Social Icons

Pages

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

Phát huy dân chủ trong xây dựng chi bộ


Dân chủ là đòi hỏi khách quan trong quá trình lãnh đạo của Đảng; là vấn đề mang tính nguyên tắc trong tổ chức thực hiện sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thường xuyên phát huy tốt dân chủ chính là chìa khóa vạn năng để gắn kết sức mạnh của toàn Đảng nói chung, mỗi tổ chức đảng nói riêng nhằm tạo nên sự thống nhất trong nhận thức, ý chí và hành động.

Đối với các tổ chức đảng, phát huy dân chủ là một nhân tố đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ, là biện pháp đấu tranh phòng, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực tiễn tại các chi bộ cho thấy, hễ bất cứ ở đâu, bao giờ dân chủ được giữ vững và tăng cường, chi bộ tạo lập được một bầu không khí dân chủ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm cao của mọi tổ chức cá nhân thì ở đó không còn hiện tượng quan liêu, độc đoán, vô kỷ luật và các biểu hiện tiêu cực khác. Đồng thời, phát huy được vai trò của quần chúng trong đơn vị tham gia đóng góp xây dựng chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thường xuyên được phát huy mạnh mẽ trên tất cả các mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, việc thực hiện dân chủ ở một số chi bộ hiện nay vẫn còn một số hạn chế như: dân chủ hình thức, xuôi chiều, dân chủ chưa phát huy đầy đủ, còn thiếu những quy định cụ thể để dân chủ thực sự được thực hiện đúng đủ và phát huy hết được vai trò và tính hiệu quả. Một số tổ chức đảng, cán bộ chủ trì còn xem nhẹ, thiếu tôn trọng, lắng nghe ý kiến tập thể. Thậm chí còn có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, làm cho đảng viên cũng như tập thể ngại nói, ngại đóng góp, tham gia xây dựng, đề xuất ý kiến mà có tham gia thì cũng theo kiểu chiếu lệ, xuôi chiều, thực hiện theo kiểu “cho đủ trách nhiệm”… Để khắc phục những tình trạng trên, làm cho dân chủ thực sự phát huy vai trò và sức mạnh trong xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, mọi cấp ủy, chi bộ cần thực hiện tốt mội số nội dung cơ bản, đó là:
Luôn luôn quán triệt và thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách gắn với thực hiện các quy định về “Thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Cấp ủy, nhất là bí thư, cán bộ chủ trì phải là người luôn gương mẫu thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, có tác phong sâu sát, gần gũi, cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhằm tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người để thực hiện nhiệm vụ được giao. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ”, “phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”.
Mặt khác, đề cao và phát huy dân chủ phải được bảo đảm thực hiện nghiêm túc trên mọi mặt công tác của chi bộ cũng như đơn vị. Từ tham gia sinh hoạt đảng,  tham gia đóng góp, hoàn thiện nghị quyết lãnh đạo của chi bộ cho đến quá trình tổ chức thực hiện, đánh giá, rút kinh nghiệm. Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận nhưng không tranh cãi, khuyến khích ý tưởng, biện pháp sáng tạo, cách làm đột phá. Từ cán bộ, đảng viên, tổ chức quần chúng cùng phát huy vai trò trách nhiệm trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Phát huy dân chủ phải gắn với tự phê bình và phê bình. “Phê bình việc chứ không phê bình người”, đề cao tính thẳng thắn công khai ý thức khắc phục những khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề còn tồn tại. Bằng sự thẳng thắn cởi mở và chân thành, làm cho tổ chức, người được phê bình thấy được và sửa được khuyết điểm của mình.
Phát huy dân chủ còn thể hiện trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng ở chi bộ vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện để mọi sai lầm của cán bộ, đảng viên được sửa chữa và tiến bộ. Điều này đòi hỏi các cấp ủy, chi bộ phải tuân thủ và thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, bảo đảm mọi đảng viên dân chủ tham gia đóng góp ý kiến khách quan, trung thực, không bao che khuyết điểm, không thổi phồng thành tích; làm cho đối tượng được kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật tâm phục, khẩu phục.
KB




1 nhận xét: