bên này để chống bên kia. Ví dụ, tôi quan hệ với Trung Quốc là vì lợi ích của tôi, của Trung Quốc và của chung hai bên. Tôi quan hệ với Mỹ cũng vậy, cũng vì lợi ích của Mỹ, lợi ích của Việt Nam, hai bên phải đan xen lợi ích thì mới thiết lập quan hệ ngoại giao.

“Đu dây" là gió chiều nào theo chiều ấy, thiên bên này một tí, thiên bên kia một tí. Việt Nam không có quan điểm như vậy. Trong nhiều năm làm công tác ngoại giao, tôi đôi khi được các bạn quốc tế nhắc rằng, Việt Nam đôi lúc còn "hơi cứng" trong quan hệ, một số trường hợp còn chưa uyển chuyển. Nguyên nhân là vì chúng ta giữ vững nguyên tắc trong thảo luận một số vấn đề thì có động chạm đến lợi ích quốc gia; nguyên tắc của luật pháp quốc tế hay vấn đề về thể chế chính trị.

Phải mất 10 năm cân nhắc để nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, trong khi đó, ngay từ khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, thế thì "đu dây" ở chỗ nào? Trong những lần trả lời phỏng vấn trước đây, cá nhân tôi không thích sử dụng khái niệm cân bằng quan hệ với các nước lớn. Không phải là vấn đề cân bằng, mà là tôi quan hệ với tất cả nước lớn, dựa trên lợi ích quốc gia, hai bên cùng có lợi và tất nhiên phải dựa trên luật pháp quốc tế.

Còn nếu hiểu cân bằng theo cách hiểu cơ học, là nếu tôi đi 50 với nước này, thì tôi phải đi 50 với nước kia là không đúng. Lợi ích quốc gia sẽ quyết định không gian hợp tác giữa hai nước. Ví dụ Việt Nam quan hệ với Pháp, chúng ta thấy tiềm năng địa chính trị của Pháp ở châu Âu; còn với Trung Quốc, ngoài quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống thì Trung Quốc là nền kinh tế lớn, với thế mạnh về chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu, hạ tầng... Trong khi đó, với Mỹ thì chắc chắn là khoa học-công nghệ. Mỗi nước có thế mạnh riêng, làm sao có thể xuất sang nước này 50% thì cũng xuất sang nước kia 50% theo cách hiểu thô thiển là cân bằng được.

Và như vậy, câu chuyện "đu dây" hay cân bằng nước lớn, nếu cứng nhắc những nguyên tắc cố định theo kiểu cơ học như vậy sẽ không phản ánh đúng sự độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.

PV: Như vậy có thể hiểu, ngoại giao với các nước lớn cần có tầm nhìn và chiến lược?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Về đối ngoại hay ngoại giao, có hai thành tố quan trọng: Tầm nhìn chiến lược và thủ thuật. Tầm nhìn chiến lược là gì? Nói đại thể, tại sao từ những năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy phải thiết lập quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ. Đấy là tầm nhìn chiến lược. Còn chỉ để nhằm ứng xử với những cạnh tranh quyết liệt của các nước lớn thì đó là một phần thủ thuật thôi.

PV: Nếu các nước lớn, các đối tác đặt điều kiện thì mới hợp tác, chúng ta phải làm gì?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Trong quan hệ quốc tế, những câu chuyện đặt điều kiện là chuyện thường xuyên. Bởi vì hai bên có lợi ích song trùng và cả những lợi ích không song trùng.

Ví dụ, việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những điều khoản có thể chưa thực sự phù hợp, nhưng mình phải chấp nhận khi đạt được lợi ích chung lớn hơn. Đấy là khi điểm cộng có tổng bằng dương cho lợi ích quốc gia, không gây hại và không ảnh hưởng tới vấn đề cốt lõi thì phải tiến hành chứ.

Cho nên, trong quan hệ với các nước, luôn tồn tại câu chuyện khác biệt, nhưng vẫn có song trùng, chúng ta phải có cách tiếp cận để giữ được cái cốt lõi của mình nhưng vẫn tranh thủ được thuận lợi từ đối tác.

PV: Trong gần 40 năm đất nước đổi mới, ấn tượng của đồng chí với công tác ngoại giao là điều gì?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Điều tôi ấn tượng nhất có lẽ là chúng ta tham gia vào môi trường quốc tế một cách tự tin, chúng ta đã vững mạnh hơn rất nhiều. Ngoại giao vừa đóng góp hiệu quả vào việc phát triển đất nước, đồng thời vừa tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho hòa bình và phát triển. Vị thế Việt Nam đã lên rất nhiều.

Có những lúc, có những thời điểm ngoại giao tạo ra động lực mới, thậm chí là dẫn dắt. Ví dụ, việc “phá vây” ngoại giao thành công đã tạo được không gian để phát triển. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã “phá vây” thành công. Năm 1991 là Hiệp định Paris về Campuchia; chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Năm 1994-1995 là giai đoạn vào ASEAN, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Có thể khẳng định, khi được sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, đã tạo ra bước đột phá.

Như vậy, ngoại giao có vai trò định hướng hội nhập và mang tính dẫn dắt. Có thể lấy ví dụ thời điểm dịch Covid-19 mấy năm vừa rồi. Đó là thời gian khó khăn về dịch bệnh, kinh tế thế giới đứng trước bờ vực suy thoái, cạnh tranh nước lớn quyết liệt, nhiều nước không dám quan hệ với xung quanh. Chính thời điểm khó khăn này lại là những năm đối ngoại Việt Nam đột phá. Tôi nghĩ rằng không phải ngẫu nhiên mà tất cả nước lớn và những nước quan trọng nhất lại cung cấp cho Việt Nam lượng vaccine lớn như vậy để phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh đầy cạnh tranh, Việt Nam vẫn sử dụng tốt ưu thế, vị thế của mình, đan xen lợi ích với các đối tác, từ đó thiết lập và nâng cấp quan hệ với những nước mà thậm chí giữa họ đang cạnh tranh với nhau. Ví dụ cụ thể chính là việc giữ được quan hệ tốt đẹp với các nước lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc; tranh thủ được nguồn lực từ các nước này, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm, đường lối đối ngoại của mình, tạo sự ổn định và môi trường thuận lợi nhất cho phát triển.

Không chỉ với các nước lớn, hiện Việt Nam đang có quan hệ tốt với tất cả những trung tâm quan trọng của thế giới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mô hình sang phát triển xanh, bền vững, dựa trên đổi mới và sáng tạo. Đối ngoại thể hiện vai trò mở đường, đưa khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao của thế giới về cho đất nước.

PV: Làm tốt công tác đối ngoại chính là góp phần tạo ra sức mạnh mềm. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh mới, đồng chí có thể lý giải sâu hơn về điều này?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Bây giờ Việt Nam đã có sức mạnh mềm và chúng ta phải biết cách nhân lên sức mạnh mềm thì mới tạo ra sức hấp dẫn của chính chúng ta. Không phải chỉ là vấn đề vị thế chung chung, sức mạnh mềm còn có thể tạo ra cơm áo, tiền bạc.

Lấy ví dụ, nếu các khâu liên quan đến thủ tục, thể chế bị trì trệ, chắc chắn các dự án lớn, tập đoàn lớn, nhỏ của các quốc gia sẽ không hài lòng và ta sẽ mất cơ hội. Vì thế, chúng ta phải khắc phục ngay, có môi trường thông thoáng, hạ tầng tốt, con người có trình độ cao, được những người làm công tác ngoại giao quảng bá tốt, nhất định các nhà đầu tư chất lượng cao sẽ tới đầu tư.

PV: Để có thể phản bác kịp thời quan điểm sai trái của các thế lực phản động, là người kinh qua nhiều vị trí công tác trong ngành ngoại giao, đồng chí chia sẻ kinh nghiệm gì với thế hệ cán bộ trẻ?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Trước hết, phải xác định rất rõ thông tin mà các thế lực thù địch xuyên tạc. Đánh giá đúng các nguy cơ, thường xuyên cảnh giác, làm rõ những vấn đề có tính nguyên tắc, từ đó có biện pháp ngăn chặn. 

Lấy ví dụ, trước đây lo ngại quá trình hội nhập có thể bị hòa tan, nhưng thực tế gần 40 năm đổi mới chứng minh chúng ta tham gia và hội nhập với thế giới mà chúng ta vẫn đứng vững. Chúng ta được lợi rất nhiều, thậm chí là vững hơn, nhận thức tốt hơn.

Thế giới đang chuyển động rất sâu sắc, có cả thuận lợi và tạo động lực nếu chúng ta bắt kịp thì sẽ vươn lên, mà không bắt kịp thì tụt hậu càng xa. Ngoại giao cũng phải thích ứng để đủ sức nhân lên vị thế của Việt Nam. Ngoại giao bây giờ phải biết đặt câu hỏi điều gì tốt cho sự phát triển của đất nước. Nhà ngoại giao cũng phải hiểu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh... cái gì thì tốt cho Việt Nam, liệu có bị lệ thuộc không.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN HÒA 

Phản bác sự xuyên tạc thành tựu công nghiệp quốc phòng Việt Nam

 Với chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác xây dựng nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam “chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại” đã đạt được những thành tựu quan trọng, từng bước định vị giá trị nền CNQP Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thế nhưng các thế lực thù địch, thiếu thiện chí không bao giờ từ bỏ mục tiêu chống phá, cố tình phủ nhận, bôi đen, song đã bị minh chứng sinh động, thuyết phục của CNQP Việt Nam dập tắt.

Luận điệu lạc lõng, âm thanh "lạc nhịp"

Vừa qua, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thành công rực rỡ, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ ít ngày ngắn ngủi nhưng triển lãm đã đón hơn 260.000 lượt người tham quan. Thông qua triển lãm, nhân dân nói chung và các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá cao, bày tỏ sự cảm phục, niềm tự hào trước sự phát triển của CNQP Việt Nam và sức mạnh của Quân đội ta. Đặc biệt, qua triển lãm, các đơn vị của Tổng cục CNQP, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng với tổng giá trị hơn 286 triệu USD và 17 thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa CNQP Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ... Triển lãm được truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin nổi bật trên tất cả loại hình, qua đó khẳng định giá trị, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng với bạn bè quốc tế.

Thế nhưng, một số hãng truyền thông được "giật dây" của thế lực thù địch và cá nhân thiếu thiện chí, các tổ chức phản động ở nước ngoài với mưu đồ đen tối, tâm địa xấu xa cố tình xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, hạ thấp uy tín của CNQP Việt Nam.

Phản bác sự xuyên tạc thành tựu công nghiệp quốc phòng Việt Nam
Biên đội máy bay chiến đấu Su-30MK2 bay nhả đạn nhiễu chào mừng Khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Giọng điệu lạc lõng, nực cười, khi họ cho rằng: Triển lãm quân sự "không giúp người dân tin tưởng vào Quân đội", CNQP Việt Nam “đầu tư chắp vá” nên không có khả năng tự chủ, vẫn trong “vòng luẩn quẩn của câu chuyện ốc vít” mà thôi. Những phần tử cơ hội chính trị còn quy chụp rằng, cuộc triển lãm lần này chỉ mang tính tuyên truyền để “ru ngủ” nhân dân; “khỏa lấp đi những yếu kém” của mình nhiều hơn là khẳng định năng lực tự chủ về công nghệ quân sự...  

Đó là những giọng điệu "lạc lõng", âm thanh "lạc nhịp” trong bài ca hùng tráng của CNQP Việt Nam. Nó mang tính phiến diện, thiếu khách quan, thể hiện thái độ định kiến đối với những nỗ lực và thành tựu của nền CNQP Việt Nam nói chung, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 nói riêng. Mục tiêu của những kẻ hô hào yếu đuối này nhằm hạ thấp uy tín, năng lực, trình độ, khả năng tự chủ và thành tựu đáng tự hào của CNQP Việt Nam; phá hoại quan hệ hợp tác của các doanh nghiệp quốc phòng nước ta với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực quan trọng, giàu tiềm năng này.

Những thành tựu công nghiệp quốc phòng không thể phủ nhận 

Thứ nhất, thành tựu nền CNQP Việt Nam là hệ quả tất yếu của đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về phát triển CNQP trong thời kỳ mới.

Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển nền CNQP nước nhà gắn với xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định rõ định hướng chiến lược: Phát triển nền CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng và hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Mục tiêu là làm chủ công nghệ tiên tiến để xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm đổi mới, hội nhập và nâng cao hiệu quả quản lý CNQP, tích cực cải cách hành chính, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện. Các cơ chế, chính sách đặc thù và chương trình hợp tác khoa học-công nghệ; hệ thống quản lý và cơ sở CNQP được kiện toàn đồng bộ; các doanh nghiệp quốc phòng được tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả... Đây là hành lang, thể chế quan trọng, thể hiện sự quan tâm và tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển CNQP thời kỳ mới, tạo điều kiện để CNQP Việt Nam bứt phá và phát triển.

Thứ hai, thành tựu của CNQP Việt Nam toàn diện, vững chắc và có bước đột phá.

Từ công tác nghiên cứu sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; thực hiện chủ trương phát triển lưỡng dụng đến công tác phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hoạt động hợp tác quốc tế về CNQP đều đạt những thành tựu nổi bật. Hơn một thập kỷ qua, ngành CNQP Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc khi làm chủ công nghệ, thiết kế và sản xuất nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến của Quân đội, tiêu biểu như: Các tổ hợp tên lửa tiên tiến, radar thế hệ 3; hệ thống tự động hóa chỉ huy phòng không-không quân, máy bay trinh sát không người lái; tàu ngầm quân sự cỡ nhỏ; xe thiết giáp; các loại súng đạn chống tăng, đạn pháo; khí tài quan sát ngày đêm; trang bị thông tin thế hệ mới... đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền CNQP Việt Nam.

Đội ngũ nhân lực trong ngành CNQP Việt Nam có bước tiến vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến đầu năm 2022, số cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tăng gần 2,4 lần so với năm 2011. Các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng được hình thành, tập trung vào những lĩnh vực then chốt như vũ khí bộ binh, đóng tàu, chế tạo tên lửa và phát triển trang thiết bị công nghệ cao, khẳng định sự phát triển toàn diện của ngành. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “CNQP, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiều thiết bị máy móc, sản phẩm dân dụng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”(1), góp phần khẳng định tầm quan trọng và giá trị của ngành CNQP trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thứ ba, CNQP Việt Nam từng bước khẳng định năng lực tự chủ trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và bước đầu định vị giá trị của mình trong hệ sinh thái công nghệ quốc phòng thế giới.

Những năm gần đây, ngành CNQP Việt Nam có những bước đột phá trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Theo lãnh đạo Tổng cục CNQP, trong 10 năm qua, 80% vũ khí và trang bị được đưa vào sử dụng xuất phát từ các đề tài nghiên cứu trong nước.

Sự xuất hiện của các loại vũ khí, khí tài hiện đại, đa dạng do Việt Nam tự chủ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, như: Radar cảnh giới tầm gần, radar 3D phòng không cấp chiến thuật, radar phòng không tầm trung; tổ hợp trinh sát, gây nhiễu chống phương tiện bay không người lái cấp chiến thuật; tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn gồm bệ phóng, tên lửa hành trình Sông Hồng, radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu được đặt trên khung gầm xe việt dã; xe chiến đấu bộ binh XCB-01; các UAV trinh sát, cảm tử, đa năng. Đặc biệt, máy bay huấn luyện TP-150 lần đầu ra mắt công chúng-chiếc máy bay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam bởi một công ty Việt Nam là minh chứng sống động cho năng lực tự chủ và sự phát triển vượt bậc của CNQP Việt Nam.

Không chỉ tự chủ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội, CNQP Việt Nam còn chứng minh khả năng vươn ra thị trường quốc tế. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và cựu chiến binh Nam Phi Richard Hlophe khi tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, đã nhận định: “Tôi đánh giá rất cao nền CNQP của Việt Nam. Các loại vũ khí, khí tài mới của các bạn rất tiên tiến. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ hợp tác với Việt Nam để cả hai bên có thể cùng nhau phát triển”. Qua triển lãm và trao đổi giữa các đoàn, Việt Nam đã ký kết hàng chục hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD; thiết lập hàng loạt thỏa thuận hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp quốc phòng đến từ những quốc gia có nền công nghiệp phát triển, đồng thời mở ra hướng phát triển mới là minh chứng sinh động đối với nền CNQP Việt Nam và Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam.

Thứ tư, ngành CNQP không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Với việc làm chủ công nghệ hiện đại và phát triển sản xuất trong nước, ngành CNQP góp phần quan trọng giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, tiết kiệm nguồn lực và tối ưu hóa ngân sách nhà nước. Nhiều sản phẩm quốc phòng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu, tạo nguồn thu cho quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành CNQP đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Các dự án và cơ sở sản xuất quốc phòng góp phần phát triển hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp Quân đội đã tạo ra khoảng 5% GDP và đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 40.000-50.000 tỷ đồng, bằng khoảng 25% đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, thành tựu của CNQP Việt Nam đã đạt được thời gian qua là toàn diện, vững chắc, có bước đột phá mạnh mẽ, đã và đang khẳng định vị thế của mình trong hệ sinh thái công nghệ quốc phòng toàn cầu. Những luận điệu xuyên tạc thành tựu CNQP Việt Nam chỉ là những luận điệu lạc lõng, âm thanh “lạc nhịp”, phiến diện của thiểu số những kẻ mang định kiến và thiếu hiểu biết về Quân đội nhân dân Việt Nam và CNQP Việt Nam.

Trung tá, TS LƯƠNG THANH DUY