Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

SOI RỌI TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” VÀO VẤN ĐỀ RÈN LUYỆN TƯ CÁCH VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY


Trong cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Người đã để lại một di sản đồ sộ. Kho tàng di sản mà Người để lại phải kể đến những bài viết, bài nói trong quá trình hoạt động thực tiễn rất phong phú của Người. Một trong các tác phẩm đó là “Sửa đổi lối làm việc”. Có thể nói, đây là cuốn sách gối đầu giường của những người cộng sản. Kể từ khi tác phẩm ra đời, tuy lịch sử đã và sẽ có nhiều thay đổi mà ngay trong nhận thức của mỗi chúng ta cũng khó hình dung được, nhưng một điều chắc chắn được khẳng định là “Sửa đổi lối làm việc” ngày càng thể hiện giá trị lý luận và thực tiễn, càng khẳng định sự tồn tại của nó song hành cùng với sự trưởng thành của cách mạng và sự trưởng thành của mỗi người cán bộ, đảng viên nói riêng.
Sự quan tâm thường xuyên đến vấn đề đạo đức là nét nổi bật trong nhân cách của Hồ Chí Minh – là đặc trưng của Người. Đạo đức, tư cách đã ngấm sâu trong máu thịt của Người, vì thế, không phải ngẫu nhiên khi huấn luyện lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam vào những năm 1925, 1926, 1927 Người đã đặt 23 điều tư cách người cách mạng lên trang đầu cuốn sách “Đường cách mệnh”. Những điều tư cách đó đến nay vẫn là những chuẩn mực về đạo đức, tư cách của người cách mạng. Cũng phải thấy rằng, thế giới biết đến Hồ Chí Minh không chỉ vì Hồ Chí Minh là lãnh đạo kiệt xuất, không chỉ vì Người là tiêu biểu cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế  mà còn vì Người là hiện thân của những đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc Việt  Nam, đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, thương yêu người lao động.
Nói đến đạo đức Hồ Chí Minh, theo chúng tôi nên trở lại đôi nét cội nguồn của vấn đề này. Cho đến nay, có rất nhiều ý kiến bàn thảo trong các hội nghị, hội thảo và vẫn chưa có giấy, sách nào ghi hết những nội dung xung quanh vấn đề này. Song, chung quy lại có thể thấy đây là phẩm chất chẳng phải ngẫu nhiều có được mà nó được bắt nguồn từ truyền thống quê hương, gia đình. Chính thân phụ, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cho Người những bài học đạo đức, nhân cách đầu tiên. Đạo lý làm người đã sớm đi sâu vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung- người thanh niên Nguyễn Tất Thành và theo Người đến trọn đời. Thậm chí trước khi nhắm mắt về cõi vĩnh hằng Người còn dặn dò: “Tôi để lại muôn vàn tình thương cho các cháu thanh niên, các cháu thiếu niên nhi đồng...”. Như vậy, có thể nói không phải điều gì xa lạ mà chính là quê hương, gia đình đã có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, tư cách của Người.
Cội nguồn đạo đức, tư cách Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ sự kết hợp tinh hoa những giá trị đạo đức của nhân loại. Hồ Chí Minh đến với Lê nin, lúc đầu chưa phải sự cảm nhận của Người về Lênin là vị lãnh tụ vĩ đại của nước Nga, là Người kế tục sự nghiệp của Các Mác, mà cảm nhận đầu tiên, sự hấp dẫn đầu tiên có lẽ vì thấy ở Lênin một đạo đức cao cả: coi thường xa hoa, khinh ghét cường quyền, có nếp sống giản dị, trong sáng, yêu lao động, yêu thương người nghèo khổ...
Vốn xuất thân từ một gia đình nho học và bản thân Người lúc nhỏ cũng được theo học nho học nên những triết lý chủ yếu thuộc lĩnh vực đạo đức của Khổng giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm đến Người và trong suốt cuộc đời, Người nhiều lần nhắc đến vấn đề đó. Người tìm thấy ở Khổng giáo sự hấp dẫn là đề cao sự  tu dưỡng bản thân. Người tìm thấy ở Phật giáo sự cuốn hút đó là việc nhắc nhở con người luôn làm điều thiện. Là người đã từng đi khắp bốn phương, có trí tuệ xuất chúng, lại ham học hỏi, ham hiểu biết và khám phá để tự tìm cho mình con đường đi riêng, Người cũng tiếp cận nhiều trường phái khác nhau và tìm thấy ở tôn giáo Giê-su sự bác ái cao cả; ở Tôn Dật Tiên sự quan tâm tới những quyền lợi  cơ bản của con người đó là dân sinh, dân trí và dân chủ (Chủ nghĩa Tam dân); Người thấy tất cả các học thuyết đó từ Khổng Tử, Thích Ca, Giê su đến Lê nin đều có chung điểm tương đồng là đạo đức và Hồ Chí Minh chính là sự hoà đồng tiếp sau của những giá trị đạo đức đó.
Vấn đề rèn luyện tư cách và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong “Sửa đổi lối làm việc”.
Nước ta là nước nông nghiệp lạc hậu, nhân dân ta trên 90% là nông dân lại trải qua giai đoạn dài lâu dưới chế độ phong kiến, rồi thuộc địa nửa phong kiến. Trong bối cảnh Cách mạng Tháng Tám mới thành công, nhân dân ta vừa thoát khỏi xiềng xích nô lệ, Đảng ta, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng chế độ mới từ hai bàn tay trắng trong khi ảnh hưởng của những tập tục lạc hậu, tàn dư của chế độ cũ vẫn hằn sâu trong nếp sống, nếp nghĩ và tư duy của mỗi thành viên, cho dù thành viên đó là cán bộ, đảng viên. Những ảnh hưởng đó mà chủ yếu là ảnh hưởng tiêu cực đã có từ lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ có thể được khái quát như sau:
Một là, lề thói của người sản xuất nhỏ, với nếp nghĩ, tầm nhìn và việc làm manh mún, thiển cận, rời rạc theo cảm tính.
Hai là, đầu óc nặng về địa phương chủ nghĩa, cục bộ, bản vị, bè cánh và tôn sùng chủ nghĩa cá nhân.
Ba là, sự trì trệ, bảo thủ, chậm tiếp thu...
Phải nói rằng Hồ Chí Minh luôn thấu hiểu những điều đó và xem đây là những khuyết điểm khó tránh khỏi. Người cho đó là những nguyên nhân của hàng loạt các bệnh phổ biến thường gặp trong thực tiễn, Người đã thẳng thắng chỉ ra và gọi đó là: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh tỵ nạnh... Người cho rằng: trong quá trình thực hiện khó tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyểt điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, nó ngấm vào trong đoàn thể. Vậy người cán bộ, đảng viên do không phải từ trên trời sa xuống mà ở trong quần chúng mà ra nên trong quá trình thực hiện phận sự có khuyết điểm là điều dễ hiểu. Vấn đề cơ bản theo Người là dám nhận khuyết điểm, không vì thế mà kinh sợ miễn là ta thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm cách chữa.
Như vậy, tuy là lãnh tụ, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhưng chỉ trên cơ sở thật am hiểu tình hình, sâu sát thực tế, gần gũi với cấp dưới, có lòng bao dung, nhân từ như người cha, người ông mới có thể thấy và nói được điều này. Giá trị thực tiễn và tính nhân văn của vấn đề rèn luyện tư cách, đạo đức cách mạng trong “Sửa đổi lối làm việc” là ở chỗ đó.
Trong xã hội thực dân, phong kiến, không ít quan điểm đề cao tài mà xem nhẹ đức, thậm chí không cần đức. Với Hồ Chí Minh, đức, tài phải là 2 tiêu chuẩn không thể thiếu. Người thường vận dụng câu nói của Khổng Tử “đức giả bản giả”, “tài giả mạt giả” có nghĩa đức là cội nguồn, tài là ngọn cành. Người làm cách mạng có đức mà không có tài không làm được điều gì, như ông bụt ngồi trên chùa không giúp gì được cho dân, cho nước. Ngược lại, có tài mà không có đức, vô dụng lại có hại. Giữa tài và đức thì đức phải là gốc rễ. Người cán bộ, đảng viên ví như cây, cây không có gốc, rễ sẽ không có căn bản, cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?
Vậy đạo đức, tư cách người cách mạng là gì? Như trên đã nói, là người quan tâm thường xuyên đến vấn đề đạo đức, nên đạo đức luôn được Người nhắc tới. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh đã khái quát một cách đầy đủ nhất quan niệm về đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên. Đạo đức, tư cách ở đây hoàn toàn không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà ngược lại rất cụ thể, thể hiện một cách nhìn chứa đựng sự khái quát những giá trị tinh hoa về đạo đức của nhân loại, tuy là cao cả song rất đỗi giản đơn mà đã là người trong tổ chức thì ai cũng có thể thực hiện được. Đó là sự tận tuỵ vì lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Với đạo đức, tư cách  người cán bộ, đảng viên, ngoài cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ra, lần này trong “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chí Minh lại khái quát những đức tính tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên thể hiện ở 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Theo Người thì Nhân là thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào, vì thế mà kiên quyết chống lại những gì có hại cho đoàn thể, có hại cho nhân dân; Nghĩa là ngay thẳng, không tư tâm, không làm điều việc bậy, không giấu giếm tổ chức, ngoài lợi ích của tập thể không có lợi ích riêng phải lo toan; Trí là đầu óc trong sạch, sáng suốt, biết xem người, xem việc, biết tìm phương hướng mà đi, mà làm; dũng là dũng cảm, có gan làm, gan chịu, gan sửa chữa, có gan chống lại những vinh hoa phú quý không chính đáng, khi cần có gan hy sinh tính mạng mình cho đoàn thể, cho Tổ quốc, Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình, làm việc gì cũng quang minh chính đại.
Những vấn đề về nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm nêu trên, với Hồ Chí Minh phải chăng là sự vận dụng và phát triển những đức tính cao đẹp như phú quý bất năng dâm, bần tiện bắt năng di, uy vũ bất năng khuất của người quân tử được đề cập  nhiều trong nho giáo trước đây.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong thực tiễn không ít cán bộ, đảng viên ta đã tự xa rời mục tiêu lý tưởng, xa rời những chuẩn mực đạo đức, tư cách của người cách mạng. Ngày nay, nền kinh tế đất nước có sự tăng trưởng, xã hội ngày càng phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực, những thành tựu thì những mặt tiêu cực, những mặt trái của nó cũng bộc lộ và tác động sâu sắc đến các mối quan hệ xã hội, đến nhận thức chính trị – tư tưởng trong nhân dân nói chung và trong cán bộ, đảng viên nói riêng. Không ít người chạy theo lối sống thực dụng chủ nghĩa, sùng bái đồng tiền, tôn thờ quyền lực, sa đoạ trong lối sống, tệ tham nhũng đang là nỗi  nhức nhối... Những tiêu cực đó làm phức tạp và khó khăn thêm cho sự quản lý, lãnh đạo, điều hành của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương và nguỵ hại hơn là làm tha hoá đội ngũ cán bộ đảng viên, xói mòn và có thể đi đến mất niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi như chính Người đã từng nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa”.

1 nhận xét: