Bàn về nội dung, phương thức và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới, tưởng chừng như cũ mà lại rất mới, có tính thời sự nóng hổi. Nói tưởng chừng như cũ là vì khái niệm về Đảng cầm quyền đã có từ lâu, không chỉ ở các nước trên thế giới, mà cả ở nước ta, nếu tính từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945. Nói rất mới là vì sau hơn 70 năm ở vị thế Đảng cầm quyền, trước mắt chúng ta, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật sự sáng tỏ, xử lý còn lúng túng trong lý luận về đảng cầm quyền và cả trong hoạt động thực tiễn cầm quyền của Đảng.
Nhận thức về đảng cầm quyền
Theo Đại tự điển Tiếng Việt, cầm quyền có nghĩa là nắm giữ chính quyền. Như vậy, đảng cầm quyền đồng nghĩa với đảng nắm giữ chính quyền. Ở các quốc gia theo thể chế đa đảng, các đảng chính trị với những xu hướng khác nhau, có thể cạnh tranh nhau để nắm giữ chính quyền thông qua bầu cử dân chủ. Đảng nào giành được đa số phiếu của cử tri và đa số đại biểu trong nghị viện thì đảng đó có quyền đứng ra thành lập chính phủ và trở thành đảng cầm quyền. Giành được đa số phiếu tuyệt đối thì tự mình thành lập chính phủ; nếu là đa số tương đối thì có thể liên minh với một vài đảng hay tổ chức chính trị khác để có được đa số theo thể chế đảng liên minh.