Thời gian gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, trong đời sống thực tiễn hiện nay, tình trạng tham nhũng vặt và những hệ quả của nó trong các vấn nạn xã hội, đang hàng ngày hàng giờ tác động ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của mỗi người dân.
Tham nhũng vặt, nhưng hệ lụy của nó là rất lớn: Một trong những hiện tượng phổ biến trong xã hội mà bấy lâu nay được mọi người đặt cho cái tên là “tham nhũng vặt”. Trước tiên, một trong những hiện tượng mà ai cũng biết đó là: “phong bì” đi trước là “phong bì” khôn. Đây là những phong bì mà người ta vẫn hay chuẩn bị khi đến gặp những người để nhận được sự ưu ái trong giải quyết vấn đề của cá nhân, gí đình, công việc...từ việc đi khám bệnh, việc cấp, đổi chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu, hộ khẩu, sổ đỏ, giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép xây dựng… Tất cả những hành vi vụ lợi này chính là “tham nhũng vặt”.
Hệ lụy của tệ tham nhũng vặt đó là cản trở quá trình luật pháp hóa các thiết chế xã hội và kéo lùi sự phát triển của cả xã hội đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một khi trong xã hội hiện tượng nhà nhà, người người tìm mọi cách lách luật để giành lấy lợi thế cho mình thì đồng nghĩa với việc là phá vỡ quy định: tất cả mọi người dân đều bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay, cả thế giới đang bước vào xu thế toàn cầu hóa về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội… thì Việt Nam vẫn tồn tại tư duy và lối hành xử kiểu “phép vua thua lệ làng”. Như vậy, chính hệ lụy này không những làm chậm quá trình phát triển trong nước, mà còn cản trở cơ hội hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Mục tiêu của Đảng đặt ra là xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhưng “tệ tham nhũng vặt” đã biến những công chức bình thường trở thành “quan” để nhận “tham nhũng vặt” là điều không thể chấp nhận được. Hệ lụy của vấn nạn tham nhũng vặt là hiện tượng vô cảm của những công chức Nhà nước khi cung cấp các dịch vụ hành chính hoặc thực thi các quyền lợi chính đáng của công dân theo kiểu “hành là chính”.
Mặc dù, công cuộc cải cách hành chính được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như “một cửa, một dấu”, “một cửa liên thông”, “tất cả vì sự hài lòng của người dân”… nhưng trong thực tế ở một số nơi, cơ quan đơn vị, người dân để được giải quyết công việc đã phải lót tay, bồi dưỡng. Đã có rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười của người dân khi đến cửa quan được báo chí phản ảnh. Trong đó, vô cảm nhất là việc người dân khi đi làm giấy đăng ký khai tử cho người thân cũng bị nhân viên tư pháp hẹn lên hẹn xuống.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng vặt là trách nhiệm của toàn Đảng, của mọi người dân: Từ những hiện tượng phản ảnh ở trên, mỗi chúng ta những con người có trách nhiệm với đất nước, thiết nghĩ ai cũng phải tự đặt cho mình một đòi hỏi, cần có trách nhiệm với việc đấu tranh, phòng chống “tham nhũng vặt”. Để đạt được mục tiêu này, trước hết chúng ta cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức cho đội ngũ công chức, những người thực hiện giải quyết các công việc của Nhà nước, trong đó có việc phục vụ lợi ích và quyền lợi chính đáng của người dân. Những người đầy tớ của nhân dân cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình, ý thức đúng đắn về quyền hạn và nghĩa vụ là công bộc của nhân dân. Tất cả các trụ sở của cơ quan Nhà nước đều phải kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng, trong đó cần nhấn mạnh đến tệ “tham nhũng vặt”, công khai đường dây nóng để phản hồi về thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phục vụ.
Tuyên truyền rộng rãi về quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, kiên trì rèn luyện cho đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước đức tính liêm chính, chí công, vô tư, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phê phán, lên án, đấu tranh chống mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, trọng liêm sỉ, danh dự và biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí, trong đó có tham nhũng vặt. Tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chú trọng việc nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của người dân, không tiếp tay cho tham nhũng vặt và khuyến khích mọi người dân nêu cao tinh thần phát hiện tố giác mọi cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng vặt. Chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trở thành một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hàng ngày thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lách luật, lựa luật hay bất chấp pháp luật để đạt được mục đích của mình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín… Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những sai phạm của đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước trong công cuộc phục vụ nhân dân. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình và đưa tiêu chí phục vụ thuận tiện, hài lòng cho người dân trở thành một mục trong nhận xét, đánh giá kết quả hoàn thành công việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian tới./.
Cuộc chiến chống tham nhũng được nhân dân hết lòng ủng hộ
Trả lờiXóaTham nhũng nhỏ hay lớn đều phải bị xử lý
Trả lờiXóa