Social Icons

Pages

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc


Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. 94 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú và đa dạng.

Ngày 21/6/1925, Thanh niên, tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, ra số 1.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động... 
Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.
Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930, báo Tranh đấu ra mắt.
Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bônsêvích thành tạp chí lý luận Trung ương của Đảng.
Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí. Báo chí trong những năm 1930-1936 đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.
Báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty-pô số lượng lớn. Có tờ chiếm kỷ lục như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản.
Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn, rồi Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn.
Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra đời.
Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...
Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật, báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân ra đời.
Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản.
Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).
Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước.  Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
(Tr.Q)

1 nhận xét: