Năm nào cũng vậy, dù
công bố vào thời điểm nào, Báo cáo hằng năm về tình hình tự do báo chí toàn cầu
của Ủy ban Bảo vệ ký giả quốc tế (CPJ) cũng đều có chung sự thiếu thiện cảm, hồ
đồ, xuyên tạc, bóp méo, chống phá vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam. Đương nhiên,
Báo cáo công bố năm 2019 mới đây cũng không là ngoại lệ, bởi nó vẫn chứa đựng
cái nhìn ác ý, hằn học, dã tâm kích động, chống phá…
CPJ VÀ NHỮNG CÁI NHÌN LỆCH LẠC, HẰN HỌC
Ủy ban Bảo vệ ký giả (Committed to Protect Journalists -
CPJ) được thành lập năm 1981, tại New York, Mỹ. Khi mới thành lập, CPJ đề ra
tôn chỉ, mục tiêu “thúc đẩy tự do ngôn luận trên toàn thế giới thông qua hoạt
động bảo vệ quyền đưa tin và nền tự do báo chí trên cơ sở tôn trọng sự thật
khách quan”. Thoạt nghe, ai cũng tin vào những điều tốt đẹp, hướng thiện, công
bằng của CPJ. Nhưng thực tế thì sao? Suốt gần 40 năm tồn tại, ngày càng thấy rõ
sự biến tướng của tổ chức này, đặc biệt trong việc nó bị lũng đoạn nhằm phục vụ
mưu đồ chính trị, với những nhận xét về các vấn đề lớn của nhiều quốc gia, đặc
biệt là nhân quyền, tự do báo chí một cách vô lối, xuyên tạc, áp đặt, thiếu
khách quan, công bằng.
Thử điểm lại một vài ví dụ bất chợt trong các báo cáo qua
nhiều năm khác nhau để xem cái nhìn lệch lạc, phiến diện, hằn học, dã tâm của
CPJ đối với tình hình tự do báo chí tại Việt Nam ra sao.
Ngày 10/2/2008, CPJ ra cái gọi là “Bản phúc trình về tình
trạng đàn áp ký giả trên khắp thế giới trong năm 2008”, trong đó có nội dung
xuyên tạc rằng Việt Nam đã “đàn áp nhiều ký giả, những người viết nhật ký trên
mạng (tức blogger), ngăn chặn mọi trang web hoặc vô cớ bắt giam và thu hồi thẻ
nhà báo của một số phóng viên”...
Ngày 14/2/2013, CPJ vu vạ rằng, Việt Nam nằm trong top 5
quốc gia cầm tù ký giả nhiều nhất trên thế giới. Theo CPJ, “các nhà báo bị bỏ
tù tại Việt Nam chủ yếu vì bị cáo buộc tội “chống phá nhà nước” - một trong
những tội danh mà Việt Nam thường dùng để trấn áp những tiếng nói chỉ trích
Chính phủ”.
Ngày 8/12/2014, CPJ quy kết rằng, “Chính phủ Việt Nam nên chấm dứt việc sử dụng
các đe dọa pháp lý để bịt miệng các blogger độc lập và hãy bắt đầu bảo vệ quyền
tự do báo chí được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam”.
Mới đây nhất, đầu tháng 9/2019, CPJ “sáng tác” trong Báo cáo
rằng, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí nhiều nhất. Chiều
12/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định rằng: “Chúng tôi
hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, dựa trên những thông tin không
chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong Báo cáo nói trên. Tại
Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được
quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản Luật liên quan. Việt Nam
đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận
trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân
trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam,
tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động hận thù…”.
Rõ ràng, trong hầu hết các báo cáo của CPJ, nhiều thông tin
bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn tình hình Việt Nam đã được đưa ra, đều nhắm đến
sự kích động, gây nhiễu loạn, chống phá đất nước ta, rằng “Việt Nam đàn áp dân
chủ, nhân quyền hoặc bịt miệng đối lập”. Đây là dã tâm có chủ đích, xuyên suốt
qua nhiều năm, với cái nhìn lệch lạc, hằn học, bịa đặt, vu khống, áp đặt đầy ác
ý.
NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ PHẢN BÁC!
Rõ ràng, vấn đề tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói
riêng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Chỉ hơn 1 năm sau ngày
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa đã thông qua Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều, trong đó, quyền tự do
ngôn luận được Hiến định ở Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn
luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú,
đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Tiếp đó, tại các Hiến pháp sửa đổi vào năm
1992 và năm 2013, quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam luôn được đề cao, bảo đảm,
tôn trọng. Điều 25 Hiếp pháp 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực
hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hay như trong các luật được ban hành
thời gian gần đây, như Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm
2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)…, vấn đề tự do ngôn luận luôn được tôn
trọng và bảo đảm.
Thực tế là kể từ khi hòa mạng Intenet toàn cầu vào ngày
1/12/1997, Việt Nam liên tục thiết lập những kỷ lục mới, bảo đảm quyền tự do
ngôn luận, báo chí, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tìm kiếm, trao đổi, thụ
hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt… của người dân cả trên các phương
tiện truyền thông đại chúng, cũng như truyền thông xã hội. Người dân Việt Nam
có thể truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế giới; có thể bày tỏ
mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ
tục, giá trị nhân văn, đạo đức… của mình trên mạng xã hội hằng giờ, hằng ngày,
thông qua việc viết bài, đăng ảnh, video clip. Riêng lĩnh vực báo chí, hiện cả
nước có 868 cơ quan báo in, báo mạng điện tử đang hoạt động, phản ánh trung
thực, sinh động, khách quan, toàn diện sự phát triển của đất nước trên tất cả
các lĩnh vực…
Thế nhưng, trong lịch sử phát triển của mình, Việt Nam luôn
phải đối mặt với các phần tử, thế lực thù địch trên nhiều mặt trận khác nhau,
trong đó có vấn đề tự do báo chí nói riêng, tự do ngôn luận nói chung. Các thế
lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, vu
khống về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Ngay như ngày
3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 362/QĐ-TTg, Phê
duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, cũng bị
các thế lực thù địch, phản động vu vạ rằng, Việt Nam kiểm soát chặt báo chí,
không có tự do báo chí… Trên thực tế, đây là quyết định đã được chuẩn bị từ
lâu, kỹ lưỡng, phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới. Quy hoạch báo chí
nhằm chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại
hóa, thông tin phiến diện, chú trọng mặt trái, tiêu cực… trong xã hội, thiếu
tính giáo dục, thậm chí phản tác dụng, lan truyền những điều xấu. Rõ ràng, việc
tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí tại Việt Nam là để báo chí
hoạt động chuyên nghiệp, lớn mạnh hơn, bắt kịp sự phát triển của báo chí thế
giới…
Thế nên, những thông tin mà CPJ đưa ra mới đây là hết sức vô
lối, không hề có cơ sở tin cậy! Điều này càng dễ hiểu hơn, khi chính Tổng thống
Mỹ Donald Trump, ngày 18/2/2017, đã giận dữ viết rằng: “Truyền thông tin tức
giả (do các cơ quan báo chí lừng danh của Mỹ như New York Times, NBCNews, ABC,
CBS, CNN xuất bản) không phải là kẻ thù của tôi, đó là kẻ thù của người dân
Mỹ!”.
Vấn đề quan trọng khác, phải nói rõ rằng, CPJ thường xuyên
cố tình “đánh lận” giữa nhà báo với các blogger, rồi vu vạ rằng Việt Nam đàn
áp, bỏ tù các nhà báo. Thực chất, tại Việt Nam, việc người dân sử dụng mạng xã
hội, các phương tiện truyền thông xã hội để bày tỏ quan điểm, chính kiến, tâm
trạng, nghĩ suy của mình là hết sức dễ dàng, thoải mái mà không gặp phải bất kỳ
sự cản trở, ngăn cấm gì. Cũng như các quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ, việc
các blogger chịu trách nhiệm trước pháp luật quốc gia mình về những gì đăng tải
trên mạng xã hội là đương nhiên. Và khi vi phạm, việc bị xử lý là hết sức
thường tình. Thế nhưng, CPJ thường xuyên “đánh lận” giữa blogger và nhà báo, để
rồi đặt điều sai trái trong những báo cáo của mình về tình hình tự do báo chí ở
Việt Nam. Đó là sự không sòng phẳng, ẩn chứa nhiều dã tâm kích động, chống phá!
Đáng nói, Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (được Đại
hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết 271A (III), ngày
10/12/1948) cũng khẳng định rằng: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và
biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm
kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện
truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Với mỗi quốc gia, dân tộc,
những sự kế thừa, phát triển, vận dụng, tuân thủ các giá trị của bản Tuyên ngôn
có sự khác nhau nhất định, bởi đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…
là không giống nhau. Nhưng có một điểm chung bắt buộc là, các quyền tự do ấy,
phải trong khuôn khổ pháp luật, như chính Điều 29 và Điều 30 của Tuyên ngôn quy
định. Thế nên, không thể có một luật pháp nào có thể áp dụng chung cho mọi quốc
gia. Và đương nhiên, nếu vi phạm thì việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
là điều không thể chối cãi!
Trước những thông tin sai sự thật một cách có chủ đích, kéo
dài, dã tâm kích động, chống phá của CPJ nói riêng, các thế lực thù địch, phản
động nói chung; mỗi người dân khi tiếp cận cần tỉnh táo, cảnh giác, sàng lọc,
thẩm định để tránh bị lợi dụng, lôi kéo, kích động dẫn đến có những hành động
bột phát, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ khối đại
đoàn kết toàn dân…/.
Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.
Trả lờiXóa