Social Icons

Pages

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Khi bảo vệ chủ quyền, có cần tỏ ra thù hằn và hoảng loạn?

Đầu tháng 07/2019, TQ đã đưa một số tàu khảo sát, tàu hải cảnh đến quấy rối, thăm dò các mỏ dầu tại vùng biển bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của VN. Trong 2 tuần đầu tiên, giới chống đối đã lợi dụng diễn biến này để làm 4 việc - là tung tin giả, đòi thay đổi đường lối đối ngoại theo hướng “thân Mỹ - thoát Trung”, kích động biểu tình, và tuyên truyền chống Nhà nước. Trong 4 hoạt động tuyên truyền đó, hoạt động kích động biểu tình chưa đạt được hiệu quả như trong mùa hè 8 năm vừa qua. Cụ thể, trong nước chưa phát sinh biểu tình, cuộc biểu tình mà Dân Làm Báo phát động ở Texas chỉ có 10 người tham gia, duy có cuộc biểu tình do nhóm “Zombie Nguyễn” phát động ở Tokyo và Osaka là thu hút sự chú ý của dư luận.

Để lấp liếm thất bại đó, sang tuần thứ 3, giới chống đối đã thay đổi phương thức tuyên truyền.
Về phương diện tình cảm, họ đánh đồng “lòng yêu nước” với tinh thần bài TQ cực đoan và các cuộc biểu tình chống TQ. Từ đó, một mặt, họ viết rằng biểu tình chống TQ chưa nổ ra không phải là do họ không dám phát động; mà là do “lòng yêu nước” suy giảm vì bị Nhà nước “ngăn cấm”, bị xã hội “thờ ơ”. Mặt khác, họ viết rằng Nhà nước VN đã “phản bội dân tộc” khi vẫn giữ quan hệ ngoại giao và kinh tế bình thường, thay vì thể hiện rõ sự thù địch với TQ, trong thời điểm VN đang bị TQ xâm phạm vùng biển.
Về phương diện lý lẽ, họ đang tuyên truyền về 3 chủ đề.
Một, là việc hai chính phủ Việt - Trung vẫn giữ mối quan hệ ngoại giao thân thiện, và sự hợp tác giữa nhiều cơ quan, đơn vị, trên cơ sở ý thức hệ chung.
Hai, là việc Nhà nước VN giữ chủ quyền bằng cách “trao cờ cho ngư dân bám biển”, thay vì chỉ dùng quân đội.
Ba, là việc Nhà nước VN từng “đàn áp”, “bắt bớ” các cuộc biểu tình “chống TQ”.
Trong chủ đề thứ nhất, giới chống đối đòi bãi bỏ quan hệ ngoại giao thân thiện, dựa trên ý thức hệ chung, giữa Đảng Cộng sản, chính phủ, quân đội, công an… của hai nước Việt - Trung. Họ cũng đòi Chủ tịch nước lên tiếng về vụ Tư Chính, đòi Chính phủ VN kiện TQ ra tòa án quốc tế về luật biển, tăng cường công kích TQ trước dư luận quốc tế. Các thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự tiếp tục đòi cấm các doanh nghiệp TQ tham gia đấu thầu dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.
Về việc này, Nguyễn Ngọc Chu liên tục viết 3 bài. Chu gợi ý rằng thay vì chia đường cao tốc Bắc - Nam làm 8 gói thầu lớn, và chỉ mời thầu các doanh nghiệp nước ngoài có vốn lớn và kinh nghiệm lâu năm, Bộ Giao thông - Vận tải nên cắt con đường ra làm nhiều dự án nhỏ, để mời các doanh nghiệp VN tại địa phương tham gia đấu thầu làm từng đoạn.

Ngoài ra, trong chủ đề này, giới chống đối cũng công kích phát biểu hôm 30/07 của Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, rằng “vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu” giữa VN và TQ là “tâm nguyện của nhân dân và quân đội” hai nước.
Ngày 04/08/2019, Carl Thayer đưa tin rằng số tàu TQ ở bãi Tư Chính đã tăng từ 35 lên 80. Hiện giới chống đối đang tập trung lan truyền thông tin này, để công kích rằng Chính phủ VN chưa có phản ứng thích đáng.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, thể chế chính trị và độc lập dân tộc là 2 vấn đề khác nhau. Thực tế lịch sử đã cho thấy VN có thể giữ độc lập dân tộc trong khi vẫn áp dụng cùng một thể chế chính trị với TQ, không tỏ thái độ thù địch với TQ, và tiếp tục học hỏi TQ. Chẳng hạn, dù mọi triều đại phong kiến của VN đều xây dựng chính quyền theo mô hình Nho giáo, đều học tập các giá trị văn hóa của TQ, và đều giữ giao hảo với TQ sau chiến tranh, họ không thất bại trong việc bảo vệ nền độc lập. Ở nước ngoài, người Nhật giữ được độc lập nhờ giao thương, học hỏi phương Tây, chứ không phải nhờ đóng cửa trước phương Tây và tỏ ra thù địch. Gần hơn, vào thời Chiến tranh Lạnh, nước nhỏ Mông Cổ vẫn giữ được nền độc lập nhờ biết cân bằng quan hệ với 2 nước xã hội chủ nghĩa khác, là TQ và Liên Xô.
Thêm nữa, nếu nói sao chép mô hình chính trị là “bán nước”, thì chẳng khác gì nói rằng VN Quốc dân Đảng đã “bán nước” cho TQ khi sao chép chủ nghĩa Tam Dân, và Ngô Đình Diệm đã “bán nước” cho Vatican khi định áp đặt cho cả miền Nam một ý thức hệ mang nặng màu sắc Công giáo.
Thứ hai, cần đánh giá quyết tâm giữ nước của Chính phủ VN dựa trên hành động và hiệu quả trong thực tế, thay vì trên vấn đề “ý thức hệ”. Số liệu thực tế cho thấy thành tựu bảo vệ chủ quyền biển của VN không thấp. Chẳng hạn, theo báo cáo của chính phủ Mỹ, thì vào năm 2015, VN đã kiểm soát 48 điểm trên quần đảo Trường Sa, cao gấp đôi so với năm 1990. Trong khi đó, ở quần đảo Trường Sa, TQ chiếm 8 điểm, Đài Loan chiếm 1 điểm, Philippines chiếm 8 điểm, Malaysia chiếm 5 điểm.
Riêng trong “vụ Tư Chính”, hiện TQ chưa cắm được thêm bất cứ dàn khoan nào trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN. Trong khi đó, các giải pháp ngoại giao của VN đã khiến Mỹ và Nhật bày tỏ lo ngại về vụ việc, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ việc, và EU lên tiếng “ủng hộ quan điểm của VN về căng thẳng ở Biển Đông. Nếu giới “dân chửi” đồng ý rằng VN cần bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, thay vì bằng vũ lực đơn phương, thì họ cần thừa nhận rằng Chính phủ VN đang làm khá tốt.
Thứ ba, việc TQ tăng gấp đôi lượng tàu ở bãi Tư Chính có thể xuất phát từ 1 trong 2 nguyên nhân. Một, là số tàu cũ không đủ để khiến hải quân VN rút lui, hay khiến VN từ bỏ ý định bảo vệ chủ quyền bằng ngoại giao đa phương và luật quốc tế. Hai, là TQ đang tung hỏa mù, khiến các bên liên quan dồn mọi sự chú ý vào bãi Tư Chính, và không chú ý đến nước cờ thật của họ trên Biển Đông. Họ từng làm điều tương tự vào năm 2014, khi khiến dư luận dồn sự chú ý vào dàn khoan HD-981, trong lúc họ xây đảo nổi ở Trường Sa. Trong cả 2 trường hợp vừa nêu, VN nên bình tĩnh quan sát toàn cảnh và giữ nước cờ riêng của mình, thay vì hoảng loạn đáp trả những đòn khiêu khích của đối thủ.
Khi giới “dân chửi” kích cho dư luận thù hằn TQ và hoảng loạn trước “vụ Tư Chính”, họ có ít nhất 2 động cơ.
Thứ nhất, họ muốn đánh thẳng vào tính chính đáng của Nhà nước VN - thứ đặt nền tảng trên 2 cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, họ muốn VN lệ thuộc vào Mỹ trong cuộc chiến chống TQ, và thay đổi chế độ theo mô hình Mỹ, giúp vị thế chính trị của họ gia tăng.
Đây là 2 động cơ vị kỷ, và có thể mâu thuẫn với nhu cầu độc lập của dân tộc, cùng nhu cầu an toàn của dân chúng.
Nguyễn Hoàng

1 nhận xét: