Cùng với các biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ, “bệnh” thành tích, háo danh đã, đang đe dọa tới
sự tồn vong của Đảng và chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp
cách mạng.
TÍNH CHẤT NGUY HẠI CỦA "BỆNH" THÀNH TÍCH, HÁO
DANH
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ, một
trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là:
“Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng
thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, “chạy thành
tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu””.
“Bệnh” thành tích, háo danh không phải đến nay mới xuất
hiện. Cách đây hơn 90 năm, khi Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Đường Kách
mệnh” (năm 1927), Người đã dành những trang đầu tiên để nói về tư cách
của người cách mạng. Người chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng,
trong đó có một tiêu chuẩn là “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”. Và sau đó 20
năm, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện, chỉ ra và cảnh báo những sai lầm, khuyết
điểm của cán bộ, đảng viên dễ mắc phải. Một trong những sai lầm, khuyết điểm đó
là “bệnh” thành tích mà Người gọi là “bệnh hữu danh vô thực” với các biểu hiện
như: “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ
lại rỗng tuyếch”(1), “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm
việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết
quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương
cho oai”(2). Theo Người, những cán bộ, đảng viên mắc phải “căn bệnh”
này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc,
khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo,
cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái
tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên
nọ, chớ không ham công tác thiết thực(3)…
Lâu nay, việc thổi phồng thành tích, háo danh, phô trương đã
và đang tiếp tục trở thành “căn bệnh” của không ít cá nhân, tập thể. Điều đáng
nói là “bệnh” này đang có chiều hướng lây lan ngày càng rộng và diễn ra ở mọi
lĩnh vực: kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn học - nghệ thuật, thi đua khen
thưởng... Điều đáng lo ngại nhất là nó đang diễn ra trong lĩnh vực xây dựng
Đảng và ở không ít cán bộ, đảng viên; trong đó, có cán bộ có chức, có quyền,
cán bộ chủ chốt, đứng đầu đơn vị, địa phương.
Trên lĩnh vực kinh tế, thời gian qua có những vụ án thất
thoát hàng ngàn tỷ đồng sau khi bị phanh phui đều thấy có bóng dáng của “bệnh”
thành tích, háo danh. Biểu hiện thường thấy của “bệnh” này là đẩy nhanh tiến độ
dự án, công trình để chào mừng một sự kiện nào đó. Do đó, người ta sẵn sàng bỏ
bớt công đoạn trong quy trình từ chi tiền, thi công đến nghiệm thu… miễn sao có
thành tích kịp và vượt thời gian phục vụ cho “cắt băng khánh thành”. Và hậu quả
của việc chạy theo thành tích bằng mọi giá là công trình, dự án nhanh chóng
xuống cấp, không đảm bảo chất lượng.
Trong xây dựng nông thôn mới, có những địa phương vì chạy
theo thành tích nên đã quá lạm dụng vào việc huy động sức dân, hoặc nợ đọng xây
dựng cơ bản không có khả năng chi trả, khi đánh giá thực về chất lượng 19 tiêu
chí thì còn nhiều hạn chế. Chính “bệnh” thành tích, háo danh làm xấu đi bức
tranh về nông thôn mới ở không ít nơi.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mặc dù đã từng có cuộc
vận động về “chống bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng “bệnh” háo danh,
“đánh bóng” tên tuổi, “chạy” danh hiệu vẫn chưa được khắc phục ở một bộ
phận nhà giáo, cán bộ, đảng viên, mà điển hình là việc phong giáo sư, phó
giáo sư năm 2018, khiến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ thị cho rà soát
lại số lượng giáo sư và phó giáo sư do Hội đồng chức danh Nhà nước công
bố. Do đó, một số người đã tự nguyện xin rút, một số khác, sau khi
rà soát đã không được công nhận vì không đạt những tiêu chuẩn theo quy định.
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, “bệnh” thành tích biểu
hiện trong việc tặng thưởng “vô tội vạ” các danh hiệu Nghệ sĩ hay giải thưởng
văn học - nghệ thuật, trong khi những tác phẩm, nghệ sĩ đạt “giải cao” đó lại
không tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng.
Đặc biệt, “bệnh” thành tích, háo danh trong lĩnh vực xây
dựng Đảng biểu hiện ở rất nhiều vấn đề, từ công tác cán bộ đến đánh giá chất
lượng tổ chức đảng, đảng viên, phát triển đảng viên mới và kiểm tra, giám sát.
Thông thường, từ háo danh nên sinh ra “bệnh” thành tích và
từ thành tích gian dối có được càng thúc đẩy sự háo danh nảy nở, phát triển.
“Bệnh” thành tích là mặt trái của thành tích. Đó là thành tích giả, thành tích
ảo, thành tích ngụy tạo, thành tích do tô hồng, thổi phồng mà có; hoặc có thể
là thành tích “thật một nửa” nhưng cá nhân, tập thể đạt được không phải do sự
nỗ lực, cố gắng trong thi đua mà “cố đấm ăn xôi” để đạt được bằng mọi giá thông
qua sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”. Điều nguy hại là “bệnh” thành tích, háo
danh suy cho cùng chính là sự giả dối, gian dối nhằm mục đích vụ lợi. Đã có
những phần thưởng, danh hiệu cao quý được trao trên cơ sở căn cứ vào những báo
cáo thành tích gian dối, tạo cơ hội cho người được khen thưởng sớm tăng lương
trước thời hạn, có điều kiện thăng chức, bổ nhiệm. Có những cán bộ bị truy tố
trước pháp luật thời gian qua đã minh chứng rất rõ điều này. Họ đã đi lên bằng
việc che giấu những sai phạm nghiêm trọng, bằng những thành tích hào nhoáng,
không có thật, nhưng lại được hợp thức hóa bằng những phần thưởng cao quý.
“Căn bệnh” này là một trong những tác nhân làm suy
giảm niềm tin của nhân dân vào một bộ phận “công bộc” của dân, làm sai lệch
những chuẩn mực xã hội, gây thiệt hại không nhỏ cả về vật chất và tinh thần đối
với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Cùng với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, “bệnh” thành tích,
háo danh đã, đang đe doạ tới sự tồn vong của Đảng và chế độ, làm suy giảm
lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng.
ĐỂ NGĂN NGỪA VÀ CHỮA TRỊ "BỆNH" THÀNH TÍCH, HÁO
DANH
“Bệnh” thành tích, háo danh hiện nay có một phần nguyên nhân
sâu xa từ trong lịch sử. Đó là tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ”
vẫn còn chi phối nặng nề trong tư duy của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên. Bên cạnh đó là tâm lý sĩ diện vẫn còn, do đó, nhiều người bằng mọi giá
“cố kiết” để có được cái công danh, địa vị trong xã hội để ra oai, ra oách với
hàng xóm, thiên hạ. Ngoài ra, những bất cập về cơ chế, chính sách hiện nay cũng
là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho mức độ “bệnh” thành tích, háo
danh của một bộ phận cán bộ, đảng viên càng thêm nặng, trong đó, nguyên nhân
chủ quan là chủ yếu.
Để ngăn ngừa, phòng, chống và tiến tới loại bỏ những “bệnh”
thành tích, háo danh cần một sự kiên quyết, nghiêm khắc trong việc chỉnh đốn,
xây nền đạo đức chính trị, liêm chính, công minh, nhưng cũng đòi hỏi sự kiên
trì trong từng giai đoạn với những bước đi phù hợp. Đúng như trước đây, Chủ
tịch Hồ Chí Minh mong mỏi, kỳ vọng đồng bào cùng Chính phủ quyết tâm dẹp bỏ
những căn bệnh đó: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính
phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu
có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm
nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ
thì cũng vài ba giờ mới xong”(4).
Theo đó, trước hết, phải tăng cường công tác
giáo dục. Vì chỉ có giáo dục mới giúp cho đảng viên và quần chúng cái nhìn sâu
sắc về nguồn gốc, bản chất, sự phát sinh, phát triển, biểu hiện và những biến
tướng của “bệnh”. Giáo dục thường xuyên để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nhớ, tư
vấn và suy ngẫm nâng cao lòng tự trọng, biết tự thanh lọc tâm hồn và gột rửa
tâm lý háo danh, kèn cựa của chính mình; thường xuyên tu dưỡng nâng cao ý thức
trách nhiệm, phòng ngừa những biểu hiện “bệnh” thành tích, háo danh; đồng thời,
nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng chân tài, thực đức của mình. Giáo dục tốt sẽ
không chỉ giúp cho cán bộ, đảng viên tiến bộ chân chính, mà còn góp phần làm
lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Thứ hai, để ngăn ngừa sớm và chữa trị “bệnh” thành
tích, háo danh, thì trong công tác thi đua hiện nay, các tập thể, cá nhân cần
bám sát mục tiêu, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn
trong từng thời gian, nắm chắc các văn bản hướng dẫn để lựa chọn nội dung, hình
thức tổ chức phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương
hình thức. Phải quan tâm khắc phục tình trạng những nơi không đủ điều kiện, khả
năng nhưng vẫn cố tham gia phong trào và dẫn tới “chạy thành tích” để nhằm
“đánh bóng” tập thể và người đứng đầu. Đặc biệt, trong sơ kết, tổng kết thi
đua, bình xét khen thưởng, cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của
cấp ủy, đánh giá khách quan trung thực thành tích. Kiên quyết loại bỏ những
biểu hiện gian dối “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”...
Thứ ba, hết sức chú trọng phát huy quyền làm chủ tập
thể của đảng viên và quần chúng trong mỗi tổ chức Đảng hiện nay. Đây là biện
pháp rất quan trọng để chữa trị “bệnh” thành tích, háo danh. Quần chúng có
“trăm tay, nghìn mắt”, họ rất tinh tường trong đánh giá đâu là thành tích thật,
đâu là “bệnh” thành tích, háo danh.
Thứ tư, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu có vai trò quyết định trong chống
“bệnh” thành tích, háo danh. Trên thực tế, “bệnh” thành tích, háo danh tuy là
của tập thể nhưng thường gắn liền với người đứng đầu. Việc chọn người đứng đầu
thực sự là “công bộc” của dân, có ý thức tận tụy phục vụ nhân dân, làm việc
đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình; luôn đặt lợi ích tập thể và
lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết thì sẽ chữa trị “bệnh” thành tích,
háo danh có hiệu quả.
Bên cạnh những biện pháp trên thì rất cần tới một sự thanh
liêm, trong sáng, khách quan của các cơ quan chức năng trong xem xét, đánh giá
để quyết định khen thưởng đúng những thành tích thật của các cơ quan, đơn vị,
địa phương, kịp thời phát hiện những “ngụy” thành tích - biểu hiện của “bệnh”
thành tích, háo danh. Đồng thời, cũng cần sự nghiêm minh và kiên quyết trong
công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, của Nhà nước; trong đó, hết sức
chú ý vai trò các bộ phận chuyên trách làm công tác kiểm tra, thanh tra, giám
sát của tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Thông qua kiểm tra, thanh tra phát
hiện đúng những biểu hiện của “căn bệnh” này để có biện pháp kỷ luật nghiêm
khắc, kịp thời loại khỏi đội ngũ số cán bộ, đảng viên mắc sai phạm trầm trọng
bởi “bệnh” thành tích, háo danh, góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng suy
thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ của Đảng.
“Bệnh” thành tích, háo danh một hiện tượng xã hội nguy hại
hiện nay, đang làm tha hoá đạo đức cách mạng của không ít cán bộ, đảng viên;
sớm biến những cán bộ, đảng viên vốn trước đây chân chính thành những người
thiếu trung thực, giả dối, mất đi phẩm chất khiêm tốn để trở thành những kẻ
kiêu ngạo, không còn là “công bộc” của nhân dân. Nhận thức đúng “căn bệnh” này
để kịp thời ngăn ngừa, chữa trị, không để lây lan và thêm trầm trọng là điều
vừa cấp thiết vừa lâu dài hiện nay. Quá trình đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ
thống chính trị với những biện pháp đồng bộ và thái độ kiên quyết để đem tới
hiệu quả tích cực, góp phần phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống trong
đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung 4 khoá XII đã chỉ ra./.
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc, xin cảm ơn
Trả lờiXóa