Kêu gọi “Việt Nam không cần chống diễn biến hòa bình nữa”(!)
đang là chiêu bài mới của các thế lực chống cộng, nhưng cũng mê hoặc được không
ít người. Chúng ta cần nhận diện rõ chiêu bài này, để không mắc mưu.
Thủ đoạn mới, mục đích cũ
Từ chỗ phủ nhận sự hiện diện của chiến lược “Diễn biến hòa
bình”, coi đó là “con ngáo ộp” mà Đảng Cộng sản Việt Nam “hù dọa” nhân dân; gần
đây, những người thiếu thiện chí với sự lãnh đạo của Đảng lại khẳng định: “Việt
Nam không cần chống diễn biến hòa bình nữa”(!). Thế là từ phủ nhận, nay lại
thừa nhận, nhưng để dễ bề lừa gạt dư luận và làm cho mọi người mất cảnh giác,
họ nói rằng: “Chiến lược này đã kết thúc sứ mệnh, do các “cựu thù” đã thành đối
tác toàn diện hay đối tác chiến lược của Việt Nam”(!).
Luận điểm này được tuyên truyền rộng rãi trên các trang mạng
xã hội và các phương tiện truyền thông phương Tây, nhất là sau các sự kiện:
Việt Nam và Mỹ tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (tháng
7-2013) trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma lần lượt
đến Hoa Kỳ và Việt Nam trong các chuyến thăm chính thức (tháng 7-2015 và tháng
5-2016). Thêm nữa, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng…” cũng được người ta che giấu mối liên hệ giữa “diễn biến hòa
bình” với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để xuyên tạc rằng: “Hiện nay, Đảng
không còn yêu cầu chống diễn biến hòa bình nữa, mà tập trung vào chống “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên”(!).
Có thể khẳng định ngay rằng, sự thay đổi thái độ nói trên
chỉ là thủ đoạn mới, nhằm thực thi chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong bối
cảnh mới ở Việt Nam có hiệu quả hơn. Thủ đoạn đó rất tinh vi và vô cùng nguy
hiểm, bởi nó sẽ tạo nên sự mơ hồ, mất cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân ta, nhất là những người không biết tường tận về bản chất, thủ đoạn của
chiến lược này. Trên cơ sở đó, họ có thể đạt được mục đích cuối cùng là thủ
tiêu chủ nghĩa xã hội, như chính cựu Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn tuyên bố trong
cuốn sách “1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”. Vì thế, trong khi “thực
hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát
triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của
cộng đồng quốc tế”1, chúng ta phải thường xuyên đề cao cảnh giác,
kiên trì thực hiện phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, kiên quyết làm
thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
Cuộc chiến chống “diễn biến hòa bình” vẫn còn tiếp tục, bởi
các lý do: Trước hết, do mục đích cuối cùng và xuyên suốt mà chiến lược
“Diễn biến hòa bình” đặt ra là xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội vẫn còn ở phía
trước.
Thứ hai, đây là cuộc chiến khó phân biệt chiến
tuyến, nhưng diễn ra một cách dai dẳng, rất quyết liệt, trên mọi lĩnh vực của
đời sống xã hội.
Thứ ba, Việt Nam vẫn đang là một trọng điểm chống
phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.
Là quốc gia đang tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với vị trí địa
chiến lược ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam luôn được các thế
lực thù địch coi là một trọng điểm chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa
bình”. H. Kít-xinh-giơ, nguyên Ngoại trưởng, Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ,
từng nói: “Những người cộng sản Việt Nam đã thắng trong chiến tranh, nhưng họ
sẽ thua trong hòa bình. Trước đây, cộng sản dùng súng để đuổi người Mỹ ra khỏi
Sài Gòn, ngày nay người Mỹ sẽ dùng đô-la để đuổi cộng sản ra khỏi Sài Gòn”2.
Ngay trong Tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (11-7-1995), Tổng
thống Mỹ B. Clin-tơn cũng không giấu ý đồ chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt
Nam, khi nói: “Tôi tin rằng việc bình thường hóa và tăng cường các cuộc tiếp
xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam, như
đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây”. Còn phát biểu tại Trung tâm
Hội nghị Quốc gia, nhân chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma không
quên “gợi ý” Việt Nam thực hiện các vấn đề về nhân quyền, như: “tự do ngôn
luận”, “tự do lập hội”, “tự do biểu tình”,... theo chuẩn mực Mỹ - những thứ mà
các thế lực thù địch vẫn dùng trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống
phá Việt Nam.
Tất cả cho thấy: các thế lực thù địch không từ
bỏ thực hiện “diễn biến hòa bình” với nước ta; và cuộc chiến, theo đó, vẫn tiếp
diễn.
VB./.
Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.
Trả lờiXóaĐấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa