Bất chấp phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc
vẫn thúc đẩy bằng được yêu sách 'đường 9 đoạn' để tham vọng độc chiếm Biển
Đông.
“Đường lưỡi bò” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những
ngày qua sau khi một bộ phim hoạt hình công chiếu tại các rạp chiếu phim ở Việt
Nam đã để lọt “vài giây” hình ảnh đường đứt đoạn mang tên “lưỡi bò”.
Dù chỉ là “vài giây” nhưng đó là cả một chiến lược có chủ ý
của quốc gia láng giếng Trung Quốc khi trước đó, họ từng “cài” hình ảnh “đường
lưỡi bò” trong những tấm hộ chiếu, bộ đồ chơi trẻ em, áo thun, phim ảnh, nội dung
thể thao… Phải nhìn vào lịch sử và những toan tính của Trung Quốc thì sẽ thấy,
vì sao họ phải “khổ công” để đưa “đường lưỡi bò” xuất hiện khắp mọi nơi.
Tham vọng “nuốt trọn”
Biển Đông
Theo GS. TS. Luật sư Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên
cứu Khoa học Biển và Hải đảo, vấn đề Biển Đông cũng như tham vọng độc chiếm
Biển Đông đã được Trung Quốc lên chiến lược và “lập trình” từ rất lâu và được
phôi thai ngay từ khi thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949) với
tham vọng vươn lên làm bá chủ thế giới.
Để đạt được tham vọng này, Trung Quốc phải trở thành cường
quốc biển, phải độc chiếm và thống trị Biển Đông - kho tài nguyên thiên nhiên
(hải sản và khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy) giàu có và tuyến hàng hải
quan trọng nhất của thế giới. Vì vậy, ngay trong tuyên bố của mình năm 1958,
khi ban hành Luật về Lãnh hải, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc
có chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa” (trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam).
Tuy nhiên, mãi đến năm 2009, Trung Quốc mới chính thức lộ rõ
tham vọng độc chiếm Biển Đông thông qua việc đệ trình lênLiên Hợp Quốc tấm bản
đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Theo đó, Trung Quốc đưa ra
yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện
tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn
Scaborough.
Các nhà quan sát nhận định, đây là bước đi tiếp theo của
Trung Quốc nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông của nước này. Đây cũng
là “bàn đạp quan trọng” để Trung Quốc tiến hành một loạt các hành động cải tạo
phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trên đó nhiều
công trình dân sự và quân sự quan trọng nhằm “kiểm soát hoàn toàn” một trong
những vùng biển quan trọng nhất thế giới không chỉ về địa chính trị, quân sự mà
còn cả thương mại, hàng hải và hàng không.
Để bao biện cho hành vi và tham vọng đầy sai trái của mình,
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cho rằng, việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông
là “hoàn toàn hợp pháp” vì những bãi đá này nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung
Quốc đã đề ra yêu sách chủ quyền dù yêu sách này không hề được cộng đồng quốc
tế công nhận mà thậm chí còn bị phản đối gay gắt.
Hơn thế nữa, Trung Quốc còn khẳng định, các công trình mà
nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích dân sự
như nghiên cứu khoa học, thăm dò địa chất, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển
dù những hình ảnh vệ tinh do Mỹ cung cấp cho thấy, Trung Quốc nhiều khả năng đã
triển khai các hệ thống pháo phòng không và hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS)
trên tất cả 7 đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thậm chí từng công khai tuyên bố:
“Việc xây dựng các công trình quân sự là cần thiết và chủ yếu để phục vụ mục đích
phòng ngự và tự vệ. Đây là hành động hợp pháp”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Cảnh Sảng cũng lên tiếng khẳng định, việc nước này xây dựng các công
trình và cơ sở phòng ngự trên các đảo nhân tạo là “điều hoàn toàn bình thường”.
Có thể nói, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp và phản ứng
của cộng đồng quốc tế để hoàn tất bằng được hành động cải tạo đảo phi pháp ở
Biển Đông cho thấy, nước này muốn từng bước khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn”
phi lý của mình. Thông qua hành động trên, Trung Quốc muốn chứng tỏ nước này
đang kiểm soát thực tế các khu vực tranh chấp, tạo thuận lợi cho Trung Quốc về
dư luận và phần nào về pháp lý nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường 9 đoạn”.
Rào cản từ phán quyết
của PCA
Tuy nhiên, Trung Quốc không ngờ rằng, yêu sách “đường 9
đoạn” hòng độc chiếm Biển Đông của mình lại bị cản trở sau khi Philippines kiện
nước này lên Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ kiện Biển Đông. Giới quan sát
nhận định, khi công khai yêu sách “đường 9 đoạn” hồi năm 2009, Trung Quốc đã
tính đến khả năng bị kiện ra các cơ quan trọng tài quốc tế, trong đó có PCA.
Dù vậy, Trung Quốc tự tin “nắm đằng chuôi” khi theo thông
lệ, việc kiện ra Tòa Trọng tài Quốc tế phải có sự chấp thuận của cả hai phía
trong khi ngay từ đầu, Trung Quốc đã khẳng định sẽ không tham gia vụ kiện này
và sau đó cũng lên tiếng bác bỏ phán quyết của Tòa.
Theo TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính
phủ, Philippines đã tính toán kỹ lưỡng và tìm ra một “khe hở” dù rất nhỏ để đi
đến thắng lợi cuối cùng trong vụ kiện này, đó là Philippines kiện về việc Trung
Quốc giải thích áp dụng sai quy định UNCLOS. Điều này xuất phát từ việc Trung
Quốc đã đưa ra những quan điểm pháp lý để bao biện cho những yêu sách chủ quyền
phi lý của mình.
Phán quyết của PCA ngày 12/7/2016 đã bác bỏ tính pháp lý của
yêu sách “đường 9 đoạn” đồng thời lên án các hành vi trái phép của Trung Quốc
trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực thi quyền đánh cá trên Biển Đông.
Đây được coi là “đòn giáng mạnh” vào tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc
khi nước này sau đó vấp phải áp lực rất lớn của cộng đồng quốc tế trong việc
cần nghiêm túc thực thi phán quyết của tòa.
Điều này đã khiến Trung Quốc buộc phải thay đổi chiến lược
của mình. Theo đó, Trung Quốc đã không còn công khai nhắc đến yêu sách “đường 9
đoạn” trên truyền thông quốc tế như trước đây. Dù vậy, giới quan sát cảnh báo,
Trung Quốc không dễ gì từ bỏ tham vọng của mình.
Thay vì thế, việc tuyên truyền về “đường 9 đoạn” và những
tuyên bố chủ quyền sai trái khác của Trung Quốc được nước này thực hiện một
cách tinh vi hơn thông qua các hình thức kín đáo hơn như lồng ghép trong các
tác phẩm văn hóa mà nước này truyền bá ra thế giới.
Mới đây nhất, bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết
bé nhỏ" do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc)
đồng sản xuất đã bị khán giả phát hiện có cảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của
Trung Quốc được cài cắm trong một số cảnh phim và ngay lập tức bị thu hồi và
dừng chiếu ở Việt Nam.
Điều này cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng
độc chiếm Biển Đông của mình. Chính vì thế, các nước khác, dù có có liên quan
trực tiếp hay không có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông vẫn cần phải luôn
tỉnh táo trước những hình thức truyền bá chủ quyền sai trái mới của Trung Quốc
cũng như cần lên tiếng kịp thời để ngăn chặn Trung Quốc đạt được mục đích của
mình./.
Lợi dụng các nước đang phải tập trung dồn mọi nguồn lực để đối phó với đại dịch Covid 19; Trung Quốc lại thực hiện một chuỗi những “hành động hung hăng” trên Biển Đông nhằm giành thế áp đảo trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Việt Nam kịch liệt lên án các hành động của Trung Quốc và kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Trả lờiXóa