Social Icons

Pages

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

GẠC MA – MÃI LÀ MỘT PHẦN THIÊNG LIÊNG CỦA ĐẤT MẸ VIỆT NAM


                                    NHN
       Dân tộc Việt Nam trong quá trình hình thành, phát triển và mở cõi đã luôn giành sự coi trọng đặc biệt với biển đảo, việc xác lập chủ quyền biển đảo đã có từ rất sớm, nhất là chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
      Hai nhà bác học Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú trong các văn bản chính thống đã chứng minh chủ quyền và quá trình khai thác và làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong sách Phủ Biên Tạp Lục (1777), Lê Quý Đôn viết: "Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần bãi biển. Về hướng đông bắc có nhiều đảo và nhiều núi linh tinh hơn 130 đỉnh... ở trong các hòn đảo có bến Cát Vàng, chiều dài ước chừng hơn 30 dặm... Thời nhà Nguyễn còn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung... một đội Bắc Hải chèo thuyền ra cù lao Côn Lôn... hoặc đi đến các xứ Cồn Tự vùng Hà Tiên để tìm kiếm”…
       Chúng ta cũng có những tấm bản đồ quý từ thế kỷ XV - XVII, gồm An Nam Quốc (Hồng Đức 1490) và Vương quốc An Nam (Alexandre de Rhodes, 1650) cũng biểu hiện khá rõ thềm lục địa, Biển Đông và hải đảo Việt Nam đương thời. Thời Gia Long có hai bản đồ là An Nam Đại Quốc Họa Đồ (Taberd 1838) và Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (1840) thể hiện khá đầy đủ tình hình thềm lục địa, Biển Đông và hải đảo Việt Nam.
      Từ thế kỷ thứ XIX, nhiều nước Phương Tây tiến hành đo vẽ bản đồ thế giới gồm cả 5 châu lục, do có kỹ thuật hiện đại về đo đạc nên có thể coi các tài liệu của Phương Tây về chủ quyền các đảo, quần đảo tại Biển Đông thời kỳ này là tương đối chính xác. Từ thế kỷ thứ XVI, nước Đại Việt cùng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Phương Tây trích dẫn trên hầu hết các bản đồ thế giới hoặc khu vực Đông Á. Trong số hàng trăm bản đồ do Phương Tây thực hiện, hầu hết đều ghi rõ đất nước Việt Nam với các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Prasel là ở Trung Bộ Việt Nam. "Không một bản đồ nào ghi bờ biển Prasel ở Nam Trung Hoa hay Philíppin, Indonesia hoặc Mã Lai. Hiển nhiên, khắp thế giới đều công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”! Đó là chân lý, là bất biến.
         Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, (bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền nhà Nguyễn) hải quân Pháp đã đo đạc và thực hiện vẽ bản đồ một cách chính xác từ bờ biển cho đến các hải đảo nổi trên mặt nước; thuộc quần đảo Trường Sa.
      Như vậy, tiếp cận từ khía cạnh các tư liệu bản đồ, được tiến hành đo đạc, xác lập từ thế kỷ thứ XV (có thể lâu hơn nữa) đã cho thấy những bằng chứng đầy đủ, hoàn chỉnh về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong đó có Gạc Ma là một phần tất yếu nằm trong Trường Sa của Việt Nam!
     Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa một phần của lãnh thổ thiêng liêng của chủ quyền quốc gia dân tộc đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. 30 năm trôi qua sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2017) vẫn còn đó, những mất mát, hi sinh của 64 chiến sỹ vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu được cả dân tộc ghi nhận và vinh danh như những người anh hùng.
Lịch sử khẳng định về bản chất của sự kiện này không phải là “hải chiến” mà là một vụ “thảm sát” của quân đội Trung Quốc đối với một đơn vị bộ đội công binh của Việt Nam đang xây dựng đảo, xác lập chủ quyền hợp pháp. Điều đáng nói và cần phê phán quyết liệt hành động vô lý, phi nghĩa của Trung Quốc với kiểu hành xử cá lớn nuốt cá bé là việc Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới và pháp luật quốc tế, sự ra đi của các anh là mất mát to lớn cho gia đình, quê hương và Tổ quốc. Nhưng đây là sự mất mát đầy tự hào vì họ đã nằm xuống vì Tổ quốc thân yêu, họ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ từng tấc đất, vùng trời vùng biển của đất mẹ Việt Nam.
64 con người, 64 tấm gương sáng ngời của lòng yêu nước, họ ra đi nhưng vẫn còn đó trong trái tim đồng chí, đồng đội, quê hương, dân tộc. Sự hy sinh của họ như tấm thảm trải dài nâng đỡ cho nền hòa bình dân tộc mãi mãi được vẹn nguyên, để Tổ Quốc thân yêu sẽ yên bình mà phát triển. 30 năm đã qua, thân xác của 64 chiến sĩ vẫn nằm trọn nơi họ đã hy sinh để giữ chủ quyền đất nước - họ mãi là những tượng đài bất tử.
        Noi gương các anh, những thế hệ người Việt Nam tiếp nối sẽ luôn vững trí, vững dạ, chắc lòng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma, xin có nén tâm nhang giành cho các anh bày tỏ sự tri ân và cảm phục, những dũng sĩ liệt oanh xả thân vì nghĩa lớn. Lịch sử luôn tự hào và nhớ mãi các anh!

1 nhận xét:

  1. Chúng ta luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

    Trả lờiXóa