Nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cấu
thành quan trọng nhất của lực lượng sản xuất xã hội, trình độ phát triển của nguồn
nhân lực là thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia. Vì vậy, ở mọi thời đại, mọi chế độ xã hội, sự phát triển nguồn lực
con người đều được đặt ở vị trí trung tâm.
Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, trong khi thực
hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy sự
nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của nước nhà và đạt được những thành
tựu to lớn. Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 -
2020 đã nhấn mạnh: “Hệ thống thể
chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công
nghệ tiếp tục được hoàn thiện. Mạng
lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên, đáp ứng
tốt hơn nhu cầu của xã hội. Nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo, thi cử và
kiểm định chất lượng có đổi mới. Cơ cấu đào tạo hợp lý hơn. Tập trung đầu tư cơ
sở vật chất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo.
Chú trọng giáo dục, đào tạo vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ
nhà giáo, cán bộ quản lý có bước phát triển. Xã hội hoá giáo dục, đào tạo được
đẩy mạnh. Tỉ lệ nhập học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt mức cao. Tỉ lệ
lao động qua đào tạo đạt khoảng 50% vào năm 2015. Dạy nghề cho lao động nông
thôn được quan tâm”[1].
Những nhận định, đánh giá trong dự thảo đã phản ánh trung
thực tình hình phát triển nguồn nhân lực trong những năm vừa qua. Số liệu thực
tế đã cho thấy: Dân số trung bình năm 2015
của cả nước ước tính 91,70 triệu người, tăng 974,9 nghìn người, tương đương
tăng 1,07% so với năm 2014, bao gồm dân số thành thị 31,45 triệu người, chiếm
34,30%; dân số nông thôn 60,25 triệu người, chiếm 65,70%; dân số nam 45,25 triệu
người, chiếm 49,35%; dân số nữ 46,45 triệu người chiếm 50,65%.
Về
lao động: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tính đến thời điểm
01/01/2016 là 54,61 triệu người, tăng 185 nghìn người so với cùng thời điểm năm
2014, trong đó lao động nam chiếm 51,7%; lao động nữ chiếm 48,3%.
Về sử dụng nguồn nhân lực: Lao động từ 15 tuổi trở
lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2015 ước tính 52,9 triệu người,
tăng 142 nghìn người so với năm 2014. Trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên
đang làm việc năm 2015, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 44,3% (Năm
2014 là 46,3%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,9% (Năm 2014 là
21,5%); khu vực dịch vụ chiếm 32,8% (Năm 2014 là 32,2%). Lao động từ 15
tuổi trở lên đang làm việc năm 2015 khu vực thành thị chiếm 31,2% (Năm 2014 là
30,4%); khu vực nông thôn chiếm 68,8% (Năm 2014 là 69,6%). Tỷ
lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2015 ước tính đạt 21,9%, cao hơn mức
19,6% của năm trước, trong đó lao động qua đào tạo khu vực thành thị đạt 38,3%
(Năm 2014 là 35,9); khu vực nông thôn đạt 13,9% (Năm 2014 là 12,0).
Về
năng suất lao động: Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm
2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (Tương đương khoảng
3657 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền
kinh tế năm 2015 ước tính tăng 6,4% so với năm 2014.
Về
giáo dục, đào tạo: Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 37/63 tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63/63 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi,
trong đó 12 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học
đúng độ tuổi mức độ 2. Công tác đào tạo nghề
tiếp tục được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm đầu tư. Tính đến thời
điểm cuối năm 2015, cả nước có 1467 cơ sở dạy nghề, bao gồm 190 trường cao đẳng
nghề; 280 trường trung cấp nghề; 997 trung tâm dạy nghề và hơn 1 nghìn cơ sở có
dạy nghề với tổng số giáo viên dạy nghề hơn 40,6 nghìn người. Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ
2011 - 2020, đã có gần 7,4 nghìn
lượt giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng dạy nghề; 45 trường nghề
trọng điểm được chọn để đầu tư xây dựng thành trường nghề chất lượng cao theo
chuẩn các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế; 9,2 triệu lượt người được
đào tạo nghề, đạt 95,6% mục tiêu đề ra[2].
Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn của đường
lối giáo dục của Đảng và chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước, sự nỗ lực
của toàn xã hội cộng đồng dân cư ở các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của tiến trình đổi mới, thực hiện
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thế mạnh
về nguồn nhân lực dồi dào của nước ta chưa được phát huy đầy đủ và khai thác có
hiệu quả. Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế
xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã
chĩ rõ: “Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo
nghề cải thiện còn chậm; thiếu lao động chất lượng cao, chương trình, nội dung,
phương pháp dạy và học, kiểm tra, thi cử, đánh giá chất lượng lạc hậu, đổi mới
chậm, lúng túng. Hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông, chưa thật hợp lý
và thiếu đồng bộ. Công tác phân luồng và hướng nghiệp còn hạn chế. Tình trạng mất
cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo khắc phục còn chậm. Cơ chế,
chính sách có mặt chưa phù hợp; xã hội hoá còn chậm và gặp nhiều khó khăn, chưa
thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển giáo dục, đào tạo.
Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu”[3].
Vì
vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Dự thảo Báo cáo đánh giá
kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và
phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã xác định: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính
sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -
xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập,
xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo
đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Chú trọng
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”[4].
Quán triệt sâu sắc quan điểm trên
của Đảng theo tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về nguồn nhân lực.
Trong đó, cần tăng cường lãnh đạo
thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát, sơ, tổng kết. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác tham mưu, phối hợp giữa các cấp các
ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực. Nhà nước cần thể chế hóa nghị
quyết của Đảng, xây dựng, tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách bảo đảm cho
phát triển nguồn nhân lực. Hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập,
xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn cả nước nhằm
bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới các
chính sách, cơ chế, công cụ phát triển nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ
cấu lao động, tạo điều kiện hỗ trợ dịch chuyển lao động và phân bố lao động hợp
lý, hiệu quả.
Hai là, đổi mới căn bản toàn diện
giáo dục và đào tạo.
Trước hết, cần quán triệt và triển khai có hiệu quả Nghị
quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khoá XI và Nghị
quyết số 44/NQ-CP ngày 09-6-2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều
kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hoàn
thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp
học, trình độ đào tạo và giữa các hình thức giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, triển
khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông; phân loại các
cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Đổi
mới chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực.
Đa dạng hoá
các phương thức đào tạo. Có cơ chế để tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động
tham gia xây dựng, điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo và đánh giá năng
lực người học. Đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học.
Cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo
dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Từng bước áp dụng kiểm
định, đánh giá theo kết quả đầu ra của giáo dục và đào tạo. Đổi mới chính sách
đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng nghiên cứu và
ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo. Đặc biệt chú trọng việc
tổ chức sắp xếp lại và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các trường sư phạm
trên phạm vi cả nước.
Ba
là, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển
nguồn nhân lực.
Khuyến khích mở rộng và tăng cường các quan hệ giao
lưu và hợp tác song phương và đa phương giữa các tổ chức và người dân Việt Nam
với các tổ chức quốc tế và công dân nước ngoài. Tăng cường thu hút chuyên gia
quốc tế giỏi và Việt Kiều giỏi vào làm việc ở Việt Nam trong các lĩnh vực giáo
dục, đào tạo, y tế, hoạt động khoa học - công nghệ, tư vấn thiết kế, quản lý và
kinh doanh... để nâng cao chất lượng phát triển con người và đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao. Tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để tăng thêm được nhiều
người Việt Nam đi học tập và làm việc ở nước ngoài.
Bốn là, tăng cường thể
lực và nâng cao tầm vóc con người Việt Nam
Mục tiêu cơ bản là cải thiện một cách bền vững tầm
vóc của người Việt Nam, thể hiện bằng việc tăng chiều cao trung bình của thanh
niên trong thời kỳ trung hạn lên ngang bằng với thanh niên các nước trong khu vực
Đông á và trong thời kỳ dài hạn lên ngang bằng với chuẩn quốc tế của Tổ chức y
tế thế giới. Đồng thời, cải thiện thể trạng người Việt Nam để đảm bảo sự phát
triển hài hoà giữa chiều cao và trọng lượng cơ thể, tăng cường thể lực, đặc biệt
là sự phát triển hài hoà về các tố chất thể lực cần thiết (sức bền, sức mạnh, sức
nhanh, mềm dẻo, khéo léo...) đảm bảo thực hiện lao động, học tập, sáng tạo và
các hoạt động bình thường khác của mỗi người.
Thực hiện đồng thời, đồng bộ những nhóm giải pháp
xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chắc chắn sẽ thúc đẩy phát
triển nguồn nhân lực lên tầm cao mới, thực sự là nhân tố quyết định đến sự tăng
trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững; góp phần xây dựng thành công chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam.
* Nguyễn Văn Kỷ
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn
kiện trình Đại hội XII của Đảng, tháng 4-2015, tr. 107.
[2] Tổng
cục Thống kê, Tình hình kinh tế xã hội
năm 2015. (http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=15507)
[3] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện
trình Đại hội XII của Đảng, tháng 4-2015, tr. 119.
[4] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện
trình Đại hội XII của Đảng, tháng 4-2015, tr. 144-145.
Bài viết rất hay và ý nghĩa
Trả lờiXóa