Social Icons

Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

HAI HÀNH LANG, MỘT VÀNH ĐAI” NƯỚC CỜ CAO TAY CỦA VIỆT NAM

Lường trước những mưu đồ của gã hàng xóm, ngay từ thập niên 70 Việt Nam đã âm thầm xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Vậy “Hai hành lang, một vành đai” là gì?
Theo Tiến sĩ Bùi Hải Đăng (trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học KHXH&NV Tp.HCM), Việt Nam đã âm thầm xây dựng “hành lang chủ quyền” thứ nhất trên các đảo nổi ở quần đảo Trường Sa ngay từ thập niên 70. Sang đến những năm 80, hai nhánh chủ lực của Việt Nam cùng lúc vừa mở rộng “hành lang chủ quyền” thứ nhất khi trú đóng và kiên cố hoá toàn bộ công sự ở các đảo nổi thuộc vành đai phía Tây quần đảo Trường Sa bằng chiến dịch CQ-88, vừa xây dựng hệ thống cụm Dịch vụ Kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật DK-1 trên “hành lang chủ quyền” thứ hai ở khu vực thềm lục địa phía Nam.

Các hoạt động bí mật và khẩn trương của Việt Nam đối với hai “hành lang chủ quyền” này đã củng cố thành công các “vách sắt” cho việc triển khai sớm nền tảng của “vành đai kinh tế” với các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí đa phương trên Biển Đông ngay trong thập niên 90 – nền tảng lợi ích chung về kinh tế cho sự hoàn chỉnh của một bức “thành đồng” đại diện cho mạng lưới an ninh đa phương do các nước nhỏ điều phối trong vùng biển của mình trên Biển Đông.
Cùng với hành lang chủ quyền trong khu vực lãnh hải, hai “hành lang chủ quyền” do Việt Nam kiến tạo trên khu vực thềm lục địa và quần đảo Trường Sa đã tạo nên ba “vách sắt” xương sống cho sự hình thành hệ thống “thành đồng trên biển” của riêng Việt Nam. Tùy thuộc vào tính chất pháp lý của từng vùng biển, Việt Nam từng bước mở rộng hợp tác quốc tế về quốc phòng, cho phép các tàu thương mại, tàu chấp pháp và tàu quân sự của các nước trên thế giới tiến hành kinh doanh, thăm viếng quân sự và hợp tác nâng cao năng lực hàng hải…
Tần suất thăm viếng quân sự ngày càng nhiều của các đội tàu chiến từ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc… từ ngoài Biển Đông vào đến các cảng quân sự và cảng dân sự của Việt Nam trong thời gian qua vừa giúp gia tăng mức độ cân bằng – đối trọng về lực lượng với sự xuất hiện phi pháp của các tàu Trung Quốc trong “đường 9 đoạn”, vừa tránh được sự ràng buộc Việt Nam vào bất kỳ đồng minh quân sự nào chống lại nguyên tắc “BA KHÔNG” truyền thống.
Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện “vành đai kinh tế” hợp tác khai thác dầu khí ở thềm lục địa từ thập niên 90 và đã duy trì được sự hiện diện của một số lượng các tập đoàn dầu khí khổng lồ của các nước lớn như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ,… dưới sự lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) Việt Nam.
Từ đó tạo nên áp lực ngoại giao từ các cường quốc liên quan đến các hoạt động “tấn công vùng xám” của Trung Quốc. Các phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Mỹ, từ văn phòng Tổng thống Nga và từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ khi Trung Quốc cử hải cảnh và tàu Hải dương 8 xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam cho thấy sự hiệu quả của chiến lược đa phương hoá “vành đai kinh tế” hiện hữu.
Không chỉ vậy, Việt Nam vẫn kiên định “hoà nhập nhưng không hoà tan” khi cùng phối hợp với các quốc gia ven biển trong ASEAN củng cố mạng lưới liên lạc và hợp tác chấp pháp trên biển như việc thống nhất tránh dùng vũ lực với ngư dân giữa Việt Nam – Indonesia (06/2019) …
Từ những phân tích kể trên, có thể thấy, Việt Nam đang từng bước hoàn thành hệ thống “thành đồng, vách sắt” trên Biển Đông với sự đan cài lợi ích kinh tế giữa các cường quốc và dung hoà năng lực pháp lý và khả năng điều phối với các bên còn lại trong ASEAN. Đây chính là “điểm sáng” trong cách hành xử phi vũ lực và phù hợp với chủ trương đàm phán hoà bình, thượng tôn pháp luật cần thiết trong việc giải quyết các “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền trong một thế giới còn quá nhiều “vùng xám” về pháp lý.

1 nhận xét: