Social Icons

Pages

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay

Trước hết, phải khẳng định đây là giải pháp không mới nhưng đó là giải pháp “gốc” luôn được Đảng ta nhấn mạnh suốt hơn 80 năm qua. Trong tình hình hiện nay, cần phải có những cách làm mới hơn, thiết thực hơn.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh gần đây lộ ra nhiều vấn đề trong giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tại sao trong một tổ chức Đảng có người đứng đầu luôn mẫu mực, đi chiếc xe ô tô không thuộc hạng sang và không cần mua sắm xe mới thì một cán bộ cấp tỉnh lại chạy siêu xe tư nhân gắn biển xanh mà đồng chí, đồng đội xung quanh không thấy phản cảm, không phê phán, đấu tranh? Hay trong vụ án Giang Kim Đạt, chỉ là một cán bộ cấp Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vận tải viễn dương Vinashin còn trẻ tuổi, vốn là một thanh niên trong một gia đình nghèo ở quê lúa Thái Bình, chỉ sau vài năm vào Vinashin đã tham ô gần 19 triệu USD, có lối sống xa hoa, vung tiền mua 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai trên khắp cả nước cùng nhiều ô tô mà tại sao tổ chức Đảng, cơ quan nơi Đạt công tác không ai nhận thấy sự bất thường về đạo đức, lối sống sinh hoạt? Ngoài kẽ hở về quản lý kê khai tài sản thì dường như trong Đảng ta, trực tiếp từ cấp chi bộ lâu nay dường như đã buông lỏng, xem nhẹ giáo dục, giám sát cán bộ đảng viên về đạo đức, lối sống. Nếu như những biểu hiện “lệch chuẩn”, những dấu hiệu bất thường về đạo đức, lối sống sớm được phát hiện, chấn chỉnh từ nơi đảng viên công tác, thì có lẽ sự tha hóa, trượt dài trên những vũng bùn tội lỗi sẽ được ngăn chặn.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, từ kinh nghiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhắc đi nhắc lại việc giáo dục cán bộ, đảng viên phải làm sao để mỗi người thấm thía, tự biết sửa mình. “Có một hình ảnh rất xúc động mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Nghĩ về xây dựng Đảng, tôi nghĩ nhiều đến Bác Hồ, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của mình, Bác trăn trở: “Trước hết nói về Đảng”. Vì vậy, tôi nghĩ ngay đến việc phải gắn việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập Di chúc của Bác Hồ, động viên và khơi dậy tình cảm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên thì cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ đi vào lòng người. Lúc đó, bản Di chúc chưa có nhiều nên tôi chỉ đạo cho Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in nhiều bản Di chúc để gửi đến các chi bộ. Tới đây, phải có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, đồng thời có tiêu chí, quy định cụ thể về các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên ở từng lĩnh vực, có quy định để xem xét, xử lý đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ kinh nghiệm.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong 10 nội dung xây dựng Đảng của Đại hội XII, nội dung “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” được nhấn mạnh, là một nội dung mới rất quan trọng để thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mới được đưa vào nghị quyết Đại hội XII, là sự tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc”. Giải pháp để thực hiện không dừng ở việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn phải thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát, phản biện của nhân dân.

1 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy là những tấm gương sáng trong chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật

    Trả lờiXóa