Social Icons

Pages

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Thông tin phiến diện, sai lệch về giáo dục cũng là biểu hiện suy thoái


Ít có lĩnh vực nào được xã hội, người dân quan tâm như lĩnh vực giáo dục. Cũng ít có hoạt động nào mà lại liên quan mật thiết đến mọi người, mọi nhà như hoạt động giáo dục. Nói đến giáo dục là nói đến triển vọng và trăn trở của một đời người, tương lai và nỗi lo của cả gia đình, tiền đồ và thử thách của toàn dân tộc.
Triển vọng, tương lai, tiền đồ lớn hay nhỏ; trăn trở, nỗi lo, thử thách nhiều hay ít của nền giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố tuy vô hình nhưng lại có tác động đến sự ổn định, phát triển của giáo dục, đó chính là niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục.

Vậy, đâu là yếu tố then chốt để giáo dục tạo dựng, thu hút, lan tỏa niềm tin trong xã hội? Chắc chắn đó chính là những chuyển biến đồng bộ, những kết quả tiến bộ, những thành tích rõ nét trong lĩnh vực giáo dục từ bậc mầm non đến đại học; từ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đến các hoạt động dạy, học, kiểm tra, thi, đánh giá kết quả, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo. Một thành quả đáng ghi nhận là trong hai năm học gần đây (2017-2018 và 2018-2019), 100% thí sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn Vật lý, Toán học, Hóa học, Sinh học, Tin học đều đoạt huy chương. Năm học 2018-2019, Việt Nam lần đầu tiên có hai đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được vào top 1.000 đại học hàng đầu thế giới và 7 đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á. Cả nước hiện có gần 550 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài giữa 85 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 258 cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Con số định lượng bao giờ cũng dễ nhìn nhận, nhưng giá trị định tính thì không dễ “cân đong đo đếm”, nên có ý kiến cho rằng, giáo dục Việt Nam vẫn lạc hậu, chưa theo kịp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới. Do chỉ nhìn thấy một số hiện tượng tiêu cực xảy ra trong thời gian qua, như: Lạm thu, bạo lực học đường, gian lận thi cử… trong giáo dục, nên có ý kiến nhận định ngành giáo dục liên tiếp bị rơi vào trạng thái “khủng hoảng truyền thông” khiến cho giáo dục Việt Nam vẫn ở tình cảnh loay hoay tìm lối thoát (!).
Tiếc thay, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề như vậy chưa công bằng, thấu đáo. Chưa công bằng ở chỗ là chỉ nhìn một số hiện tượng tiêu cực, bất cập trong hoạt động giáo dục rồi phủ nhận những nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục. Chưa thấu đáo ở chỗ là mới nhìn bề mặt mà chưa đánh giá đúng bản chất, chiều sâu vấn đề giáo dục ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ, nhiều phương diện.
Vốn là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới giáo dục đã xuất hiện nhiều ý kiến phong phú, đa chiều, thậm chí có cả những tranh luận, phản biện đến mức “nảy lửa”. Điều đáng nói ở đây là cái tâm, cái tầm của người tham gia ý kiến, phản biện. Nếu người có tâm đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng, giàu tri thức và am hiểu về lĩnh vực, chuyên ngành tham gia tranh luận, góp ý trên tinh thần thiện chí, xây dựng vì lợi ích chung, thì chắc chắn đó là những “lời nói gói vàng”.
Còn những ai chạy theo bề nổi của dư luận, thích nổi tiếng trong đám đông bằng những phát ngôn trái chiều, chưa tìm hiểu cặn kẽ, thấu đáo vấn đề phản biện rồi vội vàng đưa ra ý kiến, phát biểu theo cảm tính chủ quan, thì dễ làm dư luận hiểu sai lệch bản chất vấn đề, gây nhiễu thông tin và không có lợi cho việc củng cố, tăng cường sự đồng thuận xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Việc “thông tin phiến diện, một chiều, thổi phồng khuyết điểm” về tình hình đất nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục, cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra.


1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa