“Tù nhân lương tâm” - một cụm từ được không ít trang thông tin tuyên truyền lề trái của các cá nhân, tổ chức phản động sử dụng khi nói về những đối tượng bị Nhà nước Việt Nam tuyên án do có hành vi phạm tội xâm phạm đến an ninh quốc gia.
Sau những cái tên như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Lê Thị Công Nhân... các đối tượng lại tiếp tục “khóc thuê”, “hát mướn” cho Huỳnh Trương Ca. Và hiển nhiên, sau những lần “khóc mướn” này, chiêu bài dân chủ, nhân quyền lại tiếp tục được các đối tượng sử dụng nhằm xuyên tạc tình hình ở Việt Nam.
Tù nhân là những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị toà án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của toà án. Nói như vậy để thấy, việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội, xâm phạm các quan hệ xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vậy nhưng “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”, các đối tượng thù địch, chống đối Việt Nam đã dựng lên cụm từ “tù nhân lương tâm” để bao biện cho những kẻ phạm pháp.
Tìm hiểu nguồn gốc cụm từ “tù nhân lương tâm”, có thể thấy nó ra đời vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước để đề cập đến những người bị giam giữ, bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da, niềm tin hay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực.