Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Tham nhũng, chống tham nhũng - xưa và nay


Nói đến tham nhũng và chống tham nhũng thì ai cũng biết đó là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang tiến hành tranh đấu bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là bằng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu rõ, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.

Thực ra từ ngày xưa con người đã phải đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng cũng không kém phần cam go và quyết liệt. Việc đó, được thể hiện qua các câu truyền khẩu trong dân gian

“…- Trống chèo ai đánh thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng

- Tiền vào cửa quan như than vào lò

- Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ

- Mèo tha miếng thịt xôn xao

kễnh tha con lợn thì nào thấy chi!

- Nén bạc đâm toạc tờ giấy

- Con ơi nhớ lấy câu này:

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan…”
Quan liêu, tham nhũng là hiện tượng xã hội thuộc phạm trù lịch sử, gắn liền với sự ra đời của nhà nước và quyền lực nhà nước. Đúng như câu nói rất chí lý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”.

Chuyện cổ dân gian Việt nam từng kể: Có ông quan tuổi Tý, ngày sinh nhật, hạ cấp mừng thọ con chuột bằng vàng. Bà vợ quan đay nghiến chồng, sao ông không bảo là tuổi Sửu, để được đút lót con trâu bằng vàng, có phải là được nhiều và lớn hơn không!

Lịch sử tiền phong kiến, ngay từ cổ đại cũng đã cho thấy rõ việc tham nhũng và chống tham nhũng. Thời Đông Chu, trong chiến tranh Ngô (Phù Sai) - Việt (Câu Tiễn) đã có chuyện đút lót hối lộ giữa Ngũ Tử Tư và Phạm Lãi mà của đút lót là nàng Tây Thi, nguyên cớ làm cho nước Ngô sụp đổ tan tành.

Tham nhũng vắt qua, chạy dài theo lịch sử loài người, ở nơi nào cũng có, dù ở mức độ khác nhau. Không chỉ các nước tư bản mà ta đã biết, xã hội chủ nghĩa, nét đặc trưng, là nền kinh tế kế hoạch hóa, nạn tham nhũng cũng đâu có ít. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, chúng ta buộc phải chấp nhận một sự thật đau lòng, quan liêu, tham nhũng là một trong những nguyên nhân đục ruỗng nhà nước, dẫn đến tan rã không thể cứu vãn.

Tham nhũng (biểu hiện dưới các hình thức ăn cắp, hối lộ - nhận hối lộ, đút lót - nhận đút lót, trốn thuế…), tựu trung lại đều nằm ở hai hình thức:

Thứ nhất: Tham nhũng bằng các quan hệ kinh tế (vật chất, tiền bạc, của quý quy ra tiền bạc) do những tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế gây ra. Loại tham nhũng này xảy ra phổ biến ở mọi thời kỳ kinh tế.

Thứ hai: Tham nhũng bằng quyền lực và kết hợp kinh tế với quyền lực. Đây là loại tham nhũng nguy hiểm và tai hại nhất. Loại tham nhũng này xảy ra khi đã có nhà nước. Nhà nước ở trình độ phát triển cao cũng chưa ngăn chặn được mà chỉ hạn chế ở những nhà nước pháp quyền hoàn chỉnh.

Một khi kinh tế kết hợp với quyền lực thì sẽ trở thành sức mạnh vô địch, phá hủy mọi thể chế nhà nước. Cũng chính vì vậy mà những vụ án lớn ở nước ta bị phát hiện trong thời gian đã qua: Vụ Năm Cam có bóng dáng của công an, viện kiểm sát, báo chí, tòa án. Vụ Dầu khí có bóng dáng của thanh tra nhà nước. Vụ MPU 18 cho thấy tổ hợp chạy tiền, chạy chức quyền, hối lộ quy mô lớn. Mới đây nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh càng thấy rõ điều này. Không chỉ dính dáng tới một số cán bộ có chức, quyền ở Trung ương như Bộ Công thương, Bộ Nội vụ mà cả một số quan chức địa phương như tỉnh Hậu Giang…

Chống tham nhũng xưa và nay, khác chăng là ngày nay chúng ta có sự lãnh đạo kiên định của Đảng, nhận diện tham nhũng như quốc nạn. Công tác phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng, đề ra nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách. Vì thế, thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng tin tưởng vào cuộc chiến “diệt giặc nội xâm” này, tham nhũng sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi.

1 nhận xét: