Social Icons

Pages

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Bồi dưỡng tinh thần dân tộc trong các học viện, nhà trường hiện nay!


Tinh thần dân tộc là ý thức dân tộc được hình thành và kết tinh trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của bản thân dân tộc, tạo nên ý chí, nghị lực của một dân tộc và được biểu hiện ở các giá trị trong truyền thống văn hoá dân tộc. Tinh thần dân tộc đóng vai trò định hướng cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc, là niềm tin và mục tiêu theo đuổi của dân tộc. Tinh thần dân tộc Việt Nam chính là ý thức dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong suốt tiến trình lịch sử và được biểu hiện ở các giá trị trong truyền thống văn hóa của người Việt. Chính tinh thần dân tộc ấy đã kết nên ý chí và nghị lực giúp cho dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Nói cách khác, tinh thần dân tộc là sự kết tinh và thăng hoa các giá trị truyền thống của dân tộc.

Các giá trị truyền thống được hình thành và tôi luyện trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước mang tính đặc thù của dân tộc ta. Trong quá trình đó, dân tộc ta đã phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết: vừa phải đấu tranh với thiên nhiên hết sức khắc nghiệt, vừa phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Các giá trị đó đã tạo nên, củng cố ý thức và tinh thần dân tộc cho dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình; đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Tinh thần dân tộc là sự kết tinh của các giá trị truyền thống, trong đó tinh thần yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc là hai giá trị truyền thống chủ đạo. Hai giá trị đó gắn bó với nhau hết sức chặt chẽ và làm thành cốt lõi của tinh thần dân tộc. Tinh thần yêu nước là cơ sở để xây dựng tinh thần độc lập dân tộc, nhưng đến lượt mình, tinh thần độc lập dân tộc lại có tác dụng củng cố và phát triển tinh thần yêu nước.Sở dĩ như vậy là vì, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam luôn phải đấu tranh chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài. Nhờ truyền thống yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc mà dân tộc Việt Nam mới tồn tại và phát triển cho đến hôm nay.
Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Người cũng đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao cho nước nhà được độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Mong muốn đó không chỉ là mong muốn cá nhân của một vị Chủ tịch nước, mà còn là mong muốn và ước mơ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, tinh thần dân tộc đó đã được phát huy đến cao độ. Chính vì vậy, dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục bất cứ một thế lực nào. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần dân tộc kết lại thành một làn sóng nhấn chìm tất cả quân xâm lược.Trong điều kiện hiện nay, tinh thần dân tộc vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công cuộc đổi mới của đất nước. Sự phát triển một cách ổn định và nhanh chóng của đất nước đã góp phần khẳng định thêm vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là đã phát huy được tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Các học viện, nhà trường là những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên nhiều lĩnh vực, vì vậy bên cạnh việc đào tạo kỹ năng nghề thì việc giáo dục tinh thần dân tộc có vai trò hết sức quan trọng. Tình thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc sẽ là động lực thôi thúc mỗi sinh viên khắc phục mọi khó khăn, vươn lên lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, thường xuyên đổi mới, sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Về cơ bản, sau quá trình đạo tạo tại các học viện, nhà trường, sinh viên đã được trang bị kiến thức nghề cơ bản, có động cơ trong sáng, có tinh thần đổi mới sáng tạo, sẵn sàng cống hiến trong công việc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã mất phương hướng nghề nghiệp, thụ động, ngại đổi mới, sáng tạo,... Những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thiếu tinh thần dân tộc dẫn đến thiếu khát vọng, ngại khó khăn, bị động, thiếu ý chí vươn lên.
Mặt khác, xu thế mở cửa giao lưu, hội nhập văn hóa ngày càng trở nên sâu rộng, văn hoá Việt Nam đang đứng trước những thời cơ thuận lợi đồng thời phải đối mặt trực tiếp với những thách thức tolớn, liên quan đến sự sống còn của dân tộc. Lịch sử dân tộc ta đã trải qua hai lần hỗn dung văn hoá thành công, lần thứ nhất với văn hoá Trung Hoa (Phương Bắc) và lần thứ hai với văn hoá Pháp (Phương Tây). Tuy nhiên, hội nhập văn hoá hiện nay mang tính chất phức tạp và khó khăn hơn nhiều bởi thời gian hội nhập được rút ngắn, cường độ diễn ra mạnh mẽ và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn. Từ những đặc điểm đó, nhiều nước lớn với ưu thế về kinh tế, tài chính, quân sự, nhất là với những phương tiện hiện đại của truyền thông, đang có ý đồ "xâm lăng về văn hóa", đưa văn hóa nước lớnxâm nhập, lấn át nền văn hóa các nước khác, bên cạnh những yếu tố tích cực kèm theo nhiều yếu tốvăn hóa tiêu cực và độc hại. Thực tế, những mặt tiêu cực, phản giá trị trong quá trình hội nhập đã xuất hiện, làm phai nhạt những giá trị tinh thần dân tộc, xuất hiện lối sống lai căng, hướng ngoại, thiên về hưởng thụ, thể hiện cá tính thái quá, thiếu tính cộng đồng,....
Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục tinh thần dân tộc, cụ thể là các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho sinh viên trong các học viện, nhà trường hiện nay./.
NBT./.

2 nhận xét: