Tờ “The Online Citizen” đăng bài của
Bowyer nói rằng Singapore từng đứng cùng phe với chế độ diệt chủng Pol
Pot-Khmer Đỏ vì các toan tính chính trị.
Tờ báo điện tử “The Online Citizen” của
Singapore đã đăng bài của tác giả Brad Bowyer nêu quan điểm đối với vụ đương
kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu không chuẩn về vấn đề Khmer Đỏ
và vai trò của Việt Nam tại Campuchia vào năm 1979 và thập niên 1980.
Trong bài viết bằng tiếng Anh này, tác
giả Brad Bowyer đã dẫn lại các phát ngôn của ông Lý ở diễn đàn Shangri-La cũng
như trên tài khoản mạng xã hội Facebook của vị lãnh đạo này.
Brad Bowyer cũng phản ánh lại các phản ứng
gay gắt từ chính giới và học giả Campuchia trước các phát ngôn của Thủ tướng
Singapore Lý Hiển Long.
Dưới đây là bản dịch (để trong dấu
“<<…>>”) phần tác giả Brad Bowyer thừa nhận sự thiếu nhạy cảm của
Thủ tướng Lý Hiển Long và sai lầm của Singapore trong quá khứ (tác giả này viết
từ góc độ của một người Singapore):
Cho đến nay, chúng ta chưa nghe thấy phản
ứng nào từ Thủ tướng Lý và Bộ Ngoại giao về điều này. Các nhận xét của vị Thủ
tướng của chúng ta không chỉ thiếu nhạy cảm và là điều không được mong muốn –
chúng còn làm nổi bật điều mà tôi coi là khoảng tối trong lịch sử chúng ta, khi
mà chúng ta đứng cùng phe với Pol Pol bất chấp những điều xấu xa mà ông ta đã
phạm phải, chỉ vì theo đuổi các mục đích chính trị khu vực của chúng ta. Chúng
ta (ý nói Singapore – ND) không chỉ công nhận và ủng hộ chế độ Pol Pot về mặt
ngoại giao và bằng các chuyến thăm nhà nước trong thời kỳ ông ta khủng bố;
chúng ta còn tài trợ cho họ, ủng hộ họ nhằm chống lại các nỗ lực giải phóng của
người dân địa phương và của Việt Nam sau khi ông ta bị lật đổ. Chúng ta đã cố gắng
ngăn chặn các trợ giúp nhân đạo và quá trình hợp pháp hóa chính quyền thay thế
của ông Heng Samrin. Theo như tôi được biết, chúng ta còn chưa bao giờ tố cáo
các tội ác tàn bạo mà người ta đã phạm phải trong thời kỳ đó. Những người khác
trên thế giới đã công nhận lỗi lầm của họ khi ủng hộ Pol Pot trong giai đoạn
này. Mặc dù vẫn còn một vài tranh cãi hàn lâm về số lượng người bị giết, bây giờ
không ai phủ nhận rằng chế độ diệt chủng từng xảy ra ở Campuchia và nhiều người
đã hành động để tố cáo công khai chế độ đó bằng hình thức này hay hình thức
khác, nhưng chúng ta thì chẳng làm gì cả. Tôi đã tới một trong các bảo tàng về
chế độ diệt chủng [ở Campuchia – ND] và đây là một trải nghiệm hãi hùng. Bên cạnh
những đống xương cốt người, bạn cũng được chứng kiến tình trạng mà những con
người đó bị giam giữ và tra tấn. Có rất nhiều mô tả chi tiết về những gì đã xảy
ra. Bạn có thể gặp một trong số ít người sống sót tại nhà tù đó và thật khó để
tiếp nhận vào bản thân những trải nghiệm mà họ đã trải qua, khi những người bạn
tù kêu gào và chết dần chết mòn, còn mình thì bất cứ lúc nào cũng có thể trở
thành một nạn nhân tiếp theo. Và tại đó bạn cũng sẽ thấy là người Việt Nam được
xem như những anh hùng giải phóng đối với nhiều người đã sống qua những thời khắc
khủng khiếp đó.
Sau đó, tác giả Brad Bowyer chia sẻ rằng
ông hiểu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và chính phủ ông Lý hiện gặp khó khăn
trong việc thừa nhận những việc làm sai trái của thế hệ trước đây của mình
nhưng đáng lẽ họ phải có sự nhạy cảm ngoại giao để giữ im lặng về vấn đề này chứ
đừng vì bất kỳ lý do gì mà xới xáo lên trang sử buồn đó.
Tác giả cũng bày tỏ hy vọng Singapore sẽ
có những bước đi cần thiết để thừa nhận lỗi lầm này, xin lỗi nước láng giềng
ASEAN này, và cải chính các tuyên bố đã đăng tải trước đó càng sớm càng tốt.
Brad Bowyer cũng đề xuất trong tương lai
hãy “nghĩ 2 lần trước khi phát ngôn về những vấn đề nhạy cảm”.
Bài viết của Brad Bowyer trước đó đã được
đăng trên tài khoản Facebook cá nhân của ông vào hôm 4/6/2019.
Đoạn post đó của Brad Bowyer đã nhận được
rất nhiều “comment” phản hồi ủng hộ từ những người sử dụng Facebook.
Chẳng hạn, công dân mạng Ed Nolan đã cám
ơn Brad Bowyer vì đã soi tỏ vấn đề này. Nolan cho biết, không nhiều người biết
rằng chính Việt Nam là người đã cứu Campuchia khỏi bàn tay đao phủ của Pol Pot.
Vẫn theo Nolan, thậm chí còn ít người hơn nữa biết rằng nhiều nước như là Mỹ và
Trung Quốc đã sát cánh với chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Trong khi đó người dùng facebook Rajesh
Ram Singh nhận xét rằng Singapore chỉ là một chấm nhỏ và không nên làm việc
“lay thuyền”. Người này cũng đề cập đầy ẩn ý đến các báo cáo dự đoán khả năng
kinh tế Việt Nam sẽ vượt kinh tế Singapore.
Facebooker Lauschke Amy thì tin rằng diễn
văn của Thủ tướng Lý Hiển Long là do các học giả tại Văn phòng Thủ tướng
Singapore viết và ông Lý đã không nghĩ nhiều về các vấn đề này rồi cứ thế phát
biểu nguyên xi những gì mà người khác đã viết cho ông.
Ông Lý Hiển Long nên có lời xin lỗi Việt Nam vì câu nói sai sự thật của ông
Trả lờiXóa