Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng ta đã chỉ ra, đó là:
“Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ,
thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu
khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong
sáng”.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình: “Để
làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình),
thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”. Mục đích
của TPB&PB là: Với tổ chức, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt
hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”; “để củng cố và phát triển
sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Nếu đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng
thì TPB&PB được coi là cội nguồn sức mạnh bậc nhất của Đảng. Với các
đảng viên, “một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau,
bắt chước nhau”; “là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa
những khuyết điểm”.
TPB&PB là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên….
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta một lần nữa yêu cầu:
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt
TPB&PB. Xây dựng quy định TPB&PB, khắc phục tình trạng nể nang, né
tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý
kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu
hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. TPB&PB trong Đảng nói
chung, đối với cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng đã trở thành đợt sinh hoạt
chính trị sâu rộng và hiệu quả, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa
XI đến nay. Tuy nhiên, trong thực hiện vấn đề này hiện nay vẫn tồn tại những
bất cập đó là: Thứ nhất, tự phê bình
thì mạnh dạn nhưng phê bình còn e dè, nể nang. Thứ hai, lợi dụng phê bình để hạ thấp uy tín người khác. Thứ ba, tinh thần đấu tranh
TPB&PB của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa nêu cao tính xây dựng,
tính chiến đấu của người cán bộ, đảng viên. Thứ
tư, người được phê bình thường có biểu hiện không thừa nhận khuyết
điểm, thái độ cầu thị không tốt, thậm chí tiếp nhận các ý kiến phê bình của
người khác một cách cực đoan; từ đó, cán bộ, đảng viên là cấp trên tìm cách để
ý, trù dập những người phê bình mình là cấp dưới.
Vì vậy, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị
mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra đó là: “Trong phê bình
thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu
tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ
trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. Còn tồn tại
những bất cập có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân cơ
bản là do tư tưởng “ngại va chạm”, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, tinh
thần TPB&PB của một số cán bộ, đảng viên chưa cao. Nguyên nhân chính
là do cán bộ, đảng viên còn bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, bị ràng buộc bởi lợi
ích “được gì? mất gì?”; toan tính lợi ích cá nhân, cục bộ, bản vị vì lợi ích
trước mắt, chưa vì lợi ích tập thể và lợi ích lâu dài. Nguyên nhân sâu xa của
những bất cập trên còn do cán bộ, đảng viên chưa có văn hóa phê bình. Vì vậy,
trong nhiều “vụ án ngàn tỷ” thời gian gần đây, có những người vi phạm rất
nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản lớn của Nhà nước, nhưng khi bị cơ quan
pháp luật xét xử cũng chỉ nhận khuyết điểm là do hạn chế về nhận thức.
Vì vậy yêu cầu phê bình phải chân chính
và có văn hóa:
Mỗi cán bộ, đảng viên phải phê bình một cách thẳng thắn, chân
thành nhằm giúp đồng chí, đồng đội nhận rõ sai lầm, sửa chữa khuyết điểm để
không ngừng tiến bộ, tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà
phê bình theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” nhằm trù dập, đấu đá,
hạ bệ lẫn nhau. Do đó, các tổ chức đảng khi tiến hành TPB&PB, phải nhìn
thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không
nể nang, né tránh. Mỗi cán bộ, đảng viên kiểm điểm phải bảo đảm tính trung thực
trong tự kiểm điểm, người phê bình thì công khai dân chủ, nghiêm túc, thẳng
thắn với tinh thần xây dựng và cán bộ cấp trên phải làm gương cho cấp dưới.
Đồng thời, phải kiên quyết xử lý kỷ luật những tổ chức đảng và cá nhân không
thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt TPB&PB, không tự nhận sai lầm, khuyết
điểm và che dấu những hạn chế, khuyết điểm cho nhau. Việc góp ý cho nhau, cùng
nhau tiến bộ, nâng cao phẩm chất con người, phát huy tính tích cực của con
người; cần nhận thức sâu sắc hơn, thực hiện triệt để hơn nguyên tắc TPB&PB để
Đảng luôn trong sạch, làm cho uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
Đảng không ngừng được nâng cao.
Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng
chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa
chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực TPB&PB. Đảng ta yêu cầu
mọi tổ chức đảng và mọi đảng viên đều phải thực hiện tốt TPB&PB. Theo đó,
phê bình không phải là sỉ vả, xúc phạm danh dự của nhau mà là sự thể hiện tình
cảm đồng chí trong sáng, chân thành; phê bình là để giúp nhau sửa chữa khuyết
điểm, giúp nhau tiến bộ và để đoàn kết tốt hơn; phê bình phải mang tính khách
quan, vô tư, có lý, có tình, cổ vũ ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nhược điểm;
phê bình phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, chống thổi
phồng hoặc bóp méo sự thật; phải biết phân tích ưu điểm, khuyết điểm của đồng
chí mình theo quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể... Chỉ có phê
bình như thế mới là phê bình chân chính và mới có tác dụng; nói cách khác là
phê bình có văn hóa.