Chủ nghĩa xét lại lịch sử vẫn đang là một chủ đề được bàn luận sôi nổi ở CHLB Đức. Nguyên nhân sâu xa là từ những biến cố lịch sử của đất nước này trong thế kỷ trước cũng như trong giai đoạn hiện nay, và trong các tầng lớp nhân dân trong xã hội hiện vẫn có nhìn nhận khác nhau, đôi khi là trái chiều, về một số vấn đề, sự kiện. Về phương diện pháp lý, gần 30 năm trước, hai miền Đông Đức và Tây Đức đã thống nhất để có Nhà nước Đức như hôm nay. Trên nhiều phương diện, thí dụ hệ thống giao giao thông, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước … nước Đức thực sự thống nhất, nhưng ở một số phương diện, sự cách trở vẫn còn quá lớn, như phát triển kinh tế, cuộc sống nội tâm. Nên vẫn có nhiều người ở Đông Đức cương quyết bảo vệ quan điểm của mình rằng: Lịch sử CHDC Đức bị xuyên tạc tạc trắng trợn vì động cơ chính trị.
Trước khi bàn luận những vấn đề cụ thể, nên trả lời chính xác câu hỏi: Chủ nghĩa xét lại lịch sử là gì? Và câu trả lời là: Ở phương Tây, Chủ nghĩa xét lại lịch sử được hiểu là những nỗ lực muốn sửa đổi sự nhìn nhận một số vấn đề, sự kiện lịch sử vốn đã được công nhận trong chính trị, xã hội, khoa học, và thay vào đó là trình bày, giải thích (diễn giải) một cách khác biệt theo nhãn quan của một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân đương đại. Ở các nước nói tiếng Đức, thuật ngữ này đề cập đến sự giả mạo lịch sử có chủ đích và giả khoa học. Đại diện của những nỗ lực này thường xem mình là “người xét lại” và họ cũng được gọi như vậy. Tuy nhiên, thuật ngữ Chủ nghĩa xét lại lịch sử lúc đầu xuất phát từ lịch sử dân chủ xã hội Đức và không giới hạn trong việc diễn giải lại lịch sử. Ở những nước nói tiếng Anh thì khác, thuật ngữ này được dùng cho sự diễn giải lại lịch sử trên cơ sở dữ liệu thực nghiệm mới.
Một chủ đề được bàn luận liên tục trong gần ba thập kỷ qua ở CHLB Đức là sự đánh giá về Bộ An ninh Quốc gia của Cộng hòa Dân chủ Đức thường được biết đến là Stasi (viết tắt tiếng Đức: Staatssicherheit, nghĩa là An ninh Quốc gia), - cơ quan tình báo đối nội vụ và đối ngoại. Cơ quan này còn có nhiệm vụ điều tra những hành động phạm pháp về chính trị. Stasi có trụ sở tại Đông Berlin, toạ lạc tại một khu riêng biệt khá lớn ở quận Lichtenberg (Berlin) cùng một số văn phòng nhỏ hơn ở khắp thành phố. Ngày nay Stasi bị coi là một tổ chức tội phạm. Sau ngày thống nhất Đức, nhiều người của Stasi đã phải hầu tòa vì tội hoạt động gián điệp, mặc dù họ thực hiện nhiệm vụ được giao chỉ qua hoạt động trên lãnh thổ CHDC Đức. Đó là điều mà nhiều người dân ở miền Đông nước cho rằng đây là một đánh giá phiến diện và xuyên tạc lịch sử, mang màu sắc trả thù thông qua việc sử dụng sưc mạnh của kẻ thắng trận.
Cơ quan của Ủy viên Liên bang về hồ sơ trước đây thuộc Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức (BStU) là nơi quản lý, nghiên cứu các hồ sơ và tài liệu của cơ quan tình báo này với trách nhiệm là thường xuyên chuyển báo cáo hoạt động của họ cho Quốc hội Đức. Mùa xuân năm 2017, bản báo cáo thứ 13 của BStU được ra, và nhiều người rất phẫn nộ sau xem xét kỹ. Đáng chú ý là trong bản báo cáo, các cuộc điều tra chống lại điệp viên phương Tây đã tiến hành ở CHDC Đức trong những năm trước lại không có vai trò gì. Đó cũng là lý do để tháng 7-2017, tác giả Herbert Kierstein cho đăng bài Giả mạo lịch sử có phương pháp (Geschichtsfälschung mit Methode). Herbert Kierstein sinh năm 1938, là Luật gia, mang quân hàm trung tá của Stasi. Từ năm 1958, ông là điều tra viên trong lĩnh vực gián điệp chống lại CHDC Đức. Với vai trò đó, ông trực tiếp làm việc liên quan trường hợp của một điệp viên Mỹ là Hannes Sieberer. Năm 2005, cuốn sách Nóng bỏng và lãng quên. Một gián điệp của Hoa Kỳ và phản gián CHDC Đức được xuất bản đã rất thu hút sự chú ý của công chúng. Và thú vị là đồng tác giả với Herbert Kierstein trong cuốn sách chính là ông Hannes Sieberer - người bị thẩm vấn sau khị bị phát hiện và tuyến án ba năm tù vì tội hoạt động tình báo cho Mỹ, trước khi được trao đổi vào năm 1985. Trong cuốn sách, cả hai người cùng bàn luận về quá khứ của họ.
Trong bài viết Giả mạo lịch sử có phương pháp Herbert Kierstein viết: “… Là một cựu điều tra viên của Bộ An ninh Quốc gia, đã có 30 năm phục vụ, khi tham gia hàng trăm các cuộc điều tra chống lại nhân viên tình báo phương Tây hay những người do tổ chức này điều khiển, hôm nay tôi đặt câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Người ta sẽ dễ dàng đi đến tận gốc của sự thực, nếu họ muốn làm điều đó. Hoạt động tình báo của phương Tây cũng bao gồm hoạt động nguy hại và phá hoại nền kinh tế của CHDC Đức với thiệt hại có thể xác định bằng các con số cụ thể, được kết hợp với cướp bóc trên biển để phá vỡ và đàn áp quan hệ thương mại của CHDC Đức, thu hút và lôi kéo các chuyên gia, nhà khoa học với mục đích phục vụ cho các tập đoàn công nghiệp phương Tây, lắp đặt đầu báo động vô tuyến cho cuộc chiến tranh trên lãnh thổ của CHDC Đức, thu thập thông tin chuyên sâu về tình hình xã hội CHDC Đức… Mọi gián điệp đều được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin nền tảng cho các kế hoạch tuyên truyền của truyền thông, cho các đảng ủng hộ nhà nước và các tổ chức chính trị cũng như trinh sát có hệ thống địa điểm, sức mạnh quân số và trang thiết bị của các đơn vị quân đội trên lãnh thổ của CHDC Đức và các nước anh em lân cận... Rất logic, từ các hoạt động thù địch thường xuyên đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của luật hình sự, đến nhiệm vụ cho các cơ quan an ninh và đời sống xã hội ở CHDC Đức và cũng được tuyên truyền bóp méo. Cần lưu ý, việc che đậy các cuộc tiến công của tình báo nước ngoài chống lại CHDC Đức mới chỉ là một lĩnh vực. Một lĩnh vực khác là tác động trực tiếp của các tập đoàn công nghiệp và doanh nghiệp thương mại phương Tây, cũng có một lượng tài liệu rất lớn tồn tại trong kho lưu trữ. Cũng không được đề cập đến thái độ nhất quán của CHDC Đức đối với việc xử lý tội ác của Đức Quốc xã và tội phạm chiến tranh. Các kết quả mà cơ quan điều tra của tình báo Đông Đức chỉ ra hoạt động của Đức Quốc xã trong các cấu trúc quyền lực của Tây Đức trước đây không hề được đề cập trong các báo cáo hoạt động của BStU. Đã đến lúc phải có sự chú trọng xứng đáng trong việc nhìn nhận hoàn cảnh cụ thể khi đánh giá lịch sử, không được phép bỏ qua các hành động của cả hai Nhà nước Đức và kết quả nảy sinh ra từ tương tác đó”.
Một góc nhìn thú vị khác về xuyên tạc lịch sử là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mới đây được cung cấp bởi tác giả Tobias Riegel, sinh năm 1969, là nhà báo sống và làm việc tại Berlin. Ngày 1-2-2019 ông cho đăng bào báo Sự ma quỷ hóa CHDC Đức với những câu chuyện cổ tích rùng rợn, sự kiến tạo dư luận bằng những “sự kiện có thật” (DDR-Dämonisierung mit Grusel-Märchen, Meinungsmache mit “wahren Begebenheiten”). Trong bài, tác giả bàn luận về bộ phim Cuộc sống của những người khác (Das Leben der Anderen) của Đức khai thác đề tài điệp báo ở Đông Đức đến khi bức tường Berlin sụp đổ, đã giành giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2006, và nhiều giải thưởng lớn khác, đến tháng 11-2007 đã thu về hơn 77 triệu USD. Florian Henckel von Donnersmarck là đạo diễn, kiêm tác giả kịch bản của bộ phim này. Kể về sự ra đời của kịch bản của bộ phim, nhà văn Christoph Hein cho biết: “Năm 2002, ông Donnersmarck đã bày tỏ nguyện vọng nghe tôi kể về cuộc đời của tôi với tư cách là một nhà viết kịch ở CHDC Đức. Bốn giờ liền chúng tôi ngồi trong nhà hàng tại một khu vườn đầy nắng và tôi nói chuyện, ông Ulrich Mühe lắng nghe, còn ông đạo diễn ghi chép rất nhiều, cuối cùng ông nói rằng ông biết ơn tôi. Giờ đây ông đã biết về cuộc sống ở Đông Đức, biết nó như thế nào, sự giúp đỡ của tôi mang tính quyết định. Bốn năm sau, tôi nhận được lời mời tham dự buổi ra mắt bộ phim mà bạn tôi là Ulrich Mühe đóng vai chính. Tôi rất ngạc nhiên khi tên của tôi xuất hiện trong ở phần đầu bộ phim và tôi được cảm ơn vì sự hợp tác. Một ngày sau buổi ra mắt, tôi đã viết một lá thư cho đạo diễn yêu cầu tên của tôi không được nhắc đến trong phần mở đầu, vì cuộc sống của tôi khác so với bức tranh được miêu tả trong Cuộc đời của những người khác. Bộ phim ông ấy làm thực sự là một sự trộn lẫn lộn xộn những điều vô lý”.
Còn nhà báo Tobias Riegel viết: “Một cuộc tranh luận gần đây về bộ phim Cuộc đời của những người khác về nhà văn Christoph Hein và đạo diễn Florian Henckel von Donnersmarck đã làm sáng tỏ sự thao túng tiềm tàng bởi các tư liệu “lịch sử”. Đây là sự chuyển tiếp, pha trộn giữa phim tài liệu, viễn tưởng và tuyên truyền. “Không, Cuộc sống của người khác không mô tả thập niên 80 của thế kỷ 20 ở CHDC Đức - bộ phim là một câu chuyện cổ tích khủng khiếp”. Câu nói này dù nhẹ nhàng thì cũng đã vạch trần bộ phim sản xuất năm 2006, đồng thời chỉ rõ các phương tiện truyền thông đã tâng bốc một bộ phim ăn khách là đáng nghi ngờ khi mô tả hiện thực về CHDC Đức. Còn nhà văn Christoph Hein qua một bài viết cho tờ Báo miền Nam Đức (Süddeutsche Zeitung) đã chỉ thẳng vào đạo diễn Florian Henckel von Donnersmarck. Theo ông, Donnersmarck đã bóp méo tiểu sử của ông, và khai thác nó như một sự sáo rỗng về “nhà viết kịch điển hình CHDC Đức” được miêu tả trong phim. Mọi thứ mà Christoph Hein nói với đạo diễn trong các cuộc phỏng vấn đã được “pha trộn màu sắc và mới lạ, được sáng tác lại”. Nguyên nhân đưa tới bài viết của Christoph Hein cũng là các cáo buộc hiện tại của họa sĩ Gerhard Richter đối với Donnersmarck, vì bộ phim Tác phẩm không tác giả sản xuất năm 2018 đã “lạm dụng và xuyên tạc” cuộc đời của Gerhard Richter. Cuộc sống của người khác là câu chuyện giải trí với trình độ diễn xuất cao nhưng cũng lằng nhằng, sáo rỗng và lịch sử không chính xác ở nhiều đoạn. Tuy nhiên, nó đã biến hình bởi vô số các lời khen ngợi kinh khủng để biến thành bài thuyết trình về hiện thực ở CHDC Đức. Thông qua dàn hợp xướng truyền thông này, những lời chỉ trích từ năm 2006 đã bị nhấn chìm, và bộ phim đã phát tán gần như không được kiểm soát trong việc “ma quỷ hóa CHDC Đức” với hiệu quả cao cho đến hôm nay... Bộ phim được giới thiệu với học sinh viên như một mô tả thực tế về CHDC Đức trong thập niên 80 và Viện Goethe và Cơ quan Giáo dục Chính trị Liên bang dành riêng cho bộ phim những tài liệu nghe rất xuôi tai: Cuộc sống của người khác “đã cố gắng đặt dấu ấn một cách “nổi bật và nhấn mạnh đáng kể” khung cảnh văn hóa của những năm 1980 trong một nhà nước đàn áp... Nhiều thí dụ - chẳng hạn như bài viết về “sự hiểu biết về dân chủ của người Đông Đức” được phát sóng bởi Đài phát thanh Đức Deutschlandfunk hôm thứ năm vừa rồi, chứng minh rằng “ảo mộng Tây Đức” vẫn thống trị trong việc viết lịch sử Đông Đức theo lối xuyên tạc”.
Với nhãn quan của một nhà khoa học và một chính trị gia, tháng 4-2018, GS.TS Ludwig Elm ở Jena (sinh năm 1934, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lịch sử và Triết học, dân biểu Quốc hội Đức giai đoạn 1994-1998 - HNT) đã công bố tiểu luận Chúng tôi phản đối sự xuyên tạc lịch sử (Wir widersprechen Geschichtsverzerrung) với Lời dẫn: “Quan điểm của chúng tôi là phản đối bóp méo lịch sử, hiềm khích chiến tranh và làm suy yếu các quyền cơ bản ở CHLB Đức”. Tiểu luận này được nhiều nhà khoa học ủng hộ nên đã đồng ý để tác giả nhắc tên họ khi công bố, đó là: GS.TS Edeltraut Felfe ở Greifswald; GS.TS Hermann Klenner ở Berlin; GS.TS Anton Latzo ở Langerwisch; GS.TS Ekkehard Lieberam ở Leipzig; và GS.TS Manfred Weißbecker ở Jena.
GS.TS Ludwig Elm viết: Kể từ tháng 12 năm 2014, một liên minh chính phủ của các đảng DIE LINKE, SPD và Bündnis90/Die Grünen đã nắm quyền tại bang Thüringen với Thủ hiến là ông Bodo Ramelow (LINKE). Dưới ảnh hưởng của chính sách lịch sử được ghi dấu ấn bởi sự phối hợp của các đảng CDU/CSU từ những năm 1990 trên phạm vi toàn Liên bang, trong sự hợp tác với đảng SPD, cũng như từ các nguyên nhân trong việc tạo liên minh, “công việc khắc phục” tiếp theo và cương quyết hơn về lịch sử, xã hội của CHDC Đức được tuyên bố là một dự án ưu tiên của liên minh chính phủ, là một trọng điểm tuyệt đối trong nghiên cứu lịch sử, giáo dục và tuyên truyền. Việc dán nhãn khoa học, chính trị, pháp lý không có cơ sở về CHDC Đức như là một “nhà nước bất công” đã được giương cao như một lá cờ trong hành trình tiến về phía bên phải (nghĩa là theo xu hướng cánh hữu - Hồ Ngọc Thắng). Hình ảnh của xã hội và lịch sử của CHDC Đức đang được đặc trưng hóa vĩnh viễn bằng cách liên tục nhắc lại, qua cách trình bày một cách ưu tiên về các sự kiện và khoảnh khắc mơ hồ, đáng nghi ngờ, được giải thích chủ ý thiên vị hoặc bịa đặt có lợi cho mục đích, khái quát hóa tùy tiện, phóng đại, thay đổi theo các sắc thái. Những người khởi xướng coi chính trị, truyền thông, giáo dục chính trị và nhà trường là những cấp độ quyết định của một sự truyền bá hoàn toàn đối với dân chúng. Trái ngược so với Gestapo (tên gọi tắt của Geheime Staatspolizei, là lực lượng cảnh sát bí mật, hoặc mật vụ của tổ chức SS do Đức Quốc xã lập ra - HNT) và SD (viết tắt của Sicherheitsdienst, một cơ quan thuộc lực lượng SS của Đức Quốc xã - HNT), kể cả Cơ quan bảo vệ Hiến pháp (tình báo đối nội của CHLB Đức - HNT), BND (tình báo đối ngoại của CHLB Đức - HNT), các hoạt động, cá nhân và hồ sơ về An ninh nhà nước của CHDC Đức đã cho truy cập công khai ngay từ đầu bằng cách mở kho lưu trữ mà không cần bảo vệ dữ liệu cho chính trị và phương tiện truyền thông... Hàng loạt bất công lặp đi lặp lại trong lịch sử CHLB Đức không hề có một lời nào. Việc tiếp tục cho xếp hạng xuống thấp hơn người dân Đông Đức vượt xa sự khinh miệt về ý thức hệ lịch sử cho đến sự tiếp tục thực hiện các quy định là đặc biệt vi hiến: “Khả năng xem xét về các họat động trong quá khứ cho Stasi qua việc làm chính thức hoặc không chính thức đối với những người làm việc trong cơ quan nhà nước và công cộng sẽ tiếp tục và giới hạn đến tận ngày 31-12-2030”.
Các dẫn chứng nêu trên cho thấy, sự xuyên tạc lịch sử đã và đang được sử dụng triệt để vì động cơ, mục tiêu chính trị và xảy ra hàng ngày trên phạm vi thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi trở thành đối tượng để các thế lực chống đối, các cá nhân thiếu thiện chí đã và đang cố tình thúc đẩy tiến trình xét lại lịch sử để gây hoài nghi về quá khứ, để thiếu tin tưởng vào tương lai đất nước, và nếu thiếu tỉnh táo thì người nhẹ dạ có thể trở thành con mồi để họ lung lạc. Vì thế, đấu tranh chống lại luận điệu nhân danh lịch sử để xuyên tạc lịch sử đã và đang là một nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết để góp phần xây dựng sự thống nhất về tinh thần, trí tuệ của cả dân tộc, góp phần tạo nền tảng xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nội dung bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa