Thời gian qua, những biểu hiện lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi khiến hoạt động tâm linh trở nên xô bồ, buộc các cơ quan quản lý phải vào cuộc chấn chỉnh.
Như chúng ta biết “niềm tin tôn giáo” và “mê tín” là hai vấn đề khác nhau, nhưng lại khá gần nhau, niềm tin bị đẩy lên đến mức thái quá thì thành ra mê tín. Trong cuộc sống, mọi người đều có niềm tin và có quyền tin về một điều gì đó mang tính thiêng. Đây là điều hết sức bình thường và được pháp luật bảo đảm. Nhưng khi niềm tin đó bị đẩy đến mức thái quá, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, đạo đức và ảnh hưởng đến tài sản, thậm chí là tính mạng của bản thân và những người xung quanh, thì đó là mê tín. Ví dụ đốt vàng mã, rất nhiều gia đình Việt Nam những ngày lễ, tết, cúng giỗ ông bà tổ tiên đều mua về để đốt theo phong tục truyền thống. Đây là phong tục, là văn hóa truyền thống đã tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, việc bỏ hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua rất nhiều loại đồ mã để đốt, đồng thời tin rằng đốt càng nhiều càng được nhiều lộc thì đây lại là mê tín. Hay như việc cúng vong, nhiều gia đình vẫn thực hiện theo phong tục truyền thống. Tuy nhiên, nếu tin rằng vong có thể báo oán, ban phúc, giáng họa, dùng tiền trả cho vong có thể hóa giải mọi vận hạn hay nghiệp chướng thì đó lại là mê tín. Chính vì việc từ niềm tin tôn giáo chân chính có thể chuyển thành mê tín nên khó kiểm soát.