Social Icons

Pages

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

Đào tạo cán bộ song song hai yêu cầu có đức, có tài

Nói đến đào tạo cán bộ, bao giờ Bác cũng nhấn mạnh song song hai yêu cầu “có đức, có tài”. Đến khi viết Di chúc, Bác lại nhấn mạnh việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng, vừa chuyên”. Bác dặn rất cụ thể: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi Chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Năm 1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải trau dồi phẩm chất chính trị, tránh bị gục ngã bởi “viên đạn bọc đường”. Tới những ngày cuối đời, khi hình dung sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mối lo lớn của Người lại cũng vẫn là đạo đức, phẩm chất của mỗi cán bộ, đảng viên. Tháng 6.1968, khi làm việc với các cán bộ có trách nhiệm của Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách Người tốt việc tốt, Người đã cảnh báo nguy cơ dễ mắc phải sau chiến thắng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chính vì vậy, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức phải làm thường xuyên, liên tục. Trong thời bình, nội dung quan trọng hơn cả là giáo dục đạo đức, phẩm chất, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên, để mỗi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải xác định là người lãnh đạo, người phục vụ, người đầy tớ của nhân dân.

1 nhận xét: