Social Icons

Pages

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI NÓI VỀ SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ - TINH THẦN TRONG CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ Ở VIỆT NAM



1. Sức mạnh chính trị - tinh thần của Quân đội và nhân dân Việt Nam bắt nguồn từ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ.
Tác giả Đavít Hôn bec stơn, trong cuốn Hồ, Nxb Random House - New York, xuất bản năm 1971 viết: “Người Pháp - sau này người Mỹ cũng vậy - không hề hiểu rõ cuộc chiến tranh và đối thủ của họ. Họ tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế chống một nước nhỏ hơn. Ngược lại, Việt Nam tiến hành một cuộc chiến tranh vì sống còn. Địch thủ của Pháp - cũng như của Mỹ 20 năm sau - là cả dân tộc Việt Nam” (1)
Trong cuốn “Đông Dương hấp hối” Tướng Nava đã thú nhận: “Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc, trong đó dân tộc ta không hiểu được ý nghĩa của nó đã hoàn toàn không tham dự..” (2).

2. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tướng Nava - Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam trong cuốn “Đông Dương hấp hối” đã viết: “Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự. Thật vậy, uy quyền trực tiếp của họ lan rộng quá nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát, họ cũng có một quyền uy bí mật đánh bại được uy quyền của ta và cho phép họ thu được những nguồn tài nguyên bổ sung rất quan trọng…” (3) . Đồng thời, Nava thể hiện rõ sự khâm phục với “đối thủ đáng kính trọng”, “một lãnh tụ chính trị duy nhất: Hồ Chí Minh và một lãnh tụ quân sự duy nhất - Giáp…” (4).
Trong cuốn “Đông Dương hấp hối” Nava cay đắng thốt lên: “Nhưng than ôi!, tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có người cầm quyền từ đầu đến cuối... Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói đúng hơn: chúng ta chẳng có một chính sách nào cả…” (5).
3. Ý chí quyết chiến quyết thắng - biểu hiện cao nhất của sức mạnh chính trị - tinh thần của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tác giả Giuyn Roa, trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ” xuất bản năm 1963 tại Pari đã viết: “. Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp Pơ giô của Pháp thồ được từ 200 đến 300 ki lô gam, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm ni lông trải trên mặt đất. Tóm lại, tướng Nava không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương” (6).
Tác giả Đavít Hôn béc xtơn, trong cuốn Hồ, Nhà xuất bản Random Hause - New York, xuất bản năm 1971 cũng không dấu sự khâm phục về ý chí quyết thắng, về cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu của Quân đội và nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông viết: “Quân địch ở khắp nơi, ai cũng có thể là địch thủ. Mỗi cần vụ, mỗi người hầu trong nhà, mỗi thư ký là người Việt Nam đều có thể là tay chân Việt Minh cộng sản. Mỗi phụ nữ trong các làng đều có thể là một điệp viên báo cho Việt Minh biết một đội tuần tra Pháp đã đến chỗ nào, bao nhiêu lính, mang súng gì, nhưng không hề nói cho quân Pháp biết điều gì…”(7). Khẳng định sâu sắc hơn về sức mạnh chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, tờ Sao Đỏ (Liên Xô trước đây) ngày 8 tháng 5 năm 1954 viết: “Việc giải phóng cứ điểm (Điện Biên Phủ) chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình” (8).
Ngược lại với tinh thần quyết chiến quyết thắng, tinh thần “Tướng sĩ một lòng” của quân đội Việt Minh thì với tướng lĩnh Pháp, trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ” xuất bản năm 1963 tác giả Giuyn Roa châm biếm: “… Tướng lĩnh Pháp sang chỉ huy Đông Dương có nghĩa là đến sống ở những biệt thự lộng lẫy, ô tô, gái đẹp, hưởng thụ, và xoay sở. Liệu có bao nhiêu cấp sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn của Pháp dám sống kham khổ với quân lính của mình, sống một cuộc sống như kẻ thù đang bao quanh họ, đi bộ trong các cuộc hành quân, vô hình, lặng lẽ và đáng sợ” (9).
4. Kỷ luật tự giác, nghiêm minh; lòng nhân đạo cộng sản - những biểu hiện cao đẹp của sức mạnh chính trị - tinh thần của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tác giả Đavít Hôn bec stơn trong cuốn Hồ, Nhà xuất bản Random Hause - New York, xuất bản năm 1971 viết: “…Nhưng sau tiếng súng cuối cùng một chốc, tôi thấy một sự chu đáo kỳ lạ - lập lại trật tự hoàn toàn. Ở chỗ kia binh lính mang tiểu liên dồn tù binh lại, tập hợp họ thành hàng ngũ và dẫn họ đi. Mọi việc được tiến hành không có một hành động dã man nào và cũng không có sự thương hại. Như vậy, mọi sự phải làm với lòng nhân đạo”(10). Tác giả thốt lên niềm khâm phục sâu sắc: “…Thế là họ đang ở trong một thế giới với những giá trị mới. Tôi đang đối diện với những người địa phương thuộc trật tự của cộng sản. Đây là một cái gì có bản chất tuyệt đối một nghìn lần hơn bất cứ cái gì mà chúng tôi gọi là kỷ luật. Đáng lẽ họ đánh vào đầu mọi người, Việt Minh lại săn sóc những người bị thương khi tiếp nhận tù binh” (11)… Từ lòng khâm phục sâu sắc đó, tác giả đi đến kết luận: “Đó là một chính sách không thể thất bại được, không thể chống lại được, mà kết quả lại càng tốt hơn khi áp dụng vào những kẻ địch xấu nhất, ác độc nhất, kể cả thực dân. Đó là việc giáo huấn để cải tạo những tâm hồn xấu xa…” (12)
Trích dẫn: Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, Nxb Quân đội nhân dân, H.1994 - (1) tr.102; (2) tr 108; (3) tr 112; (4)  tr 113; (5) tr 113; (7) tr 173; (8) tr 171; (9)   tr 133, 134; (10) tr 172, 173; (11), (12)   ttr 171, 172.

1 nhận xét:

  1. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 không những là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới

    Trả lờiXóa