Social Icons

Pages

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Muốn “Hòn ngọc Viễn Đông” trước hết phải cởi bỏ áo chật

TUANVIE “Tôi nghĩ thành phố có thể làm được vì Hiến pháp đã mở, Luật Chính quyền đô thị cho phép, và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng ủng hộ.”, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ nói.

LTS: Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM vừa qua, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo: “TP.HCM phải trở thành đặc khu kinh tế, giống như Thượng Hải và một số TP khác với các cơ chế đặc biệt”. Bàn tiếp về mô hình này, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh.
Thưa ông Châu Minh Tỷ, theo tôi còn nhớ bản đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố trước đây được xây dựng trên nền những “bức xúc” và những “bức xúc” này hiện nay vẫn tồn tại. Từng là Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), ông có thể kể một số “bức xúc” điển hình đang bó buộc thành phố hiện nay như thế nào?

Ông Châu Minh Tỷ: Gần 10 năm trước, thành phố đã đặt vấn đề xin trung ương cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Đề án xây dựng chính quyền đô thị của mình hoàn toàn có thể áp dụng được với tất cả các thành phố tức là theo đặc điểm thành phố khác với nông thôn. Nói xa hơn, kết cấu dân cư ở đô thị hoàn toàn khác với kết cấu dân cư ở nông thôn.
Vấn đề lớn nhất ở đô thị là hệ thống hạ tầng. Hệ thống hạ tầng đô thị không phải phục vụ riêng cho một đơn vị hành chính nào. Ví dụ mở một con đường thì con đường này không phải chỉ phục vụ cho mỗi cộng đồng dân cư đang sinh sống quanh đó, mà con đường này sẽ được kết nối nhằm phục vụ chung cho các khu dân cư khác. Cho nên khi phải làm một con đường nào đó thì phải làm đồng bộ thì hiệu quả khai thác mới cao. Còn nếu chia ra theo cái đơn vị hành chính cắt khúc như hiện nay thường là không có hiệu quả.
Dẫn ra ví dụ như thế đẩy thấy đặc điểm đô thị nó hoàn toàn khác với nông thôn. Và như vậy chúng ta không thể áp dụng mô hình quản lý nông thôn vào đô thị hay đô thị vào nông thôn.
Hòn Ngọc Viễn Đông, Chính quyền đô thị, Đặc khu kinh tế , Bí thư Đinh La Thăng
Ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, là cách quản lý cắt khúc. Ví dụ, chuyện người buôn bán trên phố thuộc quận 1. Nhiều khi đội trật tự quận tới giải quyết rồi cho họ dời qua quãng phố Hai Bà Trưng để họ tiếp tục buôn bán. Trong những trường hợp này thì quận 3 chỉ đứng nhìn thôi chứ không qua xử lý được. Hay thậm chí có những vụ tai nạn giao thông, còn phải đợi coi xem thuộc địa giới hành chính quận nào thì quận đó tới xử lý.
Dẫn ra những ví dụ như vậy để thấy đó là những bất cập, bức xúc vẫn đang tồn tại.
Những bất cập này trong nhiều trường hợp, cũng gây lúng túng và không rành mạch cho cả cấp quản lý đúng không?
Ông Châu Minh Tỷ: Tôi nhớ có lần, người ta tính xây dựng một công trình ở phía sau lưng Sở Ngoại vụ. Công trình này được Sở Xây dựng cấp phép. Sau đó đã xảy ra sự cố và có liên quan đến Sở Ngoại vụ. Nhưng người ta bảo thẩm quyền giải quyết phải là chủ tịch UBND thành phố. Bất hợp lý ở chỗ, khi anh có thẩm quyền cấp phép cái này thì anh cũng đồng thời phải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc anh đã cấp phép chứ.
Thứ hai, có thực tế là nhiều đơn vị nhỏ thành ra cứ khi có chuyện là “đẩy” lên thành phố. Ngoài ra, khi có chuyện, cấp phường thường hay bị “xử” nặng nhất. Hãy nhìn chuyện lương bổng, chính sách thu hút nhân lực tại cấp phường như lâu nay là chưa thỏa đáng, thành ra không được mấy người giỏi nên không đủ cán bộ có chuyên môn cần thiết, nhưng khi có chuyện xảy lại bị “đè” ra xử nặng, còn cấp trên, cũng là nơi ra chủ trương cấp phép đáng lẽ phải phải chịu thì lại không sao, như vậy là rất vô lý.
Hay việc đưa quyết định xử lý cũng vậy. Nhiều khi để thể ra được quyết định xử lý, còn phải hỏi rất nhiều các cơ quan khác, rất mất thời gian. Cho nên chúng ta thường nói vui là ai cũng có rất nhiều quyền nhưng mà quyền này là quyền can thiệp vào việc của người khác.
Như vậy xét đến cùng là chả có anh nào có quyền. Mà đã không có quyền thì làm sao quy trách nhiệm được.
Qua câu chuyện của ông, tôi có thể hình dung mô hình quản lý hiện nay đang tạo cho thành phố trì trệ, tạo ra sức ì rất lớn thành nỗi “bức xúc”. Và ông tin rằng mô hình chính quyền đô thị sẽ quét sạch sức ì này bằng cách nó giao trách nhiệm đồng thời với giao quyền?
Ông Châu Minh Tỷ: Nói ngoài lề một chút, thành phố từng đề nghị mô hình thị trưởng, rồi đề nghị mô hình UBND hành chính.
Về chỗ HĐND, chúng ta vẫn hướng cơ quan hội đồng thuộc hệ thống lập quy, mà đã lập quy thì thuộc chính phủ chứ không phải là không thuộc ai. Bây giờ mình nói HĐND các cấp nhưng thực ra nó không phải là trên dưới mà nó là cơ quan đại diện cho dân ở các cấp đó. Hoàn toàn không phải HĐND ở phường là cấp dưới của HĐND quận, huyện.  Đúng ra hội đồng phải như vậy nhưng cái cách quản lý của mình khiến nó gần như trực thuộc, nó bị hành chính hóa.
Mà hội đồng là thuộc bên lập quy tức là thuộc cơ quan hành chính cấp trên. Chúng ta đang bầu ra chủ tịch hội đồng theo đúng mục tiêu chung, giống như là cấp trên nhưng thực chất là khác, ông hội đồng này có ba nhiệm vụ lớn là lập pháp, quyết định các điều quan trọng và giám sát chứ không có quyền.
Thành phố đã có thời gian vận động để được áp dụng mô hình chính quyền đô thị nhưng rất tiếc là chưa được. Bây giờ sau tinh thần của đại hội Đảng XII vừa rồi, ông có hy vọng ngoài cái mô hình chính quyền đô thị mà thành phố đã đề xuất, chúng ta có thể kết hợp để có một vài đặc khu kinh tế để có thể tạo ra sức bật, khơi dậy tiềm năng đầu tàu kinh tế của cả nước không?
Ông Châu Minh Tỷ: Tôi nghĩ có thể được bởi vì thực ra Luật Chính quyền đô thị cho phép, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mở ra.
Như vậy tôi có thể hiểu, ông cho rằng chúng ta có thể kết hợp mô hình chính quyền đô thị và đặc khu kinh tế để tạo ra sức bật?
Ông Châu Minh Tỷ: Có những khu vực có thể là đặc khu. Trong một hội nghị tổng kết mấy năm trước với cái đề án chính quyền đô thị, lúc đó có mời bí thư Hà Nội là ông Phạm Quang Nghị dự. Ông Nghị cũng rất ủng hộ và cho rằng nếu trung ương thông qua cho thành phố làm thì Hà Nội cũng có thể sẽ được làm. Ý tôi muốn nói là cái đề án chính quyền đô thị đã được nghiên cứu kỹ lắm, có thể đáp ứng được yêu cầu quản lý đô thị nói chung chứ không riêng gì TP Hồ Chí Minh.
Ông có biết kết quả thí điểm của TP Hồ Chí Minh đã được đánh giá như thế nào?
Ông Châu Minh Tỷ: Thí điểm vừa rồi chỉ là không tổ chức HĐND. Chỉ chưa tổ chức hội đồng thôi còn toàn bộ cái cơ chế về quản lý hành chính, phân cấp tài chính, ngân sách vẫn y nguyên.
Mặc dù Hiến pháp đã mở ra nhưng để áp dụng chính quyền đô thị cần phải thay đổi thể chế, thay đổi cơ chế. Ít nhất hai lần nghị quyết trung ương có nhắc tới chuyện là phải xây dựng mô hình quản lý nông thôn khác với quản lý đô thị, nhưng mới chỉ dừng lại ở đó, cứ đưa ra cụ thể lại có ý kiến.

1 nhận xét: