Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Nhận thức rõ vấn đề đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách tấn công, nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bên cạnh những hoạt động như tác động, chuyển hóa; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ Đảng thì một mũi tấn công trọng yếu, thường xuyên được các thế lực thù địch tiến hành thời gian vừa qua là đẩy mạnh hoạt động phá hoại tư tưởng với nhiều luận điệu “tấn công trực diện” vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục đích của các thế lực thù địch là thông qua hoạt động phá hoại tư tưởng để tác động, nhằm thay đổi nhận thức, niềm tin của các tầng lớp nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào tính tất yếu về sự ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng, từ đó lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào con đường chống lại Đảng, hình thành nên các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập tại Việt Nam, tiến tới thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng. Với mục đích đó, các thế lực thù địch đã tung ra hàng trăm, hàng nghìn luận điệu khác nhau, tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do sự tác động từ hoạt động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, cộng với sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không tích cực học tập, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như nhận thức chính trị non kém nên trong nội bộ Đảng cũng đã xuất hiện một số cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị. Đáng chú ý, có một số người tỏ ra đồng tình, ủng hộ, thậm chí cổ súy cho một luận điểm phá hoại tư tưởng rất phổ biến đó là chỉ có thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì Việt Nam mới có dân chủ, xã hội Việt Nam mới có thể phát triển sánh kịp với các quốc gia khác trên thế giới. Và ngược lại, nếu vẫn duy trì chế độ một đảng thì sẽ đồng nghĩa với độc tài, sẽ cản trở quá trình phát triển của đất nước.
Có thể thấy rằng, đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm, bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Với những người có nhận thức chính trị không vững vàng có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi luận điệu này, từ đó cổ súy cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Việc nhận diện đầy đủ và đấu tranh phản bác, thuyết phục, vạch rõ những điểm giả dối, phản cách mạng, phản khoa học trong luận điệu “đa nguyên, đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển” là vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của chế độ hiện nay.
Xoay quanh vấn đề này, thiết nghĩ cần làm rõ một số điểm lớn sau: Thứ nhất, Việt Nam có cần thiết phải thực hiện đa nguyên, đa đảng không? Thứ hai, cơ sở lý luận cho việc thực hiện thể chế đa nguyên, đa đảng có thực sự cách mạng và khoa học? Thứ ba, thực chất âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch trong việc thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam là gì? Trả lời được những câu hỏi này sẽ cho chúng ta nhìn nhận, đánh giá rõ được về sự sai trái trong luận điểm nêu trên.
Vấn đề thứ nhất, Việt Nam hiện nay có cần thiết phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không? Câu trả lời là không. Xuất phát từ mấy điểm sau:
Một là, sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của toàn thể nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vừa tuân theo quy luật chung, vừa tuân theo quy luật lịch sử đặc thù của Việt Nam, giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc. Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cả nước ta chìm trong lầm than nô lệ của thực dân Pháp. Nhiều phong trào yêu nước đã xuất hiện như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, Yên Bái nhưng lần lượt thất bại. Việc tìm kiếm con đường cứu nước của các chí sĩ tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đều rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và chính Người đã có công truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị điều kiện tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời của Đảng Cộng sản. Cũng chính nhờ sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam mà phong trào công nhân và phong trào yêu nước có điều kiện phát triển mạnh mẽ và dẫn tới sự hình thành các tổ chức cộng sản. Sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn tiếp tục thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, nhưng cũng đặt ra một yêu cầu bức thiết rằng, cần phải hợp nhất ba tổ chức thành một tổ chức thống nhất để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Và sự ra đời của Đảng Cộng sản sau Hội nghị hợp nhất ngày 03-02-1930 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, mở ra một thời đại mới cho lịch sử đất nước.
Giai đoạn từ 1930-1945, lịch sử Việt Nam chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản chứ không có bất kỳ tổ chức, đảng phái chính trị nào lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là công lao của Đảng Cộng sản. Đến năm 1946, do bối cảnh tình hình chính trị lúc đó, tại Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản, xuất hiện thêm hai đảng khác là Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Tuy nhiên, về thực chất lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn chỉ có Đảng Cộng sản, còn hai đảng Việt Quốc và Việt Cách “theo đuôi Tưởng” không hề đứng về lợi ích dân tộc. Cho đến khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng ra đi theo quân Tưởng, trên vũ đài chính trị chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự xuất hiện và rút lui của hai đảng Việt Cách và Việt Quốc cho thấy, chỉ có Đảng Cộng sản là được nhân dân và lịch sử Việt Nam lựa chọn, còn những đảng phái không đứng về nhân dân đã bị chính lịch sử và nhân dân ta loại bỏ. Thời kỳ sau đó, bên cạnh Đảng Cộng sản cũng tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sau đó tuyên bố tự giải thể vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.
Thật vậy, Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng, nhưng chính lịch sử và nhân dân Việt Nam đã phủ định chế độ đó. Thực tế đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ và không bao giờ tự ban cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, mà vai trò đó là nhiệm vụ cao cả mà nhân dân Việt Nam tin tưởng giao phó. Ngay từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trung thành với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đây là sự lựa chọn của lịch sử.
Hai là, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đưa đất nước phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đường lối lãnh đạo đúng đắn, đã đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Năm 1945, chỉ 15 năm sau ngày thành lập với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn thể nhân dân làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử, lật đổ ách áp bức của thực dân phong kiến, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nhân dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do. Sau đó, Đảng lại lãnh đạo nhân dân làm nên hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo ra những chiến thắng vang dội địa cầu và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Với đường lối đổi mới đúng đắn, Đảng đang lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước từ nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một quốc gia đang phát triển năng động, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, uy tín, vị thế Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, văn hóa, xã hội có nhiều bước phát triển. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, vì thế không cần thiết phải thực hiện đa nguyên, đa đảng.
Ba là, tiêu chí cao nhất của hoạt động chính trị đó là ổn định xã hội vững bền và sự tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, một đảng hay đa đảng, đa nguyên hay không đa nguyên cũng đều phải vì vấn đề cốt lõi này.
Việt Nam hiện nay, dưới vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản đang đáp ứng tốt vấn đề này. Với chế độ một đảng lãnh đạo, Việt Nam có điều kiện để giữ vững ổn định chính trị, được đánh giá là một trong những nước có sự ổn định chính trị cao trên thế giới. Đây là một điểm sáng và là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiếm khi xảy ra bất ổn chính trị hay khủng bố, bạo loạn đường phố, điều thường xảy ra ở quốc gia đa đảng do sự cạnh tranh quyền lực. Chính trị ổn định, an ninh giữ vững, thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, cho nên Chính phủ có điều kiện để cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân cũng như nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Nếu hiện nay Việt Nam thực hiện đa nguyên, đa đảng, đất nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất ổn định chính trị do sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái. Thực tiễn, nhiều nước trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng về chính trị do sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái, từ đó dẫn tới kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Đây là bài học đã từng diễn ra ở nhiều quốc gia như Thái Lan, U-crai-na, Ai Cập...
Bốn là, dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với sẽ có dân chủ và phát triển.
Dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và mỗi nền dân chủ phải gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật quy định về quyền công dân, nó tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn lịch sử tương ứng. Trong phê phán cương lĩnh Gôta, C.Mác viết: “Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa, xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”. Mỗi nước có những đặc thù và trình độ phát triển về kinh tế, chính trị, lịch sử,... khác nhau, do đó có nền dân chủ khác nhau. Chính những yếu tố đó quy định dân chủ chứ không phải là cơ chế đa nguyên, đa đảng hay một đảng. Quan điểm cho rằng, đa đảng thì có dân chủ và một đảng thì mất dân chủ thực ra là một trò “lập lờ đánh lận con đen” nhằm cổ vũ cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Chính đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, lần sang thăm Ấn Độ năm 2010, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Express Ấn Độ về việc liệu đã đến lúc chín muồi để Việt Nam có một hệ thống đa đảng, hoặc có các đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam để có thể tính tới các quan điểm của nhiều nhóm sắc tộc, nhiều dân tộc khác nhau, đồng chí đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Và cũng không nhất thiết cứ kinh tế thị trường thì phải đa đảng và ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ”.
Câu trả lời của đồng chí Tổng Bí thư có lẽ cũng là lời giải đáp thuyết phục cho vấn đề đa đảng, một đảng và dân chủ.
Thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với việc sẽ có dân chủ, với việc sẽ đưa đất nước phát triển. Thực tiễn, nhiều nước đã chứng minh rằng, có những nước đa đảng nhưng vẫn thuộc loại nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có những nước chỉ một đảng lãnh đạo nhưng vẫn là nước rất phát triển với đời sống nhân dân sung túc. Điều đó có nghĩa là đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho sự phát triển. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ không phải là đa đảng hay một đảng lãnh đạo mà quan trọng nhất đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn của đảng cầm quyền. Và như đã khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, với đường lối lãnh đạo sáng suốt, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang đưa đất nước phát triển, người dân cả nước đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, dân chủ vẫn đang được mở rộng và nhân quyền của người dân luôn được đảm bảo. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là một trong những minh chứng điển hình cho vấn đề Việt Nam có dân chủ, nhân quyền hay là không.
Hơn nữa, cần phân biệt rõ giữa đa đảng, đa nguyên với đa đảng, nhất nguyên. Một số người, kể cả cán bộ, đảng viên mơ hồ vẫn thường lấy thể chế chính trị của Mỹ để ca ngợi cho tính ưu việt của mô hình đa nguyên, đa đảng. Ấy thế nhưng, nếu tìm hiểu kỹ thấy rõ một điều rằng, ở Mỹ chỉ có hai đảng thay nhau lãnh đạo xã hội Mỹ, đó là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Về bản chất, đây đều là đảng của giai cấp tư sản. Vậy thực chất nền chính trị Mỹ là đa đảng nhưng nhất nguyên chứ không phải đa đảng, đa nguyên như nhiều người nhầm tưởng. Tương tự như thế, ở một số nước tư bản phương Tây khác, mặc dù Đảng Cộng sản có thể được cho tồn tại nhưng nếu giai cấp tư sản cảm nhận thấy sự tồn tại đó có khả năng uy hiếp, đe dọa đến sự lãnh đạo, thống trị xã hội của họ thì ngay lập tức, Đảng Cộng sản đó sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Vấn đề thứ hai, cơ sở lý luận cho việc thực hiện thể chế đa nguyên, đa đảng là gì và nó thực sự có tính khoa học, cách mạng?
Về vấn đề này, cần khẳng định, cơ sở lý luận cho việc thực hiện đa nguyên, đa đảng chính là chủ nghĩa đa nguyên vốn có từ lâu. Chủ nghĩa đa nguyên là một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà triết học Đức Wolf Chiristian Von (1679-1754) đề xuất vào đầu thế kỷ XVIII. Thế giới quan của chủ nghĩa đa nguyên là phủ nhận tính thống nhất của thế giới, cho thế giới là sự kết hợp các nguyên thể, các yếu tố cường điệu thổi phồng cái riêng. Chủ nghĩa đa nguyên ít thiên về thế giới quan mà chủ yếu gắn liền với những vấn đề xã hội. Chủ nghĩa đa nguyên lấy xã hội tư sản trên chế độ tả hữu làm mẫu, họ cho rằng xã hội luôn được chia nhỏ thành cơ số các cá thể, nhóm, tầng lớp, tập đoàn, phân biệt bằng tài sản và thu nhập, tín ngưỡng, tôn giáo, đảng phái, nghề nghiệp, che đậy tính đối kháng trong mối quan hệ xã hội và đặc biệt là phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa đa nguyên chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Quan điểm này của chủ nghĩa đa nguyên nếu được áp dụng vào chủ nghĩa xã hội thì sẽ dẫn đến nguy cơ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hạ thấp đảng thành một tổ chức xã hội bình thường. Nó đối lập hoàn toàn với lý luận đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Có thể thấy rằng, chủ nghĩa đa nguyên là sản phẩm của giai cấp tư sản với thế giới quan phi khoa học, là một trong những công cụ lý luận cho sự tồn tại của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chính vì thế, cho nên, nếu chúng ta chấp nhận thứ học thuyết này, chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì chẳng khác nào một sự thỏa hiệp với giai cấp tư sản trên lĩnh vực tư tưởng.
Vấn đề thứ ba, âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch trong việc thúc đẩy đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam là gì và Việt Nam sẽ như thế nào nếu thực hiện đa nguyên, đa đảng?
Cần khẳng định rằng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nằm trong âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Chính vì lẽ đó, để chống phá cách mạng Việt Nam, để chặn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch tìm mọi cách tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Đòi hỏi phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, về bản chất là để nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho việc ra đời và công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng. Những gì đã diễn ra tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã chứng minh rất rõ âm mưu, ý đồ thâm độc này. Chẳng phải tại Liên Xô dưới sự tác động của các thế lực thù địch và sự “phản bội” của một số người lãnh đạo chóp bu, đặc biệt là M.S.Gorbachev, ngày 15-3-1990 tại Đại hội bất thường của các đại biểu nhân dân, Điều 6 Hiến pháp của Liên Xô (quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản) bị xóa bỏ. Đây là “dấu mốc” quan trọng dẫn đến hình thành cơ chế đa nguyên, đa đảng với việc ra đời của nhiều tổ chức, đảng phái chính trị đối lập cạnh tranh vai trò lãnh đạo. Ngay lập tức, ngoài Đảng Cộng sản Liên Xô còn có tới 153 tổ chức đảng phái khác ra đời và cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản Liên Xô. Đến đầu năm 1991, sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ còn trên danh nghĩa và sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 8-1991 là một tất yếu khi Đảng Cộng sản đã mất quyền lãnh đạo. Vậy nếu Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì chắc chắn sẽ “mắc mưu” các thế lực thù địch và đi theo “vết xe đổ của Liên Xô”, bao nhiêu thành quả cách mạng sẽ tiêu tan.
Ngoài ra, cũng cần khẳng định thêm rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nghiêm khắc và trách nhiệm cao với sứ mệnh lãnh đạo của mình. Đảng không bảo thủ, xa rời quần chúng mà ngược lại, luôn đề cao phê bình và tự phê bình, luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn biết tự đổi mới và gắn bó mật thiết với nhân dân. Chính điều này đã giúp Đảng nâng cao được năng lực lãnh đạo và dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao thác ghềnh, bão tố. Có những thời điểm, tình hình cách mạng rơi vào thế hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc” như những năm 1945-1946, những năm 80 của thế kỷ XX hay sau khi Liên Xô sụp đổ, tuy nhiên, Đảng với bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo đã đưa sự nghiệp cách mạng vượt qua và tiếp tục phát triển. Hiện nay, Đảng cũng đang rất quyết liệt trong công cuộc chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 17-12-1998 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh quốc gia khẳng định: “Bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; không chấp nhận đa nguyên chính trị; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, đối trọng với Đảng và Nhà nước”. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14-10-2006 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác lãnh đạo đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới một lần nữa nhấn mạnh: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Không để xảy ra khủng bố, phá hoại, bạo loạn chính trị, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự; kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa; không để kẻ xấu lợi dụng tự do báo chí để vu khống, bôi đen Đảng và Nhà nước ta”. Điều này cho thấy, quan điểm nhất quán của Đảng ta là không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Tóm lại, vì nhiều lý do, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn cho thấy, luận điểm muốn mở rộng dân chủ và phát triển xã hội, Việt Nam phải thực hiện đa nguyên, đa đảng là một luận điểm sai trái. Việt Nam hiện nay không cần thiết phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Với sự cố gắng nỗ lực của toàn dân, toàn quân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Bản chất của các thế lực thù địch là không thay đổi; chúng cổ súy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, với động cơ chính trị đen tối, đó là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì vậy chúng ta phải cảnh giác
Trả lờiXóa