Mạng xã hội tuy là một phương thức kết nối mới trong vài năm gần đây giữa các thành viên tham gia nhưng thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chú ý và hưởng ứng tích cực của nhiều người. Bên cạnh những hiệu quả đem lại, các mạng xã hội cũng có một số tồn tại, hạn chế nhất định; đặc biệt đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, nhất là về tư tưởng, văn hóa. Để bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng ngày 12-6-2018 gồm bảy chương, 43 điều và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
Bên cạnh những biện pháp, chế tài được xây dựng dưới góc độ khoa học pháp lý, góc độ hành chính, kinh tế được quy định tại Luật An ninh mạng, các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn; cần thiết tiếp cận, nhìn nhận những tác động của mạng xã hội qua nhiều chiều hướng khác nhau để tăng cường hiệu quả tích cực, hạn chế những điểm tồn tại; đồng thời, đưa ra những khuyến nghị có thể góp phần hoàn thiện, bổ sung thêm nội dung trong quy trình đánh giá cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đảng trong thời kỳ mới.