Hôm nay là ngày sinh của cụ Chu Văn An, một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần
Cụ tên thật là Chu An (1292-1370) còn được gọi là Chu Văn Trinh, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Có sách ghi cụ thi đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ), lại có ý kiến khác cho rằng cụ không đỗ đạt gì.
Đời vua Trần Minh Tông, cụ Chu Văn An được mời ra giữ chức Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám. Đến đời Trần Dụ Tông, cụ từ chức về ở ẩn tại Làng Kiệt Đặc, Huyện Chí Linh, Hải Dương, làm nhà ở giữa hai ngọn núi Kỳ Lân-Phượng Hoàng và mở trường dạy học.
Ít năm sau khi lên ngôi, vua Trần Dụ Tông có chỉ triệu cụ Chu Văn An hồi triều nhưng ông từ chối. Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, có mời nhưng cụ chỉ về Kinh chúc mừng, rồi trở lại núi cũ, không nhận chức tước.
Sau khi cụ Chu Văn An mất, cụ được triều đình truy tặng tước Văn Trinh Công, được ban tên thụy là Khanh Tiết và thờ ở Văn Miếu
Cụ Chu Văn An là một người thầy mẫu mực trong lịch sử đất nước ta. Trước thời Trần, có biết bao nhiêu người thầy với những cống hiến lớn lao, và các triều đại về sau lại càng nhiều những bậc tôn sư đạo cao đức trọng, thế nhưng không ai có thể so sánh được với cụ Chu Văn An.
Cụ đã dạy các lứa học trò từ bậc cao nhất cho đến lớp học trò bình thường ở nông thôn.Là thầy ở Trường Quốc Tử Giám dạy con em các vua quan. Cụ đã mở một trường tư nhỏ tại huyện Thanh Đàm, lấy tên là trường Huỳnh Cung. Tuy trường nhỏ nhưng đã thu nạp hàng ngàn môn sinh đến chật cửa. Chính từ trường Huỳnh Cung này mà cụ Chu Văn An nức tiếng, được Vua mời về Quốc Tử Giám.
Nội dung dạy học của cụ ngày nay không còn được biết đến một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn cụ đã nỗ lực giảng giải học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng – Mạnh dần dần chiếm thế độc tôn.
Như chúng ta đã biết dưới thời Lý cũng như thời Trần, đạo Phật là Quốc giáo. Nhiều vị vua đi sâu vào Phật học và có những lý thuyết riêng cho Phật giáo Việt Nam, dân chúng cũng rất mộ Phật.
Để làm cho Nho học có một vị trí lớn trong giáo dục thời bấy giờ không phải là điều đơn giản, nhưng cụ Chu Văn An đã làm được điều này, khiến cho mọi tầng lớp vua quan sùng Nho về sau đều biết ơn cụ
Về phương pháp dạy học, cụ Chu Văn An có một phong cách đặc biệt hấp dẫn, khiến cho mọi người đều phải kính nể, tôn phục Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép :
“An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học.
Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê"
.Có giai thoại kể rằng, cụcó người học trò vốn là Thủy thần, đã biến hình để xin được vào trường học. Câu chuyện khó tin, nhưng lại khẳng định: cái đức và cái tài của cụ Chu Văn An khiến quỷ thần cũng phải tìm đến để xin thụ giáo. Hơn ai hết, chỉ riêng cụ Chu Văn An mới có được câu chuyện về đạo đức siêu trần này
Ngày nay, khi nhắc đến Chu Văn An, chúng ta thường liên tưởng tới “Thất trảm sớ” với nội dung xin chém 7 nịnh thần
. Rất tiếc cho đến nay nội dung tờ sớ đó không ai biết, có thể lúc đó bọn gian thần đã hủy đi để bịt miệng dư luận hoặc ai đó hủy đi để bảo vệ ông cũng nên. Còn vua Dụ Tông thì hoảng sợ, không đủ quyền lực để ra tay.
Sinh thời, cụ Chu Văn An luôn luôn được dân chúng ca ngợi về phẩm chất thanh cao tuyệt vời của cụ .Cụ được tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời. Sau khi cụ qua đời, triều đình đã đưa cụ vào thờ ở Văn Miếu, xem cụ ngang hàng với những bậc Thánh hiền ngày xưa.
Cụ Chu Văn An là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam
Trả lờiXóa