Sau thất bại tại Ðiện Biên Phủ, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và phải rút quân khỏi miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản thủ đô.
Ðúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính cuối cùng của quân đội Pháp rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố.
Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, tiến về Hà Nội. Trung đoàn thủ đô vinh dự giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” dẫn đầu đoàn quân 200 ngàn nhân dân thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui ngập tràn đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều, hàng chục ngàn nhân dân và các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố trang nghiêm dự lễ chào cờ tại Sân vận động Cột Cờ. Cả Hà Nội bừng bừng câu hát Tiến quân ca, rạo rực niềm vui giải phóng.
Ngày 10-10-1954 đi vào lịch sử, không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội; là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Ngay trong những ngày đầu tiên trở về thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân thủ đô: “Cả nước nhìn về thủ đô ta. Thế giới trông vào thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, ngay sau khi hoàn thành thắng lợi việc tiếp quản thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ hơn 1 tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và 1 năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.
Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân TP.Hà Nội đã giành được những thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa