Social Icons

Pages

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Cẩn trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin

 


Đang xem chương trình thời sự tối, thấy vấn đề hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3, ông Thành quay sang hỏi con trai:

- Hùng này, cuối tuần này công ty con lên Lào Cai ủng hộ bà con khắc phục hậu quả bão lũ à?

- Vâng, công ty quyên góp được hơn 100 triệu đồng. Vợ chồng con định mua nhu yếu phẩm, thuốc men và hỗ trợ tiền mặt tặng một số hộ bị thiệt hại nặng. Đợt này công việc bận rộn, nhưng nói thật là chuyển tiền qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ đồng bào, con không yên tâm lắm.

- Không yên tâm? Sao con lại có suy nghĩ như vậy?

- Con thấy mạng xã hội Facebook, Zalo mọi người nói nhiều về việc phải cân nhắc khi chuyển tiền ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì "không biết đâu mà lần". Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng tiền ủng hộ có thể vào "túi cán bộ"...

Cẩn trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vượt lũ đưa hàng cứu trợ tới người dân. Ảnh do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp 

Xem qua những nội dung trên điện thoại của con trai, ông Thành giọng nghiêm túc:

- Những thông tin này đều không chính thống, lại chủ yếu trên một số trang hay xuyên tạc tình hình Việt Nam. Còn thực tế thì như VTV1 vừa đưa tin đấy, đến nay, tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương-Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 1.344 tỷ đồng. Sau hai đợt phân bổ, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tới 26 tỉnh, thành phố số tiền 1.035 tỷ đồng. Nếu không minh bạch thì làm sao người dân cả nước lại ủng hộ cả nghìn tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?

Ông Thành nói thêm: Các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá khối đại đoàn kết toàn dân; việc xuyên tạc hoạt động quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không nằm ngoài âm mưu đó. Hiện nay, thông tin trên mạng xã hội tràn lan, thật giả lẫn lộn, vì vậy con phải chọn lọc, tiếp nhận và xử lý thông tin; theo dõi các trang thông tin chính thống; không chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

- Vâng, con hiểu rồi ạ. Con xin nghe lời bố chuyển tiền ủng hộ của công ty qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp đỡ nhân dân các địa phương vừa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 ạ!

QUANG ĐẠO

Sự phản động, thù địch của một nhóm người có ảnh hưởng trên không gian mạng


Sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH) với khả năng tùy biến, cá nhân hóa và tốc độ truyền tin ngày càng cao mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho cộng đồng. Tuy vậy, với mục đích và ý đồ xấu, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đang lợi dụng điều này để xây dựng một thế lực ảo-KOLs thù địch, phản động trên không gian mạng. Với khả năng dẫn dắt tư tưởng một bộ phận cộng đồng mạng, KOLs thù địch, phản động tìm mọi cách điều hướng dư luận, gieo rắc tư tưởng độc hại nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta.

“Lính đánh thuê” trên không gian mạng

KOLs (Key Opinion Leaders)-được hiểu là những người có ảnh hưởng lên một bộ phận nhất định trong cộng đồng mạng. Thông qua các ứng dụng như Facebook, YouTube, TikTok... KOLs xây dựng và sở hữu một kênh riêng như "cơ quan truyền thông" cá nhân, thu hút lượng lớn người theo dõi và ủng hộ, qua đó có thể chi phối, điều hướng dư luận trên không gian mạng, tạo ra các tác động ở những chiều cạnh khác nhau, với những mức độ, phạm vi khác nhau đối với cộng đồng và xã hội.

Sự phản động, thù địch của một nhóm người có ảnh hưởng trên không gian mạng

Một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đang lợi dụng MXH để xây dựng một thế lực ảo-các KOLs thù địch, phản động trên không gian mạng. Ảnh minh họa: sotttt.sonla.gov.vn

Hiện nay, KOLs có thể được chia thành 3 nhóm chính: Những người có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, bao gồm các chính khách, nhà khoa học, nhà báo, doanh nhân, văn nghệ sĩ...; những người hoạt động sáng tạo trên không gian mạng, thu hút nhiều người quan tâm, theo dõi nhờ bản sắc riêng của cá nhân, không phân biệt địa vị, ngành nghề, trình độ chuyên môn; những người có khả năng tạo ra ảnh hưởng gián tiếp thông qua quản lý các kênh truyền thông có lượng theo dõi lớn trên không gian mạng, sở hữu năng lực kỹ thuật ảnh hưởng đến hoạt động của người khác trên không gian mạng.

Bên cạnh KOLs hoạt động lành mạnh, có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng mạng và đời sống xã hội, xuất hiện một bộ phận KOL lạm dụng quyền lực MXH, sa vào “truyền thông bẩn”, “câu view” để kiếm tiền, đánh bóng bản thân. Thậm chí, có một bộ phận thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, mang tư tưởng thù địch, bị các thế lực xấu lợi dụng, dung túng với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam-đó chính là KOLs thù địch, phản động.

KOLs thù địch, phản động khác với KOLs thông thường cả về bản chất, quá trình hình thành lẫn nội dung, phương thức và mục đích hoạt động. Xét về bản chất, KOLs thù địch, phản động là đối tượng có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia-dân tộc, cần phải đấu tranh loại bỏ. Những đối tượng này luôn được hậu thuẫn, giúp sức cả về vật chất, tinh thần bởi các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. Đối với KOLs thù địch, phản động, mục tiêu “dân chủ”, “nhân quyền”... không phải là lý tưởng cần thực hiện mà chỉ là chiêu bài, phương thức trục lợi. Nói cách khác, thực chất, họ là tay sai, những “con rối”, “lính đánh thuê” trên không gian mạng của các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong nước ngoài, của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Quá trình trở thành KOLs thù địch, phản động thường theo một mô-típ là: Từ bất mãn khi không đạt được mục đích vị kỷ của cá nhân hoặc do sa đọa, vi phạm pháp luật đến thể hiện quan điểm chống phá chính quyền trên không gian mạng, bị các thế lực thù địch lôi kéo, các tổ chức phản động và cơ quan truyền thông thiếu thiện chí ở nước ngoài hà hơi tiếp sức, cuối cùng, được “tuyển mộ” vào các tổ chức phản động, điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trên không gian mạng. Có thể kể đến một số KOL có tư tưởng thù địch, phản động như: Trương Quốc Huy, Lê Văn Thương, Đường Văn Thái... 

Về nội dung, KOLs thù địch, phản động không “sáng tạo nội dung số” lành mạnh như KOLs chân chính, mà lấy thông tin sai trái, bịa đặt, phản động để thu hút nhiều người theo dõi, coi đó là phương thức sinh tồn, vừa nhằm đạt mục đích “đấu tranh”, vừa kiếm tiền từ quảng cáo, sự ủng hộ của hội viên kênh... trên các nền tảng MXH. Họ tập trung lan truyền những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử và tình hình đất nước Việt Nam; xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới; khoét sâu vào những “khoảng trống thông tin” trước, trong và sau các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để tung tin hỏa mù, hướng lái, dẫn dắt dư luận, tấn công, tác động vào sự hiếu kỳ của công chúng, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội.

Về phương thức hoạt động, KOLs thù địch, phản động ngày một tinh vi, xảo quyệt hơn khi được đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp; biết triệt để lợi dụng những ưu thế của MXH (phát trực tiếp, không cần qua quy trình xuất bản) và hoạt động ngày càng có tổ chức, có sự phối hợp, hỗ trợ nhau chặt chẽ. Chúng biết khai thác nhiều chủ đề chính trị-xã hội mà đông đảo người dân quan tâm, đưa ra những mục tiêu rất cao cả và gắn liền với lợi ích của người dân để thu hút dư luận. Kết hợp cập nhật tin bài về tình hình thời sự trong nước, song tiếp cận theo hướng có tính đả phá, kích động với tổ chức các “chiến dịch” quy mô lớn gắn với các sự kiện, các vụ việc phức tạp trong nước.

Chúng cũng triệt để tận dụng các nguồn lực trên không gian mạng để xây dựng kênh ngoại vi, kênh “sạch” nhằm duy trì nguồn doanh thu ổn định. Đồng thời, thực hiện “tẩy trắng” kênh, tái sử dụng nội dung video, móc nối với các đối tượng trong nước để chuyển nhượng, tái sử dụng kênh để hoạt động không bị gián đoạn khi bị cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó, chúng cũng áp dụng các phương thức kỹ thuật để lách thuật toán kiểm soát của các MXH cũng như tăng đề xuất, tương tác đến người dùng, nhằm tán phát rộng hơn, nhanh hơn các thông tin sai trái, thù địch, phản động.

Vật chủ mang virus độc hại

Theo thống kê của We Are Social và Meltwater, tính đến tháng 1-2023, Việt Nam có 77 triệu người dùng MXH, trong đó, người dùng Facebook là hơn 66 triệu người, YouTube là 63 triệu người, TikTok gần 50 triệu người. Sự phát triển mạnh mẽ của internet với sự tham gia MXH ngày càng đông đảo của công chúng trong nước đã và đang được KOLs thù địch, phản động triệt để lợi dụng để tán phát thông tin xấu độc. Đơn cử đối tượng Trương Quốc Huy-một KOL thù địch, phản động cộm cán đang sở hữu kênh YouTube N10TV với 1,54 triệu người đăng ký; đã xuất bản 4.008 video có thông tin sai trái, thù địch; có tổng hơn 1,2 tỷ lượt xem.

Trương Quốc Huy cũng sở hữu trang cá nhân Facebook với hơn 130.000 người theo dõi; trang TikTok hơn 10.000 người theo dõi. Với lượng người theo dõi lớn, Trương Quốc Huy thường tán phát thông tin sai trái, thù địch, phản động rộng rãi trong cộng đồng mạng. Đáng ngại hơn, sự tung hô, giúp sức của KOLs thù địch, phản động khác ở trong và ngoài nước; của các hãng truyền thông thiếu thiện chí và các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài, các video, clip, bài viết... của Trương Quốc Huy luôn được đồng loạt chia sẻ, tái sử dụng, tán phát, khiến cho lượng truy cập tăng lên nhiều.

Thực tế trên cho thấy, KOLs thù địch, phản động là mối nguy hại thường xuyên đối với Việt Nam. Hiện nay, với sự xuất hiện của KOLs có tầm tác động, ảnh hưởng lớn trên MXH với nhiều bài đăng nhằm mục đích đả phá, kích động, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, phiến diện về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước “đã tạo nên những xu hướng thông tin dẫn dắt cộng đồng mạng”, nhất là trong các vụ việc lớn, phức tạp, như: Vạn Thịnh Phát-SCB, FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á...

Tính chất nguy hại của KOLs thù địch, phản động còn thể hiện ở chỗ họ thi hành “mệnh lệnh” của các “ông chủ” ở nước ngoài với mục tiêu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. KOLs thù địch, phản động-với bản chất là “lính đánh thuê”-không ngần ngại trở thành những vật chủ mang virus độc hại, đã và đang ngày đêm tán phát, lây lan trên MXH, từng bước gặm nhấm niềm tin của công chúng, của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những virus độc hại này trực tiếp tấn công vào nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phá hoại quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước; gây chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi, bức xúc trong nhân dân, kích động cái gọi là “biểu tình trong tâm thức”, “vượt biên trong tư tưởng” trong cộng đồng mạng như bước chuẩn bị cho một cuộc “cách mạng màu” ở Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, hoạt động chống phá của KOLs thù địch, phản động trên không gian mạng rất phức tạp, với những thủ đoạn, phương thức rất tinh vi và liên tục thay đổi theo tình hình thực tế. Chính vì vậy, các chủ thể, lực lượng, trực tiếp là các cơ quan chức năng cần nhận diện chính xác, phân loại rõ mức độ, tính chất nguy hại, phương thức hoạt động... của từng KOL thù địch, phản động để vạch trần âm mưu, bản chất thâm độc của họ.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi chúng ta cần nâng cao khả năng tự phòng, chống, vạch trần âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị, nhất là trên không gian mạng. Các cơ quan chức năng, nhà trường cũng như các cơ quan báo chí tiếp tục chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng đắn giá trị và bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, xây dựng bản lĩnh, niềm tin vững chắc vào chế độ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chọn.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN NAM và Trung tá, TS LƯƠNG THANH DUY (Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Sĩ quan Lục quân 1)

Bác bỏ thông tin xuyên tạc "cán bộ bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai"

 Những ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra thì trên không gian mạng xuất hiện một số tài khoản có phát ngôn phiến diện, lạc lõng, xuyên tạc sự thật.

Các ý kiến này cố tỏ ra có nghĩa khí, trách nhiệm, lớn tiếng hoài nghi rằng Đảng, Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao vẫn “chăn ấm, đệm êm”, không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai.

Một số ý kiến mỉa mai rằng: Chỉ có dân cứu dân khi hoạn nạn, dân không thể kêu cứu chính quyền mà chỉ có thể nhờ ai đó giúp mình; rằng sự xuất hiện của cán bộ trong bão lũ cũng chỉ là “phông bạt” để “mị dân”... Thực tế, những cách nghĩ, nhận thức, hoặc suy diễn nêu trên là hoàn toàn sai lầm, gây nguy hại, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai và làm giảm uy tín, danh dự của đội ngũ cán bộ trong Đảng. 

Bác bỏ thông tin xuyên tạc "cán bộ bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai"

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn  

Có thể khẳng định: Những thông tin xuyên tạc, mang tính quy kết “gắp lửa bỏ tay người” của các thành phần thoái hóa biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Đây là "cái cớ" để các thành phần phản động, chống phá tập trung hướng lái dư luận hiểu sai lệch, cho rằng Đảng, Nhà nước không quan tâm đến đời sống dân sinh, bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó; cố tình gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, chia rẽ giữa LLVT và nhân dân, bôi nhọ cán bộ của Đảng, chê bai Đảng và chế độ ta, từ đó kích động chống đối từ bên trong.

Thực tế cho thấy, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, hậu quả gây ra là không thể tránh khỏi. Đảng ta và các đồng chí cán bộ lãnh đạo không chỉ sớm nắm bắt tình hình, dự báo đúng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra và nỗ lực khắc phục thiệt hại. Cùng với đó, khi bão lũ diễn biến phức tạp, các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp đều có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm để trực tiếp chỉ đạo ứng phó và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.

Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lũ và hàng vạn cán bộ, LLVT ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân... là minh chứng rõ nét nhất về tác phong công tác và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ của Đảng luôn sát dân, vì dân trong bất luận hoàn cảnh nào. Đồng thời, thực tế này cũng giúp đập tan những nhận thức lệch lạc, phiến diện xuất hiện trên không gian mạng trong thời gian gần đây, khi cho rằng: Bệnh quan liêu, xa dân đã “ăn sâu bám rễ”, trở thành “căn bệnh” phổ biến trong đội ngũ cán bộ của Đảng, khiến những luận điệu ấy trở nên “lạc điệu” trong lũ dữ.

Nhiều người dân cứ tự đặt câu hỏi: Không biết những ngày trong tâm điểm mưa lũ, với bộn bề những công việc như chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII); đón tiếp nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra và mọi mặt đời sống-xã hội... các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được mấy phút chợp mắt nghỉ ngơi hay thức trắng đêm vì dân, vì nước?

Không cảm động sao được khi vừa dự xong Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Quốc phòng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn công tác lên đường hướng về vùng lũ Tuyên Quang, Phú Thọ trực tiếp kiểm tra, động viên nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ. Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lội bùn đến các hộ dân ở Yên Bái động viên bà con và không thể kìm được xúc động khi trực tiếp đến nơi đau thương nhất tại Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) nắm tình hình, động viên nhân dân vượt lên đau thương mất mát và chỉ đạo trực tiếp các lực lượng khẩn trương cứu dân, tìm kiếm những người mất tích do lũ quét gây ra. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội quần xắn cao, lội nước ngập đến thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ Thái Nguyên.

Theo dõi nhiều diễn đàn mạng xã hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy: Có đến hàng chục triệu lượt chia sẻ, bình luận tích cực, bày tỏ sự ghi nhận, tán dương, thể hiện lòng biết ơn trước những việc làm, hoạt động mà các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các tướng lĩnh trong Quân đội, Công an và cán bộ, chiến sĩ LLVT đã và đang thực hiện trong bão lũ. Điểm chung những chia sẻ, bình luận của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đều biểu thị sự ủng hộ, khen ngợi đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ, chiến sĩ LLVT vì dân; không quản ngại hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, trực tiếp xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế tại những địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có những chỉ đạo kịp thời trong bão lũ với quyết tâm lo cho dân là trên hết, trước hết. Những bình luận như: “Tuyệt vời Việt Nam”, “Các bác thật gần dân, sát dân”, “Đoàn kết, chúng ta sẽ vượt qua lũ dữ”, “Việt Nam kiên cường”... trở thành thông điệp để “nghĩa Đảng, lòng dân” thêm bền chặt; gắn kết cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay với Đảng, Nhà nước hướng về đồng bào vùng bão lũ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: Có dân là có tất cả! Và người đặc biệt coi trọng, giáo dục đội ngũ cán bộ các cấp phải trọng dân, gần dân, vì dân mới làm được cách mạng và đó mới là mục đích của cách mạng. Thực tiễn, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng, trưởng thành. Đi qua một cơn bão dữ để thấy rằng: Tuyệt đại đa số cán bộ các cấp của Đảng, Nhà nước luôn vì nhân dân mà cống hiến, hy sinh; đau cùng nỗi đau của dân, thương cảm, sẻ chia để nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, chăm lo cho người dân có cuộc sống tốt đẹp, nhất là lo cho người dân trong thiên tai, dịch bệnh; trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

Thực tiễn là thước đo công bằng nhất, tấm gương phản chiếu sinh động nhất nói lên phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ các cấp. Chính từ những việc làm vì dân, vì nước làm ngời sáng thêm đạo đức cách mạng của người cán bộ, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Từ đó mà “ý Đảng, lòng dân” quyện chặt, cùng nhau vượt qua hoạn nạn, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”; dù có thiên tai, địch họa, dù đất nước phải “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa” nhưng chỉ cần “Đảng vì dân, dân tin Đảng”, cùng nhau đoàn kết một lòng thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua, đỉnh cao nào chúng ta sẽ vươn tới. Đó cũng là những minh chứng rõ nét nhất để chúng ta phê phán, phủ định những luận điệu xuyên tạc, nhận thức lệch lạc cho rằng: Cán bộ bỏ mặc dân trong lũ dữ.

Một Đảng vì dân, đội ngũ cán bộ các cấp vì dân thì được nhân dân tin tưởng và từ đó Đảng ta vững mạnh, chế độ ta trường tồn. Ngược lại, nếu xa dân, để mất niềm tin của nhân dân là mất tất cả. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng phải luôn biết “tự soi, tự sửa” mình hằng ngày, để sống, làm việc sao cho xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân.

 

DUY THÀNH

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời kỳ mới

 

Trong thời bình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục sử dụng chiến tranh tâm lý với phương thức và thủ đoạn được “nâng cấp”, trong đó tích cực lợi dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh với thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch là việc làm rất cần thiết.

Sự nguy hại từ âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý

Chiến tranh tâm lý là các hoạt động phá hoại tâm lý của đối phương; các thủ đoạn của đấu tranh tư tưởng tác động vào tâm lý con người, xã hội của đối phương, nhằm tạo ra những xung đột tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, lợi ích và quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội, giá trị văn hóa... Từ đó gây ra mất đoàn kết, khủng hoảng và xung đột nội bộ, suy giảm tinh thần chiến đấu, dẫn đến phe cánh, bè phái, nội chiến rồi tự suy sụp, tan rã.

Trong thời bình, các thế lực thù địch thường coi chiến tranh tâm lý là “vũ khí chiến lược” hòng làm thay đổi sắc thái hòa bình, khiến cho hòa bình chính trị mất đi tính chất yên ổn, từ đó thừa cơ thực hiện tham vọng đen tối. Lợi dụng sự phát triển của khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chiến tranh tâm lý trong thời bình mang những màu sắc tinh vi, khó nhận diện cho đến khi nó xuất hiện trên cả không gian thực và không gian ảo. Do đó, nguy cơ tác động từ chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch đến tư tưởng, tâm lý con người là rất khó kiểm soát.

Công cụ, lực lượng trực tiếp và chủ yếu tiến hành chiến tranh tâm lý là các cơ quan tình báo, các trung tâm truyền thông đại chúng, tổ chức phi chính phủ của một số quốc gia. Ngoài ra, cũng có một số người Việt Nam lưu vong cũng tham gia hành động này. Hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý đối với các tầng lớp nhân dân thông qua việc chuyển và tán phát tài liệu chống đối trong nước; tác động, lôi kéo phát triển lực lượng nội địa, xâm nhập vào hệ thống chính trị của ta. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm ta đã phát hiện hàng nghìn tài liệu có nội dung chiến tranh tâm lý, tài liệu tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước được tán phát vào Việt Nam.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời kỳ mới
 Ảnh minh họa: congannhandan.com.vn

Các đối tượng còn lập ra và sử dụng các đài phát thanh và truyền hình, các báo, tạp chí điện tử có trụ sở ở nước ngoài để tuyên truyền chiến tranh tâm lý. Họ thường xuyện lợi dụng các phương tiện truyền thông này để đưa nhiều nội dung thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước hòng gây bất lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Thi thoảng họ phát động những chiến dịch nhằm thổi phồng những khó khăn phức tạp trong xã hội; xuyên tạc tình hình đất nước, lợi dụng tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động tâm lý bất bình, bất mãn trong xã hội hòng lôi kéo quần chúng nhân dân vào các hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước ta.

Tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh 

 Phòng, chống chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch là vấn đề khó khăn, phức tạp. Trên thực tế hiện nay, còn không ít người đang mơ hồ về chiến tranh tâm lý. Một bộ phận người dân do nhận thức hạn chế nên không nhận diện được các thủ đoạn chiến tranh tâm lý; thậm chí một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đã được rèn luyện, thử thách qua các thời kỳ cách mạng, song do chủ quan, mất cảnh giác trong nhận thức nên đã “sập bẫy” chiến tranh tâm lý và vô hình trung trở thành người cổ xúy cho các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước.

Do vậy, để các tầng lớp nhân dân có nhận thức tốt hơn về chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở phải chủ động tuyên truyền, trang bị cho cán bộ, đảng viên, nhân dân những hiểu biết cơ bản về phương thức, thủ đoạn, kỹ thuật tiến hành chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch. Đây là cơ sở, yêu cầu hàng đầu nhằm góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch.

Cần phải đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng thiết lập và sử dụng các trang thông tin chính thống, website, mạng xã hội, diễn đàn để đăng tải những bài viết tuyên truyền về quan điểm chính thống, định hướng dư luận, đồng thời đấu tranh phản bác các thông tin chiến tranh tâm lý nguy hại của các thế lực thù địch. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, có tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Đảng, Nhà nước để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Chủ động cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trong mặt trận đấu tranh tâm lý. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các lực lượng. Việc chậm trễ cung cấp thông tin và sự thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận chính là tự tạo ra "khoảng trống" thông tin, là mầm mống nảy sinh những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng trong xã hội; ở mức độ đơn giản là nảy sinh những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp.

Thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu nêu trên chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả trong phòng, chống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.

Thạc sĩ PHẠM VĂN TÍNHTổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội

Nhìn về một hướng, tránh phát ngôn hồ đồ


Trong xã hội hiện nay có những người cứ mở miệng ra là nói điều tiêu cực, nói ngoài đời thực và nguy hại hơn nữa là lan truyền những điều tiêu cực ấy trên mạng xã hội.

Thông qua lăng kính của họ thì xã hội toàn một màu đen. Đáng nguy hại hơn là phần nhiều trong những phát ngôn đó là cung cấp thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc suy diễn. Cách hành xử ấy trước hết gây tổn hại đến chính người phát ngôn, đồng thời ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh và xã hội.

Mấy ngày qua, bão số 3 và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong lúc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, Quân đội, công an, các lực lượng chức năng và người dân đều đang căng sức tập trung chống lũ thì trên mạng xã hội có không ít người thể hiện “năng lực”, “trách nhiệm” của “anh hùng bàn phím”, chê bai, châm chọc đủ điều, đưa các thông tin sai trái, các bình luận tiêu cực.

Nhìn về một hướng, tránh phát ngôn hồ đồ
 Tranh của MẠNH TIẾN/qdnd.vn

Theo phán xét của những “anh hùng bàn phím” này thì dường như các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đều thiếu trách nhiệm, bị động trong công tác phòng, chống bão số 3 và mưa lũ. Cũng theo họ, khi mưa lũ diễn ra nặng nề ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc thì người dân gần như bị bỏ mặc, phải lên mạng kêu cứu và chỉ có thể trông chờ vào sự trợ giúp của cư dân mạng. Do đó, trên mạng xã hội mấy ngày qua xuất hiện rất nhiều “lời kêu cứu” kiểu như: “SOS! Thái Nguyên, Yên Bái cần gấp số lượng lớn áo phao!” hay “Quảng Ninh cần gấp mì tôm cứu đói!”, “3 cháu bé đang bị lũ đe dọa”...

Tuy nhiên, phần lớn những lời kêu cứu đó đều là thông tin thất thiệt hoặc bị cường điệu hóa. Khi có nhà hảo tâm theo lời kêu cứu trên mạng, liên lạc với địa phương thì mới biết địa phương không có nhu cầu, đã chuẩn bị đủ mặt hàng mà nhà hảo tâm muốn cung cấp và địa phương không hiểu sao trên mạng lại có thông tin thất thiệt như vậy.

Công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam xưa nay đều phát huy cao độ phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Việc ứng cứu nhân dân trong thiên tai đều nằm trong phương án, kịch bản của các địa phương, tổ chức lực lượng thực hiện, được diễn tập thường xuyên. Tất nhiên, khi thiên tai, bão lũ thì rất cần sự chung tay của cả nước để trợ giúp người dân vùng bão lũ, thể hiện tinh thần đoàn kết rất đáng quý của dân tộc ta.

Trong dịp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi, vận động cả nước ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tuy nhiên, không thể có lực lượng xã hội ở đâu, cá nhân nào có thể có trách nhiệm cao hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn chính quyền, đoàn thể, lực lượng tại địa phương trong việc ứng cứu nhân dân. Và mọi công tác cứu trợ nên được thông tin, phối hợp với chính quyền và đoàn thể tại địa phương để bảo đảm hiệu quả, đúng nhu cầu, đúng đối tượng.

Trong những ngày này, chính quyền các cấp, Quân đội và các lực lượng khác đang rất tích cực thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân vùng lũ, đang làm tất cả để bảo đảm cho người dân được an toàn. Những hình ảnh trên mạng xã hội được sử dụng một cách vội vàng hoặc cố tình có dụng ý xấu khiến nhiều người lầm tưởng tai hại rằng chính quyền bất lực, thiếu trách nhiệm, không lo được cho dân.

Thực tế là cán bộ chính quyền, lực lượng chức năng đang tất bật ngày đêm lo công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nên không thể quan tâm được mạng xã hội đang nói gì. Còn các “anh hùng bàn phím” có thể chẳng làm gì nhưng mở miệng ra là chê bai, nhìn xã hội một màu u ám, tiêu cực.   

Những ngày qua, có rất nhiều hình ảnh xúc động về sự quan tâm của lãnh Đảng, Nhà nước đối với nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão số 3, trong đó đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3, ưu tiên việc cứu người, bảo đảm để không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; tiếp cận vùng bị cô lập; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đến các địa phương, vùng lũ thăm hỏi người dân, kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão. Thủ tướng yêu cầu triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân...

Trong những ngày qua, có rất nhiều hình ảnh làm lay động lòng người về cán bộ, chiến sĩ Quân đội, dân quân tự vệ... dầm mưa, dầm mình trong nước lũ, bất chấp hiểm nguy để ứng cứu người dân. Trong đó, đã có cán bộ Quân đội hy sinh khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống bão lũ. Các lực lượng khác như công an, thanh niên tình nguyện, cán bộ y tế, công nhân công ty cây xanh, nhân viên ngành giao thông vận tải... cũng đều nỗ lực để nhanh chóng khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, trợ giúp nhân dân.

Với một đất nước ngày càng phát triển, dân số đã tới hơn 100 triệu người thì trong xã hội luôn phát sinh rất nhiều vấn đề. Điều đó đòi hỏi năng lực quản trị và trách nhiệm của hệ thống công quyền phải ngày càng được nâng lên. Bởi bất cứ việc gì liên quan tới người dân muốn triển khai được thì không thể thiếu vai trò của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị. Không thể có tổ chức phi chính phủ nào, nhóm hội, cá nhân nào có thể thay thế được chính quyền và các đoàn thể chính trị trong việc chăm lo cho nhân dân!

Thiên tai là tình huống đầy thử thách, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu nên những diễn biến của bão và mưa lũ rất khó lường, thậm chí vượt xa tưởng tượng ban đầu. Việc thông tin, góp ý mang tính xây dựng là cần thiết để từ đó những người có trách nhiệm quán xuyến công việc tốt hơn, thể hiện tốt hơn nữa vai trò của mình. Tuy nhiên, không ai có thể tự cho mình quyền phủ nhận sạch trơn công sức, kết quả, nỗ lực của hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, chăm lo, trợ giúp nhân dân.

Mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên, trước khi phát ngôn, nhận xét, đánh giá điều gì, trước khi lan truyền thông tin gì cần phải điềm tĩnh, nghiên cứu thật kỹ, kiểm chứng thông tin và phát ngôn mang tính xây dựng. Đặc biệt, trong tình huống thiên tai ảnh hưởng nặng nề như hiện nay, chúng ta càng cần có những hành động, phát ngôn có trách nhiệm, cần nêu cao tinh thần ủng hộ, hỗ trợ, cổ vũ chính quyền, đoàn thể, Quân đội và các lực lượng chức năng ở tuyến đầu. Chỉ có nêu cao tinh thần đoàn kết, tất cả nhìn về một hướng thì đất nước ta mới vượt qua được những thời khắc thử thách, khó khăn.

Còn đối với những người cố tình xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, gieo rắc sự hoang mang, phủ nhận vai trò, công sức của hệ thống chính quyền, lực lượng vũ trang và các đoàn thể thì không những không đạt mục đích cá nhân mà còn rất dễ vi phạm các quy định của pháp luật.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Cảnh giác với âm mưu lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá

 

Trong khi Đảng, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng đang gồng mình ứng phó với trận bão số 3 và lũ lụt lịch sử, thì trên mạng xã hội lại có những thông tin sai sự thật, nhất là thông tin sai về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở... dẫn đến người dân hoang mang.

Bão số 3 và hoàn lưu của trận siêu bão này đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều địa phương ở miền Bắc nước ta. Mặc dù Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng lực lượng chức năng, đặc biệt là Quân đội, Công an đã chủ động triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở đất, nhưng trước sức gió vô cùng lớn của siêu bão và mưa lũ cực lớn sau bão, cùng với địa hình miền Bắc nhiều đồi núi dốc, sông suối có dòng chảy hẹp, nước xiết, khiến thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn, cả về người và cơ sở vật chất, nhất là hệ thống cây xanh, điện, đường sá, cầu cống...

Trong khi Đảng, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng cùng quân dân miền Bắc đang gồng mình ứng phó với trận bão, lũ lịch sử, huy động tối đa các nguồn lực để phòng, chống và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả của thiên tai; trong khi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các địa phương và đồng bào cả nước đang hướng về miền Bắc, tích cực ủng hộ, giúp đỡ người dân ở những vùng gặp nạn theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì trên mạng xã hội lại có những hình ảnh, bài viết thông tin sai sự thật, nhất là thông tin sai về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở... dẫn đến người dân hoang mang.

Cảnh giác với âm mưu lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá
Một số trang fecebook đăng thông tin vỡ đập không đúng sự thật. 

Đặc biệt, trên mạng xã hội và một số trang web của các tổ chức, cá nhân phản động, bất mãn, không thân thiện với Việt Nam còn có cả những thông tin xuyên tạc, suy diễn, quy chụp, vu khống. Chúng lợi dụng việc bão lớn làm đổ nhiều cây xanh, nhiều cột điện, hỏng nhiều đường sá, cầu cống, rồi cố tình chọn đăng một vài hình ảnh cây mới trồng không có nhiều rễ, cột điện có ít lõi sắt (cả ảnh thật và ảnh cắt ghép, ảnh không rõ nguồn gốc và thời điểm chụp) để quy chụp, tung tin rằng nguyên nhân dẫn đến thiệt hại này là do tham nhũng quá nhiều và ở khắp mọi nơi, rồi do sự tắc trách của chính quyền các cấp, sự vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng v.v..

Những thông tin sai sự thật hoặc thổi phồng, cố tình bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá như đã nêu trên là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là trong thời điểm rất nhiều người dân đang gặp khốn khó do bị thiên tai gây thiệt hại. Những ai thiếu tỉnh táo, “nhẹ dạ cả tin” thì dễ rơi vào trạng thái nghi hoặc, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Thậm chí, nếu người dân mất cảnh giác còn bị các phần tử phản động lợi dụng để thực hiện âm mưu kích động chống đối chính quyền, gây mất an ninh trật tự. Đây là mưu đồ vô cùng nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn khi chúng lợi dụng hoàn cảnh đất nước và nhân dân đang gặp khó khăn nhằm gây rối bận, rối loạn, không chỉ cản trở việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai mà còn thực hiện mưu đồ chống phá chế độ và đất nước.

Cảnh giác với âm mưu lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá
Một đối tượng đưa tin thất thiệt về vỡ đê tại tỉnh Bắc Giang trên mạng xã hội bị Công an huyện Yên Dũng triệu tập làm việc. Ảnh: baophapluat.vn 

Hơn lúc nào hết, càng trong lúc khó khăn hoạn nạn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng để vượt qua khó khăn, thách thức. Chắc chắn, sau khi tập trung cao độ khắc phục xong hậu quả thiên tai thì những việc làm sai, những thiếu sót, khuyết điểm bộc lộ qua siêu bão số 3 sẽ được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét và xử lý vi phạm (nếu có). Việc này phải tiến hành cẩn trọng, thấu đáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật chứ không thể kết luận cảm tính, hồ đồ, thiếu cơ sở.

Trước hết, mỗi chúng ta cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt khi tiếp nhận thông tin trên internet, mạng xã hội, nhất là thông tin từ những tổ chức, đối tượng phản động, bất mãn; không vội vàng cả tin, không lan tỏa những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu tính xây dựng. Trước mỗi thông tin, sự việc xảy ra, phải cẩn trọng xem xét theo đúng quan điểm, phương pháp luận khoa học, đó là: “Khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển”. Tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng kích động, lừa gạt, lôi kéo làm những việc gây tổn hại cho nhân dân, đất nước.       

HUY QUANG (Học viện Quốc phòng)