Social Icons

Pages

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Thư gửi ông Bùi Tín!


                         BÀN VỀ CHUYỆN “CŨ”, “MỚI”

   Thưa ông Bùi Tín!
    Mới đây, đọc bài  năm 2017: Bàn về “Cũ”, “Mới”  của ông đăng trên bản tin VOA tiếng Việt của Đài tiếng nói Hoa Kỳ và nghe ông trả lời phỏng vấn một số báo, đài ở hải ngoại, tôi không lấy gì làm ngạc nhiên bởi cái kiểu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam, nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh, kích động dân chúng, nhất là tầng lớp thanh niên xuống đường biểu tình chống đối chế độ, đòi đa nguyên, đa đảng, rồi vu cáo chia rẽ quân đội với công an, chia rẽ công an với nhân dân của ông. 
   Tôi cũng không có ý định tiếp chuyện với ông vì một lẽ: Làm như thế vừa lãng phí thời gian lại chẳng hay ho gì vì những điều ông nói ra toàn là bịa đặt, khiến người nghe cảm thấy nhàm chán, dễ bị hỏng cả cái lỗ tai. Song nghĩ đi, nghĩ lại, thấy thương hại cho ông quá, một kẻ sắp gần đất xa trời (ông sinh năm 1927) mà giờ đây vẫn phải sống tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, lấy nghề bồi bút kiếm kế sinh nhai, thật tủi nhục và xấu hổ với quốc dân đồng bào ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Vì thế, tôi quyết định có đôi lời trao đổi với ông xoay quanh chuyện “Cũ”, “Mới” để làm rõ trắng, đen, đúng, sai.
     Trong bài năm 2017: Bàn về “Cũ”, “Mới”, ông có nói: “Kể từ đó (kể từ hội nghị Thành Đô ở Trung Quốc diễn ra vào cuối năm 1990), công cuộc đổi mới chững hẳn lại, mất đà.., cải cách chính trị bị khóa chặt”. Ông nói như vậy là không đúng, bởi vì công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay chưa lúc nào bị dừng lại và “khóa chặt” cả, mà nó vẫn được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, liên tục, toàn diện, sâu sắc và triệt để trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa và đời sống xã hội. Riêng lĩnh vực chính trị, một trong những vấn đề khá nhạy cảm, Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành đổi mới từng bước thận trọng và đạt được những tiến bộ rõ rệt. Nội dung đổi mới về chính trị tập trung chủ yếu vào đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xác lập cụ thể các mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời đổi mới hình thức hoạt động của bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã hội. Trong các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị thì Đảng là một trong ba bộ phận quan trọng nhất, là lực lượng lãnh đạo toàn xã hội được pháp luật qui định, ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động của Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Như thế, Đảng không đứng trên Hiến pháp và Pháp luật như một số người vẫn rêu rao. Điều cần nói nữa là, ở Việt Nam, chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo toàn xã hội. Điều này do chính thực tiễn lịch sử kiểm nghiệm, sàng lọc và do nhân dân tự lựa chọn chứ không phải do Đảng tự nhận, nên không thể nói là Đảng “độc đoán” hay “Đảng trị” được. Đảng lãnh đạo xã hội bằng nghị quyết thông qua hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở và bằng việc gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, có tác dụng thuyết phục quần chúng noi theo. Đảng không ra lệnh, bao biện làm thay hay lấn sân chức năng nhiệm vụ của Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng khác. Đối với bộ máy Nhà nước, sự đổi mới biểu hiện, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quốc hội là cơ quan cao nhất, đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân. Cũng như Đảng cộng sản Việt Nam, mỗi khi Quốc hội ban hành các nghị quyết quan trọng đều thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng xin ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trước khi trình quốc hội xem xét phê chuẩn. Bởi vậy, các nghị quyết của Quốc hội luôn nhận được sự đồng tình nhất trí cao của cử tri cả nước, sau khi ban hành, các văn bản, nghị quyết đó nhanh chóng đi vào cuộc sống có tác dụng thúc đẩy đất nước phát triển, tiêu biểu như: Hiến pháp 2013 là kết tinh trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc tham gia xây dựng Hiến pháp, một đạo luật gốc của Nhà nước, biểu thị tính dân chủ cao trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời tỏ rõ tính ưu việt của chế độ, kết quả của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân mà toàn đảng, toàn dân, toàn quân chăm lo xây dựng và bảo vệ, do vậy không nhất thiết phải thực hiện nhà nước “Tam quyền phân lập” như ông kiến nghị.
    Một vấn đề nữa, tôi muốn nói, việc ông quy kết: “Cuộc mạn đàm Thành Đô là cuộc đầu hàng và bán nước ô nhục nhất do nhóm lãnh đạo cộng sản Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Phạm Văn Đồng gây nên” đây là lời lẽ xuyên tạc sự thật, vu cáo trắng trợn, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ông biết đấy, thời điểm cuối năm 1990 (cũng là năm ông bộc lộ sự dao động, bỏ Đảng, phản bội lại Tổ quốc trong một chuyến được cử đi công tác ở nước ngoài), khi mà tình hình thế giới có những diến biến phức tạp, Liên Xô đang đứng trước bờ vực của sự sụp đổ, ở một số nước Đông Âu, đảng cộng sản không nắm được chính quyền, có nước chính quyền rơi vào tay lực lượng đối lập. Trong bối cảnh đó, theo lời mời của các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, sang Thành Đô (Trung Quốc) để họp bàn về vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trên cơ sở kết quả của hội nghị Thành Đô, ngày 6/11/1991, tại Bắc Kinh, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười dẫn đầu đã hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc do đồng chí Giang trạch Dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa làm trưởng đoàn. Hai bên đã nhanh chóng đi đến thống nhất cách thức và nội dung bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.Tiếp đến vào cuối tháng 11/1991, là chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) Võ Văn Kiệt theo lời mời của Tổng Bí thư, chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Lý Bằng. Tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh, hai bên ra thông cáo chung tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc... Việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước mở ra điều kiện thuận lợi để Việt Nam tập trung xây dựng, phát triển đất nước, từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận của các nước, nhanh chóng hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc,Việt Nam nhanh chóng ra nhập các tổ chức quốc tế và khu vực như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 28/7/1995, trước đó, ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ BillclinTơn tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày 7/11/2006, Việt Nam tham gia hiệp định thương mại thế giới WTO và trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này. Ngày 2/12/2015 Việt Nam kết thúc đàm phán hiệp định hợp tác thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên, là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam… Việc bình thường hóa quan hệ với các nước và gia nhập các tổ chức quốc tế khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam với phương châm: "muốn làm bạn với tất cả các nước”, “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”, qua đó tạo môi trường hòa bình ổn định, huy động mọi nguồn lực cả ở trong và ngoài nước để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và công cuộc CNH, HHĐH đất nước phát triển, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ hòa bình, tiến bộ xã hội trong khu vực và trên thế giới. Nhờ có đổi mới mà bộ mặt đất nước nhanh chóng khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập quốc dân xếp vào nước có thu nhập trung bình của thế giới, chính trị ổn định, an ninh được giữ vững, là điểm đến an toàn nhất của du khách quốc tế; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng cao. Trong nước, nhân dân luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, khả năng quản lý điều hành của Nhà nước, mối quan hệ giữa ý Đảng và lòng dân ngày càng gắn bó bền chặt cùng nhau đoàn kết, quyết tâm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến đây chắc ông hiểu ý tôi định nói gì rồi chứ? 
      Điều tôi muốn nói là: Cái mà các ông gọi là “Mới” ở Việt Nam chính là mong đợi Việt Nam tan rã như Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 1990, 1991 của thế kỷ XX trước đây, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, thay đổi mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội và chuyển sang đi theo con đường TBCN, thực hiện đa nguyên, đa đảng. Nhưng điều đó đã và sẽ không bao giờ xảy ra như các ông mong muốn. Bởi nếu nhân dân Việt Nam thay đổi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, thì đồng nghĩa với việc sự hy sinh của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ cùng hàng triệu đồng bào trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trở nên vô ích. Hơn nữa, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất thấm thía bài học của Liên Xô và các nước Đông Âu sau khi tan rã, thực hiện đa nguyên, đa đảng đã gây nên bao cảnh hỗn loạn, máu chảy, đầu rơi, bạo lực, khủng bố và chiến tranh sắc tộc diễn ra liên miên, đời sống nhân dân bị giảm sút và chẳng còn ai quan tâm nữa. Mặt khác, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do chính Đảng cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn từ năm 1930 lúc Đảng cộng sản Việt Nam mới ra đời. Từ đó đến nay, trải qua bao nhiêu năm đấu tranh đầy gian khổ hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân hiện đang được hưởng tự do và độc lập, cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc, thì không có lý gì tự nhiên nhân dân Việt Nam lại từ bỏ con đường đi lên xã hội chủ nghĩa - con đường đầy hoa thơm và trái ngọt đó để chọn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa - con đường đầy bất công phi lý, đầy máu và nước mắt. Còn cái mà ông cho là “Cũ” tức là cho đến thời điểm hiện tại, năm 2017, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia trên thế giới đi theo con đường XHCN, vẫn do Đảng cộng sản lãnh đạo, Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN cho nên khiến ông và các thế lực thù địch luôn hậm hực tức tối và tìm mọi cách phá hoại ngăn cản. Nhưng lịch sử xã hội loài người vốn vận động theo qui luật phát triển riêng của nó. Thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, cho nên Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không thể chọn con đường đi ngược lại với quy luật vận động của xã hội loài người được. Hiện nay, trên bước đường đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, Đảng cộng sản, Nhà nước và hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong nước cũng như bà con kiều bào có lòng yêu nước chân chính đang sinh sống ở nước ngoài luôn đoàn kết, thống nhất, tạo thành một khối to lớn mạnh mẽ, cuồn cuộn chảy theo một hướng đã xác định, các thế lực phản động, trong đó có ông như những con thú lạc loài, đám cặn bã trôi nổi cản bước tiến của dòng chảy, nhưng không thể làm đổi được hướng của dòng chảy lịch sử. Các cụ ta có câu : "chó cứ sủa, còn đoàn người cứ tiến”, các ông càng chống phá thì càng chuốc lấy những thất bại thảm hại và nhục nhã, rất mong ông sớm nhận ra chân lý để rồi sám hối trước những tội lỗi của mình đã gây ra cho đất nước, dân tộc, trong đó có tổ tiên gia đình ông.    Chào ông!
                                                                   Thu Duyên

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa