Social Icons

Pages

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Giả dối - thói xấu tệ hại, người cộng sản cần loại bỏ


Một trong những thói quen ứng xử của người Việt là ưa thích sự mềm mỏng, khéo léo, nhã nhặn. Thói quen ứng xử đó có mặt tích cực là dễ tạo thiện cảm với những người trò chuyện, tiếp xúc với mình, nhưng quá coi trọng việc giao tiếp, ứng xử nhã nhặn, nhún nhường theo kiểu “Nói ngọt cũng lọt đến xương” cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho tệ nói dối, nói hão nảy sinh.
Đây chính là mầm mống của bệnh giả dối, một trong những mối nguy hại làm mọt ruỗng phẩm giá cán bộ, đảng viên và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của văn hóa chính trị, văn hóa công vụ.
“Con ma" bệnh giả dối đục thấu, khoét vào cốt tủy con người
Người Việt Nam có nhiều đức tính tốt đẹp, nhưng cũng còn không ít thói hư tật xấu. Một trong những tật xấu đáng quan ngại là thói giả dối. Theo nghiên cứu của GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước KX.04.15/11-15 “Hệ giá trị con người-Hệ giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn mới”, qua khảo sát trên phạm vi cả nước với hơn 5.600 phiếu điều tra, người Việt có 18 phẩm chất tốt (đạt hơn 30% số phiếu trả lời). Cũng theo kết quả điều tra, điều rất đáng suy ngẫm là trong số những tật xấu của người Việt, bệnh giả dối xếp hàng đầu, chiếm tỷ lệ 81% số phiếu điều tra.

Trong di sản văn hóa tiếng Việt của ông cha ta, có nhiều câu ám chỉ, phê phán tệ ăn gian nói dối, thói huênh hoang, huếch hoác của con người như: “Lòng chim dạ cá”, “Xanh vỏ đỏ lòng”, “Ăn không nói có”, “Ba voi không được bát nước xáo”, “Mười thóc không được một gạo”, “Đấu hàng xáo, gáo hàng dầu”, “Khẩu Phật tâm xà”…
Chỉ rõ tác hại ghê gớm của bệnh giả dối, từ năm 1928, chí sĩ Phan Bội Châu cho rằng: “Con ma bệnh giả dối đo đục thấu cao hoang (chỗ trọng yếu trong con người), khoét vào cốt tủy, tay dối lòng, miệng dối dạ, ăn bánh vẽ mà toan đầy bụng, mặc áo giấy mà đi với ma, kết quả không việc gì là việc thật”.
Bị ảnh hưởng của tàn dư xã hội phong kiến và mặt trái của lối sống tiểu nông, thói giả dối đã ăn sâu vào máu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và vẫn chưa được ngăn chặn, loại bỏ trong bộ máy công quyền ở nhiều nơi. Thói giả dối tuy được “ngụy trang” bằng đủ hình thức tinh vi, biến báo bằng đủ chiêu trò khôn khéo, nhưng thật ra không khó nhận diện ở nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đó là tình trạng làm ít, nói khéo để lấy lòng cấp trên; làm dở, nói hay để tránh bị nhắc nhở, phê bình; làm một đằng, nói một nẻo, thậm chí làm láo, báo cáo hay để che đậy thái độ, hành vi thiếu đàng hoàng của mình. Biểu hiện điển hình của thói giả dối trong bộ máy công quyền ở một số nơi là biến tấu linh hoạt nhiều kế hoạch, chỉ tiêu, con số để mang lại lợi ích cục bộ cho tập thể, cơ quan, đơn vị mình. Ví như, khi báo cáo, công bố thực hiện mục tiêu, kết quả công việc với cấp trên thì cố tình đánh bóng thành tích với những mỹ từ có cánh, chủ động “làm đẹp” số liệu nhằm khẳng định sự nỗ lực, bứt phá, vượt khó, sáng tạo của chủ thể. Thế nhưng, khi muốn xin dự án, xin kinh phí, xin hỗ trợ nguồn lực từ trên thì một số nơi lại cố ý kể lể khó khăn, hạ thấp con số hiện thực, sẵn sàng bán rẻ tinh thần, khí khái, lòng tự trọng của chính tập thể mình để lôi kéo, thu vén được càng nhiều vốn liếng, lợi ích của cấp trên càng tốt.
Thời gian qua, chúng ta đã nghe nhiều chuyện cười ra nước mắt, cười mà đau, liên quan đến thói giả dối của một bộ phận “người Nhà nước” và chốn quan trường. Đó là chuyện anh trưởng thôn nọ, chị hội phó phụ nữ xã kia kê khai tài sản gia đình không có gì để mong được đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đó là chuyện “con dê, con bò, con trâu” vốn để dành hỗ trợ cho người dân nghèo nhưng nó “bỗng dưng” lại tìm đường đến nhà… quan huyện, quan xã. Đó là chuyện quan chức ở nhiều nơi, nhiều cấp dù học giả, sở hữu bằng cấp giả, bằng cấp không được cơ quan có thẩm quyền công nhận mà vẫn thăng tiến thật, thậm chí thăng tiến thần tốc trên hành trình quan lộ!
Chuyện kết nạp đảng viên mới là chuyện hệ trọng, liên quan đến vị thế, sứ mệnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thế nhưng, một số cấp ủy, tổ chức đảng do mắc bệnh thành tích-anh em song sinh với bệnh giả dối-đã không coi trọng chất lượng, chạy theo số lượng đơn thuần nên đã đưa vào hàng ngũ của Đảng những người không đủ tiêu chuẩn. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chất lượng đảng viên mới kết nạp ở một số nơi còn thấp, không ít đảng viên dự bị không đủ điều kiện chuyển đảng viên chính thức, phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên, chỉ riêng năm 2017 đã có 2.076 đảng viên dự bị bị xóa tên.    
Có thể nói rằng, bệnh giả dối nếu không được ngăn chặn triệt để thì nó không còn là nguy cơ, mà trở thành ung nhọt, làm mọt ruỗng bản chất cách mạng của Đảng và làm suy thoái thêm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tôn trọng lẽ phải, đề cao văn hóa phản biện vì sự phát triển lành mạnh, tiến bộ
Nhiều cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí và đảng viên chân chính không khỏi chạnh lòng khi biết những năm gần đây, vấn nạn “chạy” diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi đã gây ra biết bao hệ lụy, phiền toái cho thể chế và xã hội. Suy cho cùng, 11 loại “chạy” mà 3 năm qua Trung ương đã chỉ ra (chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm) tích hợp từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một căn nguyên sâu xa là do lòng tham, thói giả dối từ chính cán bộ, đảng viên.
Tuy vậy, một nguyên nhân khác làm cho bệnh giả dối thêm nặng nề, dai dẳng còn xuất phát từ cơ chế, chính sách, chế tài của chúng ta chưa đủ chặt chẽ để loại trừ căn bệnh này ra khỏi bộ máy công quyền. Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cán bộ có chức có quyền vẫn chưa thoát khỏi tư duy hành chính quan liêu, bao cấp, không muốn dứt bỏ cơ chế xin-cho, từ đó dẫn đến tình trạng cấp dưới phải khôn khéo chạy vạy, luồn lách, vuốt ve, nịnh nọt cấp trên để có nguồn lực, kinh phí, lợi ích cho cơ quan, đơn vị mình. Đây chính là cơ hội cho bệnh giả dối tồn tại và lộng hành. Trong khi đó, cung cách lãnh đạo, quản lý nặng về văn bản, giấy tờ, thiếu sâu sát cơ sở, thiếu dân chủ, thiếu minh bạch, cấp trên chỉ thích ngồi nghe cấp dưới báo cáo, cũng khiến cho bệnh giả dối càng thêm trầm trọng.
Phòng ngừa, tẩy chay bệnh giả dối, nói thì dễ, làm thì không đơn giản, dễ dàng chút nào. Nhưng muốn giữ được hình ảnh quang minh chính đại, danh dự, uy tín của một chính đảng cộng sản-một biểu tượng niềm tin của dân tộc-thì nhất thiết chúng ta phải có một cuộc cách mạng về nhận thức và hành động để từng bước loại bỏ bệnh giả dối ra khỏi văn hóa chính trị, văn hóa công vụ và ra khỏi quan niệm, tư duy, hành vi ứng xử, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Trên phương diện lãnh đạo và quản lý, cán bộ các cấp cần coi trọng văn hóa ứng xử trung thực, thẳng thắn, liêm chính, từng bước hạn chế, tránh xa thói giao tiếp ứng xử duy tình, nhẹ lý, chỉ thích nghe những lời nói ngọt, nói hay, nói vừa lòng nhau, mà không trọng những lời cương trực, những ý kiến đóng góp có thể không xuôi tai người lãnh đạo nhưng lại có lợi cho sự nghiệp chung, lợi ích chung. Để làm được việc này, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp phải tự giác nêu gương sáng về đạo đức, lòng tự trọng, sự liêm sỉ; không có những thái độ, cử chỉ, hành vi a dua, cổ vũ cho những kẻ đầu môi chót lưỡi, nói hay, nịnh giỏi và có thái độ thành kiến, trù dập với những người trung thực, thẳng thắn. Phải kiên quyết phòng ngừa cho được tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên sống giả, nói dối lại dễ được cán bộ cấp trên ưu ái, trọng dụng theo kiểu: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt/ Luồn lọt lươn lẹo lại lên lương”.
Mặt khác, phải coi trọng, ủng hộ tư duy phản biện, văn hóa phản biện trong mỗi tập thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cần hiểu tư duy phản biện, văn hóa phản biện theo nghĩa tích cực là làm cho mọi điều trở nên tốt đẹp hơn, chứ không phải lối “biện ít, phản nhiều” khiến tình hình trở nên phức tạp. Bởi thực tế cho thấy, bệnh giả dối đôi khi xuất phát, nảy sinh từ chính những nơi thiếu dân chủ, trên bảo gì dưới nghe nấy, cái gì cấp trên nói cũng cho là đúng, là phải, là tuyệt đối phục tùng một cách thụ động. Khi ở đâu đó cấp trên không muốn nghe cấp dưới nói thật, lãnh đạo không muốn nhân viên góp ý, phê bình thẳng thắn, thì vô hình trung càng làm cho vi rút giả dối tăng thêm năng lực ký sinh vào bộ máy công quyền. Nhưng đó cũng là mầm mống làm manh nha rạn nứt, thậm chí đổ vỡ từ bên trong khi có kiện cáo, lục đục nội bộ xảy ra.    
Muốn giải quyết tận gốc vấn nạn giả dối, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện nếp sống văn hóa mới, tôn trọng sự thật, đề cao văn hóa pháp quyền; từng bước loại bỏ thói cơ hội, xu nịnh; hạn chế kiểu nói năng, giao tiếp lấy lòng, vuốt ve nhau mà thiếu sự trung thực, thẳng thắn cần thiết của một nhân cách đàng hoàng, tử tế. Một trong những nội dung cơ bản của Đề án Văn hóa công vụ mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải đề cao và thực hiện các chuẩn mực đạo đức như trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành, không nịnh bợ lấy lòng người khác vì động cơ không trong sáng.
Có câu châm ngôn “Mật ngọt chết ruồi” với hàm ý lời lẽ, giọng điệu ngọt ngào, quyến rũ thường chứa đựng sự giả dối, nếu không cảnh giác dễ bị sa vào cạm bẫy nguy hiểm. Cũng có câu thành ngữ “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” như muốn khuyên răn con người nên biết tôn trọng những lời nói phải, tiếp thu những góp ý cương trực, cho dù lời nói đó có thể không thuận tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng song mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh.   


2 nhận xét: