Trong những ngày tháng 9 lịch sử, cả nước ta lại hướng về sự kiện "Ngày khai giảng năm học mới", đây là dịp để mỗi chúng ta ôn lại truyền thống hiếu học và khẳng định những thành tựu không thể phủ nhận của giáo dục Việt Nam.
Những năm qua, cùng với những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, giáo dục Việt Nam đã tích cực đổi mới và thu được nhiều kết quả khả quan. Nhưng đáng tiếc vẫn có những ý kiến ác ý, phủ nhận thành tựu giáo dục Việt Nam trong 71 năm qua và cho rằng, “nước Việt Nam vẫn nghèo nàn, lạc hậu là do giáo dục Việt Nam bảo thủ, không chịu hội nhập quốc tế” (!).
Giáo dục gắn liền với xã hội loài người, có con người là có giáo dục vì nhân loại luôn hướng đến mục tiêu ngày một hoàn thiện hơn. Việt Nam luôn xác định: Chỉ có giáo dục mới nâng cao được dân trí, bồi dưỡng được nhân tài, mới tạo ra được nhiều của cải vật chất và những giá trị tinh thần tiên tiến.
Ngày nay, trong xu hướng phát triển kinh tế tri thức, Việt Nam càng coi trọng giáo dục, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu để sáng tạo ra hệ thống giá trị hiện đại, mới mẻ, làm nguồn lực thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội. Đảng ta lãnh đạo đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo nên lĩnh vực này càng được toàn dân quan tâm. Hơn nữa, hầu như gia đình nào cũng có người đi học nên giáo dục và đào tạo không còn là chuyện của riêng ngành giáo dục, mà là của cả xã hội, của mỗi gia đình.
Người viết bài này đã có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, từ dạy phổ thông cho đến đại học, nên rất thấu hiểu tấm lòng của các nhà quản lý tâm huyết, các thầy giáo, cô giáo trực tiếp đứng lớp, các bậc phụ huynh mong con học giỏi, ngoan ngoãn; đồng thời cũng là phụ huynh nên phần nào thấu hiểu những khó khăn, thử thách mà ngành giáo dục vẫn đang nỗ lực vượt qua để đáp ứng lòng mong đợi, kỳ vọng của nhân dân.
Ảnh minh họa/thuvien.qui.edu.vn.
Nước ta đã đi qua ba cuộc cải cách, đổi mới giáo dục: Lần 1 (năm 1950) nhằm xây dựng một nền giáo dục của dân, vì dân; lần 2 (năm 1956) nhằm hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên trở thành những công dân tốt, có tài đức; lần 3 (năm 1981) tiến hành đồng bộ cả về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học. Mỗi cuộc đổi mới đều có nội dung, tính chất phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thế giới. Đến nay, những kết quả đạt được là rất khả quan trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta đã huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Quy mô các cơ sở giáo dục không ngừng được mở rộng. Tính đến năm học 2015-2016, bậc giáo dục mầm non có 14.532 trường với tổng số hơn 4,62 triệu trẻ em; bậc giáo dục tiểu học có 15.254 trường với hơn 7,73 triệu học sinh; bậc giáo dục phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông) có 12.721 trường với hơn 7,56 triệu học sinh; bậc cao đẳng, đại học có 442 trường với 2,24 triệu sinh viên. Những con số này không chỉ là minh chứng sống động về quyền được học tập của thanh-thiếu nhi Việt Nam, mà còn phủ nhận những bình luận ác ý trên một số trang mạng nước ngoài rằng, trẻ em Việt Nam không được chăm lo học hành, rất nhiều trẻ em không được đến lớp, phải đi lao động, làm thuê (!)…
Nhìn một cách khách quan, ngành giáo dục Việt Nam có những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nổi bật là: Thực hiện nền giáo dục toàn dân; hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân; chất lượng giáo dục được nâng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội; đội ngũ nhà giáo ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục từng bước được hiện đại hóa…
Lại có những ý kiến chỉ trích giáo dục Việt Nam lạc hậu, không theo kịp thế giới. Các dẫn chứng sau đây sẽ cho thấy ý kiến trên là không đúng: Từ năm 2004 đến 2016, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế: Olympic Vật lý châu Á (2004), Olympic Toán học quốc tế (2007), Olympic Vật lý quốc tế (2008), Olympic Hóa học quốc tế (2014). Năm 2016, Việt Nam là nước chủ nhà của Cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27-IBO 2016. Đây là minh chứng cho sự tin tưởng, đánh giá cao của quốc tế đối với nền giáo dục Việt Nam. Chúng ta đã gặt hái thành quả đáng khích lệ: Giành 6 huy chương vàng, đứng đầu Cuộc thi Olympic Toán học châu Á-Thái Bình Dương (APMOPS 2016). Việt Nam là nước Đông Nam Á có nhiều giải nhất Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế-Intel ISEF 2016 (Hoa Kỳ), với 4 dự án đạt giải ba lĩnh vực Hóa học, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cơ khí, Sinh học tế bào và phân tử. Chúng ta đã giành 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 1 huy chương đồng trong Cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2016; xuất sắc có 1 giải đặc biệt Grand Champion, 11 huy chương vàng, 24 huy chương bạc, 47 huy chương đồng trong Cuộc thi Toán học trẻ quốc tế 2016 (IMC). Ngoài ra, học sinh nước ta còn nhận 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng Cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2016…
Năm 2013, Đảng ta đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về giáo dục, đào tạo... Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp... Có cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế quản lý, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế”. Những chỉ dẫn quan trọng này của Đảng là cơ sở thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ngành giáo dục đã có những bước tiến rất nhanh; nên đã gặt hái nhiều thành công
Trả lờiXóa