Trong lịch sử quân sự thế giới, ít có quân
đội nào có sự tiến bộ, trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc như Quân đội nhân dân
Việt Nam.
Ra đời trong hoàn cảnh nước nhà đang bị xâm lược,
nhưng được sự lãnh đạo, dìu dắt, giáo dục sâu sát của Đảng Cộng sản Việt Nam và
Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ một đội quân chỉ có 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ,
trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Quân đội ta càng đánh càng
mạnh, càng đánh càng trưởng thành và trở thành một quân đội “bách chiến bách
thắng”.
Sự
phát triển của Quân đội ta, đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh
ngay từ ngày đầu mới thành lập 22-12-1944: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ,
nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”.
Một trong những yếu tố góp phần làm nên
truyền thống vẻ vang của Quân đội ta là tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ của
các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ. Từ lời thề “Hết sức học tập để tự rèn luyện thành một
quân nhân cách mạng” của 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
năm xưa, đến lời thề “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn
hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ… xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh” của
quân nhân hôm nay, đã ăn sâu vào máu thịt cán bộ, chiến sĩ. Hơn bảy thập niên
qua, dù chỉ là chiến sĩ binh nhì, binh nhất, hay các vị tướng lĩnh, sĩ quan
cao cấp, ai nấy đều coi việc học tập, mở rộng tầm nhìn, nâng cao hiểu
biết là một trong những việc làm thiết thực để vừa giúp mình mau chóng tiến
bộ, trưởng thành, vừa góp phần cống hiến tài năng, trí tuệ phục vụ Tổ quốc và
nhân dân.
Trong thời chiến, dù cuộc sống, chiến đấu
còn muôn vàn gian khổ, nhưng từ trên chiến hào, trận địa, hình ảnh những người
lính mặc áo trấn thủ hay những người lính giải phóng quân đội mũ tai bèo tranh
thủ lúc ngưng tiếng súng để học bổ túc văn hóa, đọc sách báo, đã làm đậm thêm
“nét son” về truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Trong thời bình, hầu hết
chiến sĩ đều có trình độ THPT trở lên, song khi vào quân ngũ, ai nấy đều tranh
thủ thời gian để vừa tham gia huấn luyện quân sự, vừa không quên học tập, trau
dồi chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp để không ngừng làm
giàu tri thức cho bản thân. Đặc biệt, trong 5 năm qua (2014-2019), thực hiện
Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ
Hồ”, toàn quân đã có gần 300 đề tài, hơn 960 sáng kiến được đưa vào triển khai,
ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Đó là “hương thơm” được gom góp, chắt chiu
từ thành quả học tập, lao động và tinh thần vượt khó, hiếu học, ý chí nỗ lực
sáng tạo của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.
Đã từ lâu, Quân đội ta được ví như một
“trường học lớn”. Ở trường học đó, mỗi quân nhân không chỉ được rèn luyện trong
môi trường hoạt động quân sự nghiêm túc, chặt chẽ, kỷ luật, mà còn được “tắm
mình” vào không gian văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú. Từ môi trường quân
ngũ, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã thành danh; nhiều người đã rèn luyện, phấn
đấu và trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành
Trung ương. Bởi khi công tác trong môi trường quân đội, việc học và tự học vừa
là yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, vừa là nhu cầu tự thân của mỗi
quân nhân để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đối với mỗi quân nhân, việc ham học hỏi,
cầu tiến bộ còn thể hiện tình cảm tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cha thân
yêu của LLVT nhân dân Việt Nam, Người đã dạy cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta:
“Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái
của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì
phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ,
càng thấy càng phải học thêm”, vì Người đã khẳng định: “Một quân đội văn hay võ
giỏi là một quân đội vô địch”.