“Đoàn kết, đoàn kết,
đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” - một câu nói thật giản
dị của Bác Hồ, nhưng từ lâu đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu
hành động của Đảng ta, dân tộc ta.
Tư tưởng đoàn kết đến với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khá
sớm. Ngay từ những năm 1920, khi còn đang bôn ba hoạt động tìm đường cứu nước ở
nước ngoài, trong nhiều bài báo, bài nói chuyện, Người đã kêu gọi tinh thần
đoàn kết giữa người lao động ở các nước chính quốc với quần chúng nhân dân ở
các nước thuộc địa. Lời kêu gọi đã dần dần thức tỉnh những người cộng sản,
những người dân chủ ở các nước quan tâm nhiều hơn đến phong trào giải phóng dân
tộc ở những nước đang bị chế độ thực dân xâm chiếm.
Kể từ khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc, Hồ Chí Minh càng có điều kiện hiểu sâu hơn giá trị của tinh thần
đoàn kết. Những ai nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng
nước, đều không xa lạ với câu chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100
trứng. Từ “bọc trứng” đó sản sinh ra hàng triệu, hàng chục triệu người Việt Nam
sau này. Từ đó, trong ngôn ngữ Việt Nam, từ xa xưa đã xuất hiện hai tiếng “đồng
bào”. Đồng bào có nghĩa là cùng chung một bọc trứng (đồng
= cùng, bào = bọc). Hai tiếng “đồng bào” từ xa xưa vốn đã mang ý nghĩa một
thông điệp cực kỳ quan trọng: những người Việt Nam chúng ta, dù sinh sống ở
đâu, ở trong hay ngoài nước, ở vùng đồng bằng hay rừng núi, hải đảo đều có
chung một cội nguồn, một sự gắn bó máu thịt với nhau. Tất cả chúng ta đều có
chung một bà mẹ. Tất cả chúng ta đều là những phần tử từ bọc trứng của mẹ Âu
Cơ. Có lẽ Hồ Chí Minh là người hiểu sâu sắc nhất ý nghĩa to lớn của tinh thần
đoàn kết và phổ biến sâu rộng chân lý đó trong cán bộ, đảng viên và nhân dân
ta.
Ngay khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, cùng
với rất nhiều hoạt động thực tiễn nhằm tuyên truyền tổ chức lực lượng cách
mạng, Hồ Chí Minh đã dành thời gian để viết cuốn “Lịch sử nước ta” bằng
thơ. Chắc chắn đây không phải là công việc dễ dàng, vì đòi hỏi ở tác giả một
vốn kiến thức phong phú và hệ thống về lịch sử dân tộc. Một tập thơ ngắn, chưa
đầy 250 dòng, nhưng đã thâu tóm được toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời Hùng
Vương dựng nước đến các phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX. Đây là một hành
động vô cùng cần thiết để tổ chức và huấn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên và
quần chúng lúc bấy giờ. Tư tưởng chủ đạo của tập “diễn ca” “Lịch sử
nước ta” là cùng với chủ nghĩa yêu nước, dân tộc ta đã sớm phát huy
tinh thần đoàn kết (đoàn kết trong các triều đại phong kiến, đoàn kết toàn dân,
và quan trọng nhất là sự đoàn kết chung sức chung lòng giữa những người lãnh
đạo đất nước với toàn thể nhân dân). Đồng thời cho thấy, thời kỳ nào mà triều
đình phong kiến quay lưng lại với nhân dân, thì tất yếu khối đoàn kết dân tộc
bị lỏng lẻo và thời kỳ đó đất nước, nhân dân - đồng bào thường bị lâm vào cảnh
bị áp bức bóc lột. Hồ Chí Minh viết:
“Kể gần sáu trăm năm giời
Ta không đoàn kết bị người tính thôn”.
Có thể dẫn thêm một số ví dụ từ “Lịch sử nước
ta” của Bác Hồ về sự thắng - bại liên quan đến tinh thần đoàn kết,
như: Thời Mai Hắc Đế, dù rất thương dân bị lầm than đau khổ, Mai Hắc Đế đã lãnh
đạo cuộc chiến tranh chống xâm lược Tàu, nhưng:
“Vì dân đoàn kết chưa sâu
Cho nên thất bại trước sau mấy lần”.
Trái lại, đến đầu thế kỷ XVIII, với sự xuất hiện của người
anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nhân dân ta đã “cùng nhau một lòng” giành được
những chiến công rực rỡ:
“Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu tàn hung
Dân ta vẫn giữ non sông một nhà…”.
Nói là tổng kết lịch sử, nhưng thực chất là rút ra những bài
học lớn mà cha ông để lại. Trong hoàn cảnh những năm đầu của cách mạng, bài học
lớn nhất của lịch sử, theo Bác Hồ là bài học về tính cộng đồng, về tinh thần
đoàn kết. Chính vì vậy, kết thúc tập thơ “Lịch sử nước ta”, Người
viết:
“Hỡi ai con cháu Rồng Tiên
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
… Dân ta xin
nhớ chữ đồng
Đồng tình,
đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Khám phá ra những
bài học lịch sử của quá khứ là để hiểu những thông điệp, những lời truyền dạy
của tổ tiên. Tinh thần đó được thể hiện rất rõ trong dịp Trung ương và
quân đội ta trở về tiếp quản Thủ đô (1954). Khi Bác Hồ cùng Đại đoàn Quân Tiên
phong dừng chân tại Đền Hùng (Phú Thọ), tại đây Người nói một câu bất hủ: “Các
vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Có
thể coi đó là lời thề thiêng liêng của Bác, của cả dân tộc trước anh linh tổ
tiên. “Công dựng nước” mà Bác nói ở đây không chỉ có ý nghĩa tạo lập nên giang
sơn đất nước, mà còn có ý nghĩa tạo ra sức sống và hồn cốt của dân tộc. Vì vậy,
“giữ lấy nước” mà Người nói cũng có nghĩa phải giữ lấy từng tấc đất của Tổ
quốc, đồng thời, phải giữ cho được những đạo lý làm người Việt Nam mà tổ tiên
ta đã dày công vun đắp.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta lại phải đương
đầu với các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, đặc biệt là cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống xâm lược của đế quốc Mỹ.
Đó là các cuộc chiến tranh hoàn toàn không cân sức. Về phương diện kinh tế, vũ
khí, đất nước ta thua xa đối phương. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc trong
những ngày đầu kháng chiến, trong các bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí
Minh lại nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết. Chính câu nói “Đoàn kết,
đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã
được Người nói ra trong thời kỳ gian lao nhất của cách mạng, của dân tộc. Bằng
cảm nhận thực tế một cách sâu sắc, Người đã phát hiện ra một số biểu hiện đáng
lo ngại trong nhân dân, trong cán bộ và cả trong quân đội. Tuy chưa thật phổ
biến, nhưng rõ ràng những hiện tượng “dao động”, “phân tâm”, “mơ hồ” đó sẽ làm
suy yếu tinh thần cách mạng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và quân đội. Vì
vậy để diễn đạt đầy đủ tư tưởng của mình, Người nhấn đi nhấn lại 3 lần chữ
“đoàn kết” và cũng nhấn 3 lần chữ “thành công”. Có đoàn kết thì sẽ thành công
và muốn thành công thì trước hết phải đoàn kết. Lịch sử dân tộc đã chứng minh
điều đó. Ngoài yêu cầu phải đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh còn luôn nhấn mạnh
đến đoàn kết giữa nhân dân và quân đội; đoàn kết giữa nhân dân với cán bộ, đảng
viên; đoàn kết trong nội bộ các cơ quan, các tổ chức Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, ở thời đại Hồ Chí Minh, mối liên hệ giữa các quốc
gia dân tộc không ngừng mở rộng. Sự liên kết quốc tế giữa các quốc gia đã hình
thành. Chính xuất phát từ đó, chữ “đại đoàn kết” mà Bác Hồ dùng ở đây còn có ý
nghĩa mới: đoàn kết giữa dân tộc ta, cuộc kháng chiến của chúng ta với lương
tri ở mọi quốc gia trên thế giới. Tư tưởng đoàn kết của Bác đã nhanh chóng trở
thành động lực của các cuộc kháng chiến và cũng là động lực trong xây dựng đời
sống mới, trong các quan hệ xã hội mới trên đất nước ta.
Tư tưởng đoàn kết của Người cũng đã tạo nên một luồng sinh
khí mới trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Hàng loạt các tác phẩm
thuộc các loại hình thơ, ca, văn xuôi, kịch, báo chí… của những văn nghệ sĩ
tiêu biểu đã góp phần thắp sáng tư tưởng lớn của Bác. Hình ảnh cán bộ với nhân
dân, quân đội với nhân dân được thể hiện một cách hấp dẫn như “cá với nước”.
Một trong những thành công về phương diện này phải kể đến các tác phẩm như bài
thơ “Bộ đội về làng” của Hoàng Trung Thông, bài hát“Tấm áo
mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý... Những bài thơ, bài ca của thời kỳ
lịch sử đó, cho đến nay vẫn in đậm trong trái tim, khối óc của hàng triệu triệu
người Việt Nam. Những thiên phóng sự về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của
các nhà văn, nhà báo, học giả đến từ nước ngoài, đã minh chứng cho sự thắng lợi
- thành công gắn liền với tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ.
Ngày nay cùng với sự xuất hiện nền kinh tế thị trường và quá
trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, bên cạnh nhiều thuận lợi giúp đất nước
phát triển nhanh chóng, dân tộc ta cũng phải đương đầu với không ít thách thức,
đặc biệt trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Trong lịch sử cách mạng nước ta, có
lẽ chưa có lúc nào chủ nghĩa cá nhân, đầu óc trục lợi lại xuất hiện khá phổ
biến như hiện nay. Đáng chú ý, nhiều tính toán ích kỷ, xấu xa, sẵn sàng “bán rẻ
linh hồn cho quỷ sứ” đã và đang xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ cán bộ
đảng viên, trong đó có những cán bộ ở cấp cao, cấp chiến lược.
Khi một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về
tư tưởng, đạo đức và lối sống, thì sự suy thoái đó sẽ như những “vi rút độc”
tìm cách thâm nhập, lan rộng vào những người thiếu “sức đề kháng”, bao gồm cả
cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nếu “vi rút” này không được ngăn chặn
hữu hiệu, thì nguy cơ đầu tiên - nguy cơ của mọi nguy cơ - mà chúng ta phải
nhận chính là sự suy giảm niềm tin - mất đoàn kết - thiếu thống nhất trong
Đảng, giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng.
Tất cả mọi lời dạy của Bác Hồ còn nguyên giá trị, chúng ta phải học tập và làm theo
Trả lờiXóa