Social Icons

Pages

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

CỤC BỘ, BÈ PHÁI TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ - HỆ LUỴ VÀ GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ là căn bệnh rất nguy hiểm, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, nhận diện và kiên quyết đấu tranh, loại bỏ “căn bệnh” nguy hiểm này, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu, uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề cấp bách hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời đánh giá cao vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (1). Quá trình lãnh đạo cách mạng, Người đã sớm phát hiện những “lỗ hổng” và hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Trong đó, “cục bộ, bè phái” là “căn bệnh” rất nguy hiểm, gây mất đoàn kết trong Đảng, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, dẫn đến suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay, căn bệnh này đã và đang len lỏi, biến hóa rất tinh vi trong thực hiện nguyên tắc, quy chế, quy định, quy trình của công tác cán bộ. Và có thể nhận diện rõ, như: tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, “hậu duệ”, “đồ đệ”, “địa phương chủ nghĩa”, “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”, v.v. Điều đó dẫn đến việc xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ sai lệch, nảy sinh cơ hội, tham nhũng và nhiều căn bệnh khác nguy hại cho Đảng, cho tổ chức, v.v. Dễ nhận thấy là, hành vi trái nguyên tắc, vi phạm dân chủ, đề cao cá nhân, độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, thậm chí biến cơ quan thành “gia đình trị”, để rồi xuất hiện những “cấp ủy nội tộc”, “chi bộ dòng họ”, “ủy ban dòng họ A”, “cơ quan bộ của tỉnh B”, ngành của “biển số xe C”, v.v. Điều đó tất yếu làm nảy sinh các hành vi: xu nịnh, tâng bốc, bao che khuyết điểm, dìm người tốt, người thẳng thắn, trung thực; thậm chí vi phạm nguyên tắc trong bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm bằng các hành vi vận động hành lang, vận động dòng họ, vận động không bầu cho cán bộ luân chuyển từ địa phương khác đến, rỉ tai, mua chuộc, ép buộc, đe dọa những người không a dua theo; cất nhắc, bổ nhiệm những người thân quen không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, rồi bao biện “cho nợ tiêu chí”, “bồi dưỡng sau, vừa làm vừa bồi dưỡng”, v.v.
Những biểu hiện trên của “căn bệnh” này là rất nguy hại, làm chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết, mất niềm tin của cán bộ vào tổ chức, xa rời quần chúng nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ” (2); đồng thời, nó chính là căn nguyên thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm mất sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, làm suy yếu Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng.
Tính chất nguy hại của tư tưởng, biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ còn là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận thành tựu của công tác xây đảng nói chung, công tác cán bộ của Đảng ta nói riêng. Đặc biệt, trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách đưa ra những luận điệu phản động, tuy không mới nhưng với tần suất cao hơn, tinh vi và xảo quyệt hơn, như: “cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa qua chỉ là cuộc đấu đá, thanh trừng lẫn nhau giữa các phe cánh trong Đảng Cộng sản Việt Nam”, “chủ trương không có vùng cấm, không có ngoại lệ chỉ là khẩu hiệu suông”, “hạ bệ được quan tham này, thì quan tham khác lại xuất hiện”, v.v. Đây là những luận điệu vô cùng nguy hiểm, đánh vào ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Những biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhận thức sai lệch về công tác cán bộ của Đảng, sự chi phối bởi lợi ích, nhất là về quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng và sự lợi dụng chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, để đấu tranh, loại bỏ triệt để những biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay cần phải được tiến hành đồng bộ, quyết liệt; trong đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về tính chất nguy hại của biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ, cùng những giải pháp, cách thức phòng ngừa, đấu tranh. Đây là giải pháp quan trọng, không chỉ nâng cao vai trò tiền phong, bản chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên của Đảng, mà còn khơi dậy và phát huy vai trò, trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với căn bệnh nguy hại - “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ được giao trọng trách tiến hành công tác cán bộ của Đảng. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chuẩn bị tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, để công tác chuẩn bị nhân sự cán bộ cho nhiệm kỳ mới đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, lựa chọn được các đồng chí thực sự tiêu biểu về tài, đức vào vị chí lãnh đạo, không có biểu hiện “cục bộ, bè phái”, các cấp, các ngành phải tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; trọng tâm là, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, nhất là những nội dung trực tiếp ngăn chặn biểu hiện “cục bộ, bè phái”, như: tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý khi có người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột) là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ. “Nghiêm cấm các hành vi: Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ”(3). Để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần quan điểm “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị” hiện nay. Từ đó, chuyển biến về nhận thức, đấu tranh kiên quyết ngay từ trong suy nghĩ, tư tưởng, đến hành động của mỗi cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ được giao trọng trách tiến hành công tác cán bộ.
Hai là, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các khâu, bước, quy trình công tác cán bộ. Trên thực tế, tình trạng “cục bộ, bè phái” thường tiềm ẩn trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động của cả người được giao trọng trách làm công tác cán bộ và cả phía cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng của công tác cán bộ; thường nảy sinh ngay trong quá trình tiến hành các khâu, các bước trong quy trình công tác cán bộ. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng luôn chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, xây dựng được quy chế, thực hiện nghiêm quy chế, quy định, xây dựng hệ thống tiêu chí cán bộ một cách đồng bộ, chuẩn hóa, thì ở đó công tác cán bộ bảo đảm chất lượng, không có hiện tượng mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ và ngược lại. Do đó, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng có vai trò hết sức quan trọng trong khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh trong công tác cán bộ. Trong đó, các cấp, các ngành và địa phương cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư, cấp ủy cấp tỉnh, huyện không là người địa phương; luân chuyển cán bộ, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ,… góp phần khắc phục tư tưởng, biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát, giám sát nhằm khắc phục tư tưởng cục bộ, bè phái trong các khâu, các bước quy trình công tác cán bộ. Đây là giải pháp quan trọng, có có ý nghĩa trực tiếp khắc phục biểu hiện “cục bộ, bè phái” khi mới nảy sinh. Khi cơ chế và công tác kiểm soát, giám sát càng chặt chẽ, đầy đủ thì nguy cơ, biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ sẽ được hạn chế, loại bỏ. Theo đó, cấp ủy đảng, trước hết là ủy ban kiểm tra các cấp, từ Trung ương đến địa phương, cơ sở phải phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm trong sàng lọc, phát hiện những biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ. Phải kiểm soát quyền lực một cách thực sự, chặt chẽ, kết hợp kiểm soát từ bên trong và kiểm soát từ bên ngoài; chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ. Đồng thời, cần có cơ chế và chú trọng phát huy vai trò phản biện dư luận xã hội, ý kiến của nhân dân thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, trong tiến hành công tác cán bộ. Đây là một trong những kênh, biện pháp rất quan trọng góp phần ngăn chặn tệ “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ.
Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy. Công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cấp ủy đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng đóng vai trò quyết định đến sự thành công của công tác cán bộ nói chung và trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ nói riêng. Vì vậy, cùng với việc chấp hành nghiêm điều lệ, quy chế, giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy phải trung thực, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, khắc phục ngay trong mình những biểu hiện cục bộ, địa phương, “cánh hẩu”, né tránh, nể nang, ngại va chạm. Phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen. Thực hiện đúng đắn, đầy đủ những nội dung trong Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có công tác cán bộ. Kiên quyết không bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân; để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi.
Căn bệnh “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ hiện nay biểu hiện hết sức tinh vi, gắn chặt với những căn bệnh chạy chức, chạy quyền, lợi dụng, lạm dụng quyền hạn, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, v.v... Do đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và hệ thống chính trị cần phải có quyết tâm cao, kiên trì, dũng cảm và có nhiều phương thức, biện pháp kiên quyết đấu tranh khắc phục nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, toàn Đảng luôn đoàn kết, thống nhất, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, hoàn thành sứ mệnh và xứng đáng là người lãnh đạo đất nước, dân tộc trong tình hình mới.

1 nhận xét: