Xuất phát từ yêu cầu của xã hội hiện nay và trên cơ sở những hạn chế như đã chỉ ra, trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam dựa trên đổi mới sáng tạo, xin được kiến nghị một số biện pháp sau:
Một là, về nhận thức.
Các cấp quản lý, các ngành và các chủ thể quản trị quốc gia phải thấy được ý nghĩa sâu sắc giữa tuyên bố và thực hiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách thực chất. Đổi mới sáng tạo không thể chỉ dừng ở khuyến nghị mà cần có hành động. Các biện pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN, trong người dân, các tổ chức nghề nghiệp và trong bản thân hệ thống quản trị quốc gia cần được hiện thực hóa theo lộ trình và nguồn lực thực tế đi kèm. Ý chí lãnh đạo, tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo phải trở thành yếu tố thường xuyên trong tư duy và hành động của hệ thống chính trị các cấp. Các chủ thể quản trị quốc gia, trong đó nòng cốt là hệ thống chính trị, cần trở thành hạt nhân cổ vũ khát vọng đổi mới sáng tạo của các chủ thể khác trong xã hội. Cùng với đó, bản thân các DN, người dân và tổ chức nghề nghiệp cũng cần thấy sứ mệnh trực tiếp của mình trong thực hiện đổi mới sáng tạo để góp phần vào phát triển đất nước. Sự gặp gỡ giữa ý chí lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhất quán của hệ thống chính trị với sự sẵn sàng đón nhận một cách tin tưởng của cộng đồng DN và các tầng lớp dân cư trong xã hội là động lực trực tiếp cho đổi mới sáng tạo của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam về dài hạn.
Hai là, về thực hiện.
Trước hết, các cấp, các ngành cần rà soát lại một cách tổng thể hệ thống chính sách liên quan tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN. Cần xác định đây là nhiệm vụ có tính đột phá để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của DN và cũng là đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Trên cơ sở rà soát này, mạnh dạn loại bỏ những rào cản, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các chính sách; điều chỉnh, bổ sung, thay thế bằng những chính sách mới, thích hợp với tình hình mới. Trong nhóm thể chế tiếp cận cơ hội và nguồn lực thì tính minh bạch, ổn định tích cực và dễ dự đoán của thể chế được coi là nền tảng thúc đẩy mạnh nhất đến sẵn sàng đổi mới sáng tạo của DN. Do đó, thực hiện hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, xét riêng với vai trò của khu vực DN, là bảo đảm tính minh bạch, cơ hội bình đẳng thực sự trong tiếp cận các nguồn lực, ổn định tích cực và dễ dự đoán của bản thân hệ thống thể chế. Thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo trong DN có nghĩa là tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng nhất có thể để các DN tự chủ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tự trưởng thành theo thời gian dưới sự dẫn dắt của thị trường và thể chế. Các chính sách khuyến khích ứng dụng, tiếp thu tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, quản trị DN cần được chú trọng thực thi. Với thực trạng DN Việt Nam hiện nay, cần có thời gian, không duy ý chí, nóng vội trong việc muốn có ngay những phát triển công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn, mà cần có chiến lược xây dựng các DN trọng điểm, ở các khâu đột phá, nhất là ở thành tố hướng tới phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo, dữ liệu và nền tảng số, từ đó tạo sức lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế. Đây là cách làm mới, đòi hỏi phải có sự quyết tâm đổi mới trong tổ chức thực hiện.
Về lộ trình, từng bước thực hiện chắc chắn, hiệu quả hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với DN là trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo của người dân, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với DN, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, bao trùm và bền vững.
Về lâu dài, để thúc đẩy sự liên kết trong hệ thống DN Việt Nam cần hoàn thiện thể chế để tạo ra hệ sinh thái gắn kết một cách chặt chẽ về lợi ích giữa hoạt động đổi mới sáng tạo với hệ sinh thái khởi nghiệp, với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và người dân. Hệ thống thể chế gắn kết lợi ích giữa các chủ thể phải tạo ra những véc-tơ lợi ích cùng chiều, có tác động lan tỏa, cộng hưởng hướng tới điểm chung là thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Để hiện thực hóa hệ thống thể chế như vậy, đòi hỏi tầm nhìn và sự quyết tâm của hệ thống quản trị quốc gia, đoàn kết và nhất quán trong tổ chức thực hiện xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngay trong bộ máy quản trị quốc gia, cần tập trung phân định trách nhiệm một cách rõ ràng cho từng bộ phận trong hệ thống. Đi đôi với việc phân định, cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế cho sự bảo đảm phối hợp một cách chặt chẽ trong thực thi bổn phận của các chủ thể trong hệ thống quản trị quốc gia. Thể chế về phối hợp hiện là khâu hổng nhất trong thực hiện chức năng của các chủ thể quản trị quốc gia, trước hết là trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp. Do đó, nội dung hoàn thiện các thể chế phân công, phối hợp mang tính minh bạch và chịu trách nhiệm trước xã hội, rõ về lợi ích và nghĩa vụ nên được xem là khâu cần hoàn thiện sớm. Sự khúc mắc về tổ chức thực hiện, sự đùn đẩy trách nhiệm, sự lúng túng và rối trong thực hiện trách nhiệm quản trị quốc gia thường xuất phát từ việc giải quyết quan hệ lợi ích thiếu rõ ràng. Cho nên, trong thời gian tới, vấn đề quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong bộ máy quản trị quốc gia cũng cần phải được xem xét nghiêm túc để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo một cách tự giác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam./.
Nội dung bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa