Hồ Chủ tịch, lãnh tụ thiên tài của giai
cấp công nhân và nhân dân Việt Nam; người anh hùng giải phóng dân tộc, danh
nhân văn hóa thế giới. Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với
lịch sử quang vinh của dân tộc và của Đảng ta. Tuy Người đã đi xa nhưng tư tưởng,
đạo đức và phong cách của Hồ Chủ tịch vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là những chuẩn
mực để các thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo; đặc biệt quan trọng đối với
đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Phong cách Hồ Chí Minh là một lĩnh vực rất
rộng lớn, bao gồm: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt
lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể,
tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thắm
đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào
lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống
thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu
gương ...
Trong những phong cách tiêu biểu của Người,
phong cách nói đi đôi với làm là nét đặc sắc và có giá trị lý luận, thực tiễn
thiết thực. Phong cách này đcượ hình thành từ tư chất, đạo đức và trí tuệ của
Người; đồng thời, đó cũng là sự hội tụ và lan tỏa của truyền thống nhân văn,
nhân ái, trọng chữ tín, sống có trước có sau của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, theo quan niệm của Bác,
phong cách “nói đi đôi với làm” không chỉ là phong cách mà còn là nguyên tắc đầu
tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng: nói thì phải làm, xây đi cùng với
chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn
coi trọng sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, coi đó là một trong những
nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng. Bản thân Người là tấm gương sáng ngời
về nói đi đôi với làm.
Trong bài giảng “Tư cách một người cách
mệnh” trong tác phẩm Đương Cách mệnh. Bác viết:
“Tự mình phải: Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kêu ngạo.
Nói thì phải làm”[1].
“Nói thì phải làm” là thể hiện sự thống
nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Đối
với mỗi người, để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với việc làm phải
có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua chính mình. Có nhận thức đúng nhưng
không vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm.
Để nói đi đôi với làm, còn cần có sự cố
gắng, bền bỉ và quyết tâm, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ,
khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng
không thể thành công được.
Nói đi đôi với làm thể hiện bằng công việc,
với kêt quả cụ thể. Kết quả công việc là thước đo sự cống hiến của mỗi người. Với
các cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo thì lời nói đi đôi với việc làm lại càng
quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương
để quần chúng noi theo.
Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của
sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công chức, nêu
gương trước nhân dân. Trong thực hành đạo đức “một tấm gương sống còn có giá trị
hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Theo Người, về bản chất “nói đi đôi với
làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là
biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa
lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và
hành vi đạo đức của mỗi người.
Tư tưởng của Người về “nói đi đôi với
làm” được thể hiện ở 3 vấn đề sau:
Một là, nói phải đúng chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được xuyên tạc, nói
sai. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Đảng trong toàn bộ
tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối
cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân
làm theo cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có niềm tin vào mục
tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, dù trải qua những tình huống phức tạp, những
bước ngoặt hiểm nghèo, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền
độc lập dân tộc và xây dựng xã hội tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hai là, nói đi đôi với làm, không được
“nói một đàng làm một nẻo”. Theo Bác, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm
được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo.
Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi
nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến
khó. Cán bộ phải nói đi đôi với làm, nói trước làm trước. Không được nói nhiều
làm ít hoặc nói mà không làm.
Ba là, không được hứa mà không làm. Lời
hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây chính là hành động,
là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện; đưa chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từ việc nhỏ đến việc lớn mang
ý nghĩa thiết thực.
Đối với Đảng ta, Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng
phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành
thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói
suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 2,
Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 281.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa