Social Icons

Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI QUỐC PHÒNG TRƯỚC SAU NHƯ MỘT CỦA VIỆT NAM

Năm 2019, Việt Nam đã đứng trước hai sức ép lớn về quốc phòng-an ninh Một là sức ép gia tăng từ phía Trung Quốc thông qua các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại các vùng EEZ và thềm lục địa mà Việt Nam có quyền chủ quyền theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982. Hai là sức ép từ bộ máy truyền thông của Mỹ, phương Tây, các thế lực thù địch với Việt Nam và cả Trung Quốc chỉ trích chiến lược đối ngoại quốc phòng “ba không” của Việt Nam kèm theo những luận điệu thông tin sai lệch về việc Việt Nam sắp có liên minh quân sự với Mỹ trước sức ép của Trung Quốc cũng như cả những thông tin xằng bậy của một số cơ quan thông tấn Trung Quốc rằng Việt Nam đi với Mỹ để chống Trung Quốc. Tất cả những luận điệu “lộng giả thành chân” ấy, những thông tin sai trái ấy đều ẩn chứa những mục đích chính trị của các thế lực đã “chế tạo”, “sản xuất” và tung ra những luận điệu ấy, những thông tin ấy. Nó cho thấy cuộc chiến “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch với Việt Nam đã được nâng lên một tầm cỡ mới, với những thủ đoạn mới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi các sự kiện được phản chiếu qua những “tấm gương mờ” và “cong”, thậm chí là “lồi lõm” ấy không hề đem lại cho độc giả một bức tranh chân thực về tình hình thực tế đang diễn ra. Không những thế, những “tấm gương” cong, mờ và lồi lõm ấy còn dẫn dắt độc giả đến những nhận thức sai lầm, phiến diện, thiển cận… và hệ quả là tạo ra những nhận định sai lầm, những phán đoán sai lầm và cả những hành động sai lầm. Đó là quy luật tất yếu của “chiến tranh tâm lý”. Nhìn từ góc độ chính diện thì đây là sự tiếp diễn của các chiến lược chống phá Việt Nam bằng những thủ đoạn chiến tranh thông tin mới, núp dưới chiêu bài “chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền” và hàng loạt những thái độ giả tạo, cơ hội chính trị khác núp dưới danh nghĩa “yêu nước”.
1- Nhận thức toàn diện về vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Khi phân tích vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, không ít các nhà bình luận, phân tích, các nhà báo và thậm chí cả một số chính trị gia đều chỉ nhấn mạnh đến việc “Trung Quốc “bắt nạt” Việt Nam”, “Việt Nam cần làm thế nào để chống lại Trung Quốc” và “Ai sẽ giúp Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông”… Đây là nhận thức hết súc phiến diện và do đó, đưa đến những suy đoán, những kết luận sai lầm.
Tất nhiên là Việt Nam có chỗ để nói chuyện riêng với Trung Quốc. Đó là vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa. Với việc “bật đèn xanh” của chính quyền Mỹ khi đó, đầu năm 1974, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép quần đảo này từ tay chính quyền ngụy Sài Gòn. Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa chỉ là một góc nhỏ trong toàn bộ vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS-1982) mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1994. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông cần được nhận thức một cách toàn diện từ nhiều mối quan hệ song phương, quan hệ đa phương, quan hệ trong khu vực, quan hệ liên khu vực và quan hệ toàn cầu chứ không còn là “chuyện riêng” giữa Việt Nam và Trung Quốc (trừ vấn đề quần đảo Hoàng Sa).
Vấn đề nằm ở chỗ theo quy định của UNCLOS-1982, Việt Nam không thể sở hữu toàn bộ Biển Đông mà chỉ sở hữu tối đa là 1/3 diện tích vùng biển quan trọng này ở nhiều cấp độ khác nhau, từ nội thủy cho đến lãnh hải, từ vùng tiếp giáp lãnh hải cho đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các vùng còn lại ở Biển Đông (bao gồm cả Vịnh Thái Lan) được sở hữu bởi các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Bruney, Thái Lan, Campuchia và Singapore. Ấy thế nhưng một khi phía Trung Quốc có hành động gì đó ở Biển Đông, mặc dù nằm bên ngoài phạm vi chủ quyền của Việt Nam thì bộ máy truyền thông Mỹ, phương Tây và một số kẻ người Việt phản động, thù địch với Việt Nam ở trong và ngoài nước lại làm rầm rộ lên về việc “Trung Quốc xâm phạm Biển Đông của Việt Nam !”.
Và khi người Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra bằng hải quân và không quân trên các vùng biển quốc tế hoặc trên các vùng biển của Việt Nam, của Philippines, của Malaysia.v.v… (tất nhiên là phải được các nước này cho phép) nhằm bảo đảm an toàn hàng hải và hàng không của các nước có sử dụng Biển Đông thì “dàn nhạc truyền thông” ấy lại cùng nhau tấu lên bản nhạc “người Mỹ giúp Việt Nam (hoặc một nước nào đó) bảo vệ chủ quyền”. Những sự thật có phải là như vậy không ?
Đối với các nước Đông Nam Á có sở hữu các vùng biển ở Biển Đông thì một điều hoàn toàn hợp tình, hợp lý là họ có quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu ấy của họ, bảo vệ lợi ích trực tiếp của họ ở Biển Đông. Tất nhiên họ có thể “nhờ vả” nước này, nước khác, liên minh quân sự với nước nọ, nước kia để “mượn sức” bù đắp lại sự yếu thế của mình. Nhưng có một chân lý cực kỳ chắc chắn trên đời này là nếu “cái gì” là của mình mà mình không đứng tự bảo vệ, phải mượn thế lực này, thế lực khác đứng ra bảo vệ giùm thì trước sau gì, “cái ấy” cũng mất. Không mất bằng cách này thì bằng cách khác. Không mất toàn bộ thì cũng sẽ mất một phần. Nói nôm na là phải trả giá, kể cả “giá máu”. Bởi trong quan hệ quốc tế thời hiện đại, một khi đã phải nhờ vả thì không ai làm không công cho ai cái gì cả.
Ngoài Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác tiếp giáp Biển Đông có chủ quyền quốc gia ở Biển Đông thì nhiều nước và vùng lãnh thổ khác, thậm chí là các nước lớn, các cường quốc cũng có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông. Gần thì như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Liên bang Nga (vùng Viễn Đông), Đài Loan, Hồng Công… Xa thì như Ấn Độ, Australia, các nước EU, các nước Tây Nam Á .v.v… và đương nhiên là cả Mỹ. Các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ là giao thông hàng hải, giao thông hàng không và hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông.
Theo nguyên tắc bất di bất dịch là ở đâu có lợi ích thì ở đó phải có sự bảo vệ cho lợi ích đó. Không bằng cách này thì bằng cách khác. Và trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, việc bảo vệ những lợi ích đó có vai trò quan trọng không kém việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Lợi ích ở Biển Đông của các quốc gia ấy chỉ xếp dưới một bậc so với lợi ích tuyệt đối và trực tiếp của các quốc gia ven Biển Đông ở yếu tố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; được hiểu nôm na là quyền sở hữu đối với các vùng biển ở Biển Đông mà UNCLOS-1982 quy định.
Nói trắng ra, nếu một quốc gia có lợi ích nào đó ở Biển Đông thì mặc dù không có quyền sở hữu vùng biển ấy, quốc gia vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ nhất định đối với Biển Đông. Và đó cũng là quyền của các quốc gia đó ở tầm mức quốc tế, khi lợi ích của mình bị đe dọa, uy hiếp. Điều này hoàn toàn phủ nhận lập luận sai trái của phía Trung Quốc rằng “Biển Đông là của Trung Quốc và các nước ven Biển Đông, các nước ngoài khu vực (ý nói không sở hữu Biển Đông) không được can thiệp vào”. Ngược lại các nước có lợi ích ở Biển Đông mặc dù không có quyền sở hữu các thực thể địa lý ở Biển Đông (gồm vùng biển, vùng trời, hải đảo…) cũng đồng thời có quyền và nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Vì thế, việc Việt Nam kêu gọi các nước trên thế giới cùng chung tay bảo vệ Biển Đông là hợp tình, hợp lý và phù hợp với công pháp quốc tế chứ không phải là cố tình “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, lôi kéo các nước khác vào Biển Đông làm phức tạp tình hình” như phía Trung Quốc vẫn thường vu cáo Việt Nam.
Như vậy, việc các nước cùng chung tay bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông (bao gồm cả Mỹ) bằng cách này hay cách khác, chống lại sự gây hấn của Trung Quốc trước hết là vì quyền và lợi ích của chính họ. Điều này hoàn toàn khác với việc trong quan hệ song phương, một quốc gia này do yếu thế hơn bị một quốc gia khác mạnh hơn xâm phạm chủ quyền buộc phải nhờ đến một quốc gia thứ ba mạnh hơn nữa can thiệp để bảo vệ chủ quyền của mình. Kinh nghiệm của Việt Nam trải qua ba cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc trong thế kỷ XX cho thấy rằng Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ trong các cuộc kháng chiến ấy. Việt Nam chỉ nhờ đến sự giúp đỡ vật chất và tinh thần của đồng minh và các bạn bè để bảo vệ Tổ Quốc mình và đã bảo vệ thành công chứ không hề có bất cứ một đội quân nước ngoài nào đến để trực tiếp chiến đấu bảo vệ lãnh thổ cho Việt Nam.
Một khi các nước có quyền lợi, dù trực tiếp hoặc gián tiếp ở Biển Đông nhận thấy quyền lợi ấy của họ bị uy hiếp, bị xâm phạm nghiêm trọng có nguy cơ đe dọa hòa bình và sự phát triển thịnh vượng của chính họ thì một cách tự nhiên, họ sẽ tập hợp lại thành một liên minh để loại trừ những sự uy hiếp, những sự đe dọa, những sự xâm phạm ấy. Khỏi cần phải chờ ai đó kêu gọi, hối thúc. Miễn là không chỉ một mà nhiều quốc gia cùng nhận thức được điều đó và không mắc vào cái bẫy “bẻ đũa từng chiếc”, vào sách lược “chia để trị” của đối thủ.
2- Đoàn kết giữa các lực lượng vũ trang, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế có vai trò quan trọng và sức mạnh to lớn hơn bất kỳ một liên minh quân sự nào.
Trong thời gian qua, báo chí trong nước thường thổi phồng hoặc tăng dày mật độ thông tin về việc Việt Nam mua sắm vũ khí hiện đại của nước này, nước khác, hợp tác quốc phòng với nước nọ, nước kia mà không chú ý đến sự tự lực tự cường của nền quốc phòng Việt Nam. Đó là kiểu đưa tin một chiều. Cả việc chỉ chú trọng đưa tin rầm rộ về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà ít để ý đến các hoạt động tăng cường năng lực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là sự phiến diện. Cũng như các thông tin về an ninh trật tự chỉ tô đậm mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà chỉ đưa tin qua loa, làm nhạt nhòa thực tế chiến đấu phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự của Công an Nhân dân. Đó là sự thiên lệch. Tất cả những sự phiến diện, một chiều, thiên lệch ấy đã dẫn đến một hậu quả tất yếu là làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam trong vấn đề quốc phòng-quân sự bảo vệ Tổ Quốc cũng như vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự xã hội.
Không những thế, không ít tờ báo gần như coi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ riêng của quân đội, coi nhiệm vụ bảo vệ an ninh và bảo đảm trật tự xã hội là việc riêng của Công an Nhân dân. Đây cũng là những sai lầm thường thấy của không ít cơ quan thông tin truyền thông trong nước, không phản ánh đúng chủ trương chính sách quốc phòng-an ninh của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Còn đối với bộ máy truyền thông nước ngoài thì khỏi phải nói. Họ phản ánh những động thái quốc phòng và an ninh của Việt Nam như thể Việt Nam có đường lối, chính sách, pháp luật và tổ chức xã hội giống như họ.
Chính sách nhất quán trước sau như một của Đảng và Nhà nước Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Bởi từ năm 1858 đến nay, tính ra đã là một thế kỷ rưỡi, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể là một lực lượng chính trị có uy tín, có đủ trí tuệ và lương tâm để trở thành lực lượng lãnh đạo, hạt nhân trung tâm có đủ năng lực đoàn kết toàn thể người dân Việt Nam đấu tranh không mệt mỏi để giành được độc lập vào năm 1945, để chiến đấu giữ vững nền độc lập ấy và xây dựng phát triển đất nước từ điểm xuất phát rất thấp, vươn lên hàng ngũ các nước đang phát triển chỉ trong 25 năm thực sự có hòa bình, ổn định từ năm 1994 đến nay.
Đối với các hoạt động bảo về chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam thì ngoài không gian đất liền, vùng trời, vùng biển-đảo, Việt Nam còn có nhiều đối tượng khác đã và đang được đặt trong phạm vi bảo vệ như bảo vệ chủ quyền độc lập như không gian chính trị-tư tưởng, không gian kinh tế-xã hội, không gian văn hóa-giáo dục, không gian thông tin-truyền thông (không gian mạng). Để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ Quốc Việt Nam trên toàn bộ các không gian ấy, không chỉ có trách nhiệm của các lực lượng vũ trang như quân đội, công an mà còn có trách nhiệm của tất cả các ngành như ngoại giao, các ngành kinh tế, các ngành văn hóa-xã hội, các ngành thông tin truyền thông .v.v… và cao hơn tất cả là trách nhiệm của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, người Việt Nam đã thực hiện nhất quán chủ trương chiến lược chiến tranh nhân dân toàn diện để đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền quốc gia thì trong thời kỳ hòa bình hiện nay, chiến lược toàn dân bảo vệ Tổ quốc, toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia vẫn được duy trì và phát huy. Không phải ngẫu nhiên mà Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12) cũng được lấy làm Ngày Quốc phòng toàn dân và Ngày Truyền thống của Công an Nhân dân Việt Nam (19-8) cũng được lấy làm Ngày Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Riêng đối với hai lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Việt Nam có một chiến lược ứng xử khác hẳn với nhiều nước trên thế giới. Trong khi các nước đó tách rời nhiệm vụ quốc phòng khỏi nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự thì người Việt Nam luôn coi trọng sự gắn kết chặt chẽ không thể tách rời giữa hai lĩnh vực này. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia bao gồm cả việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự và nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cũng bao hàm cả việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ở thời chiến, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự đồng nghĩa với việc xây dựng một hậu phương vững mạnh và ổn định, làm cơ sở vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Ở thời bình, nhiệm vụ quốc phòng cũng hỗ trợ đắc lực cho việc bảo vệ an ninh trật tự.
Và ở Việt Nam, khối đoàn kết giữa hai lực lượng vũ trang hàng đầu có vai trò nòng cốt là Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân là sự bảo đảm chắc chắn cho việc thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Do đó, người ta không hề ngạc nhiên trước những thủ đoạn tuyên truyền xằng bậy của các thế lực phản động thù địch nhằm chia rẽ Quân đội Nhân dân Việt Nam với Công an Nhân dân Việt Nam, chia rẽ Quân đội và Công an với Nhân dân, chia rẽ Đảng và Nhà nước với Nhân dân, chia rẽ các ngành với Quân đội và Công an và tung ra chiêu bài đòi phi chính trị hóa hòng thay đổi bản chất chính trị của Quân đội và Công an.
Khi Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam thành một trong hai lực lượng vũ trang nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam thì các thế lực phản động thù địch rêu rao rằng Đảng coi trọng Công an hơn Quân đội. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường đầu tư xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại thì chúng lại rêu rao rằng Đảng coi trọng Quân đội và “bỏ rơi” Công an. Khi Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực trong Quân đội và Công an, làm trong sạch đội ngũ, nâng cao sức chiến đấu và bản lĩnh chính trị thì chúng lại rêu rao rằng cả Quân đội và Công an đang có “vấn đề” về “độ tin cậy chính trị”.
Ngoài ra, những kẻ phản động thù địch còn tung ra những thủ đoạn nhằm thổi phồng khuyết nhược điểm trong nội bộ Quân đội và Công an, bịa đặt và vu cáo các cấp chỉ huy, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Quân đội và Công an nhằm phá hoại uy tín của hai lực lượng vũ trang này. Tất cả những thủ đoạn tuyên truyền bịa đặt và xuyên tạc ấy đều nhằm tước đi của Nhân dân Việt Nam hai lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ hòa bình và ổn định; là một chiến thuật hiểm độc nhưng không hề mới trong toàn bộ âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực phản động thù địch.
Hiện nay, có hai mối uy hiếp chủ yếu nhất đối với quốc phòng và an ninh của Việt Nam. Một là sự xâm lấn biển đảo của Việt Nam từ phía Trung Quốc. Hai là sự o bế của chính phủ các nước sở tại các nhóm người Việt “tỵ nạn chính trị” chống Nhà nước Việt Nam đang tồn tại ở Mỹ, ở Đức, ở Australia, móc nối với các nhóm phản động trong nước gây mất ổn định chính trị, xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam. Những nhóm phản động thù địch ấy lợi dụng mâu thuẫn Việt-Trung về vấn đề chủ quyền biển-đảo để chống Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lợi dụng hoạt động của những ổ nhóm này làm suy yếu Việt Nam về chính trị và kinh tế, làm rối loạn nội bộ xã hội Việt Nam để kiềm chế Việt Nam, buộc Việt Nam phải nhượng bộ, đi đến phụ thuộc vào Trung Quốc. Còn Mỹ thì lợi dụng mâu thuẫn Việt-Trung để lôi kéo Việt Nam đứng về phe mình nhằm đạt mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Đó chính là những lý do cơ bản nhất để Việt Nam phải gắn chặt vấn đề quốc phòng với vấn đề an ninh, gắn liền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia với nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa,. chống lại mọi âm mưu xâm lược cũng như mọi âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Và lớn hơn tất cả, việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ hòa bình, ổn định của đất nước để phát triển kinh tế-xã hội là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam và được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân làm nòng cốt. Trong việc thực hiện hai nhiệm vụ ấy, phương tiện, vũ khí là cần thiết và con người mới là yếu tố quyết định. Nhưng con người chỉ trở thành yếu tố quyết định khi được tổ chức, chỉ đạo hoạt động thống nhất, có kỷ luật, có chiến lược, chiến thuật đúng đắn, có biện pháp linh hoạt, phù hợp với mọi điều kiện, hoàn cảnh, có sự đoàn kết đồng tâm nhất trí.
Lý giải cho việc Việt Nam vẫn tự tin thực hiện chính sách quan hệ đối ngoại quốc phòng “ba không” chỉ có một từ thích hợp nhất là “ĐOÀN KẾT”. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc ở thế kỷ XX, Việt Nam không chỉ cũng cố vững chắc khối “ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC” có sức mạnh to lớn chống lại bất cứ một thế lực ngoại bang xâm lược nào mà còn có khối “ĐẠI ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ”, tạo nên một sức mạnh còn to lớn gấp bội để bảo vệ chủ quyền, độc lập, mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước mình và cho thế giới. Sự đoàn kết ấy có còn tác dụng gấp nhiều lần so với một liên minh quân sự.
3- Không có chuyện Việt Nam từ bỏ chính sách đối ngoại quốc phòng “ba không” để liên minh quân sự với Mỹ chống Trung Quốc.
Ngoài những lợi ích thiết thực từ việc cân nhắc kỹ càng các mặt có lợi và bất lợi, việc Nhà nước Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại quốc phòng “ba không” còn phản ánh tinh thần độc lập, tự cho trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy mà cứ mỗi khi Việt Nam có động thái tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, với Australia, với Anh, với Pháp, với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với Ấn Độ .v.v… là một dịp bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây lại làm rầm rộ câu chuyện về việc Việt Nam sắp liên minh quân sự với Mỹ để chống Trung Quốc, rằng Mỹ sẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Thậm chí, có kẻ còn nhận định chắc như đinh đóng cột rằng chỉ có liên minh quân sự với Mỹ, Việt Nam mới giữ được chủ quyền ở Biển Đông. Còn những kẻ phản động thù địch cũng lập tức hùa theo khi rêu rao rằng chính sách quốc phòng “ba không” là “tự cô lập mình”. Vậy sự thật có là như thế không ?
Những thông tin kiểu này mang tính chuyên môn, khoa học thì ít mà mang tính chủ quan xuất phát từ tâm lý nô lệ, ăn bám và phụ thuộc thì nhiều. Những kẻ tung ra những thông tin này thừa biết rằng nó sẽ tạo ra cái cớ để Trung Quốc gia tăng tuyên truyền chống Việt Nam vì cái tội “đi theo Mỹ để chống Trung Quốc”, là “Việt Nam từ bỏ chính sách quốc phòng ba không” cũng như tạo ra những cái cớ để Trung Quốc gia tăng những hành động chống lại chủ quyền của Việt Nam. Những kẻ tung ra các thủ đoạn tuyên truyền như vậy hòng kích động những hành động chống Việt Nam của Trung Quốc mạnh hơn và cuối cùng buộc Việt Nam phải “đứng về phe Mỹ”.
Đó là ý đồ thật sự của bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây. Không những thế, họ còn lợi dụng sự yếu kém về bản lĩnh chính trị của nhiều tờ báo, trang tin, tạp chí Việt Nam cũng như những nhận thức sai lầm, thiển cận của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam để khuếch đại những thông tin kiểu này hòng tạo sức ép dư luận lên bộ máy lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, gián tiếp tác động đến việc hoạch định đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhưng những ý đồ ấy đã không thể đem lại hiệu quả, đã không thể làm lung lay hay chệch hướng đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Lý do là bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây cũng như một bộ phận giới truyền thông Trung Quốc về căn bản đã không hiểu biết đầy đủ về lịch sử Việt Nam, không hiểu được căn nguyên cội rễ của văn hóa chính trị Việt Nam nên không thể lý giải vì sao người Việt Nam lại có được sức mạnh tuy vô hình nhưng lại rất có hiệu quả như vậy.
Nếu nói rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại quốc phòng “ba không” là dựa trên nhưng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì có lẽ nhiều người sẽ không hiểu. Thậm chí không ít người cho rằng đó là “lý thuyết suông”. Ngay cả khi có những bằng chứng “cấm cãi” được đưa ra từ thực tế, từ kinh nghiệm lịch sử thì cũng không nhiều người chịu chấp nhận. Vấn đề là ở chỗ, tình cảm nông cạn đã lấn át lý trí sâu xa.
Sở dĩ Việt Nam không liên minh quân sự mà bây giờ cũng vẫn làm như vậy mà vẫn thành công vì Việt Nam hiểu rõ mối quan hệ hai mặt vừa có mâu thuẫn, vừa có thống nhất, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh là mối quan hệ có tính phổ biến toàn cầu. Đặc điểm này không chỉ bây giờ mới có mà đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người mà chính Karl Marx đã vạch rõ.
Trong Chiến tranh Việt Nam, chính người Mỹ mặc dù là đồng minh của các nước NATO nhưng vẫn bị các nước này phản đối khi cố tình kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cũng trong cuộc chiến tranh ấy, cả Liên Xô và Trung Quốc đều ủng hộ Việt Nam chống Mỹ nhưng vẫn có những mâu thuẫn trầm trọng giữa hai nước. Và ngày nay, vì những lợi ích giống nhau nhưng không phải là lợi ích chung, các nước trên thế giới dù là đồng minh, là “cạ cứng” với nhau nhưng vẫn có những mâu thuẫn, thậm chí là không nhỏ như mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hay mâu thuẫn giữa các nước trong nội khối NATO .v.v…
Thế nên nếu Việt Nam liên minh quân sự với nước này hay nước kia thì khi cần kêu gọi sự đoàn kết quốc tế toàn diện để ủng hộ mình, Việt Nam sẽ rất khó ăn nói với một nước thù địch với nước đang liên minh với mình. Bởi một khi đã liên kết đồng minh thì trách nhiệm ủng hộ nhau một cách song phương bao giờ cũng lớn hơn quan hệ đối với bên thứ ba.
“Thêm bạn bớt thù” là một di sản quý báu của tư tưởng Hồ Chí Minh và là chủ trương chiến lược xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ai cũng biết rằng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, một đất nước có nhiều đối tượng đấu tranh thì khó mà tồn tại bền vững. Ngược lại, một đất nước càng có nhiều đối tác thì càng có cơ hội thuận lợi để giữ gìn hòa bình và ổn định, để phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hợp tác bình đẳng, công bằng với nhiều đối tác. Trong chiến lược bảo vệ Tổ Quốc, Việt Nam không đặt vấn đề “bạn-thù” đối với các quốc gia khác mà coi tất cả những ai ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam là đối tác để liên kết; còn những ai chống lại công cuộc đó là đối tượng đấu tranh.
Có một thực tế không cần giải thích là ngay trong nội bộ quốc gia, không phải bộ máy, dân chúng nước nào cũng nhất loạt chống Việt Nam hoặc nhất loạt ủng hộ Việt Nam. Trong chính quyền Mỹ cũng có những nhóm thế lực ủng hộ Việt Nam (tất nhiên là vì lợi ích của nhóm đó), nhưng cũng có những nhóm thế lực kiên quyết chống Việt Nam đến cùng. Chính những nhóm thế lực thù địch với Việt Nam hiện đang o bế những tổ chức người Việt lưu vong chống Việt Nam và đã bị cơ quan An ninh Việt Nam xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ở Trung Quốc thì bên cạnh những nhóm chính khách “diều hâu” chủ trương dùng sức mạnh đối với Việt Nam cũng có những nhóm chính khách “bồ câu” chủ trương đối xử mềm mỏng với Việt Nam. Và ở nhiều nước khác cũng vậy.
Vì thế, chính sách đối ngoại của Việt Nam, bao gồm cả chính sách đối ngoại quốc phòng là hết sức tranh thủ các thế lực ủng hộ Việt Nam để hợp tác với họ, coi họ là bạn, là đối tác. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những thế lực có thái độ thù địch với Việt Nam, coi họ là đối tượng cần hạn chế tác hại. Không phải ngẫu nhiên mà về nhận thức, Đảng và Nhà nước Việt Nam có khái niệm “đối tác” và “đối tượng” chứ không sử dụng khái niệm “đồng minh” và “kẻ thù” như trước đây. Quan hệ “đối tác” phản ánh sự công bằng, bình đẳng cả về trách nhiệm và quyền lợi giữa hai quốc gia chứ không phải quan hệ một chiều hoặc hai chiều không cân xứng như quan hệ đồng minh hoặc liên minh.
Một đối tác có thể là đối tác bình thường, nhưng cũng có thể là đói tác chiến lược, đối tác toàn diện hoặc cả hai. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược dựa trên sự tín nhiệm chính trị cao giữa hai bên có tính ổn định, lâu dài. Việc thiết lập đối tác toàn diện dựa trên sự tín nhiệm trên tất cả các lĩnh vực nhưng chưa có tính ổn định, lâu dài. Còn việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bao gồm cả tính ổn định lâu dài của sự tín nhiệm cũng như bao quát toàn bộ các lĩnh vực. Đương nhiên, sự hợp tác lâu dài và toàn diện ấy bao gồm cả các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Và vì vậy, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện còn có ý nghĩa thực tế ở tầm cao và mở rộng hơn tới nhiều lĩnh vực so với quan hệ đồng minh vốn chỉ có ý nghĩa chủ yếu trên lĩnh vực quân sự-chính trị. Thậm chí, nó còn có ý nghĩa và tác dụng lớn hơn cả một hiệp ước liên minh quân sự ở chỗ các nước có thể hợp tác chặt chẽ về quân sự-quốc phòng trong khi vẫn giữ được độc lập, tự chủ và sự chủ động của chính mình.
Cho nên xét đến cùng, Việt Nam không cần “mượn máu” của nước thứ ba và cũng không cần tham gia một liên minh quân sự nào (như khối Warszawa chẳng hạn) để chống ngoại xâm. Nhưng nhờ đó mà Việt Nam đã có được sự ủng hộ của toàn thế giới, kể cả nhân dân ở những nước đã đem quân đến xâm lược Việt Nam. Bất chấp các thủ đoạn ly gián, chia rẽ .v.v… người Việt Nam vẫn hóa giải được và giành thắng lợi nhờ chính sách “ba không” ấy. Ngày trước đã vậy, và bây giờ vẫn vậy. Bởi vì việc bảo vệ Tổ Quốc ngày nay không chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà còn phải là bảo vệ hòa bình, bảo vệ an ninh ổn định làm điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Tóm lại, người Việt Nam hoàn toàn không muốn chiến tranh, có phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc thì đó cũng là biện pháp cuối cùng khi không còn biện pháp nào khác. Cho nên những luận điệu tuyên truyền rằng Việt Nam cần từ bỏ chính sách “ba không”, cần đi với nước này, nước khác để chống lại nước nọ, nước kia núp dưới cái vỏ “yêu nước, bảo vệ Tổ quốc” đều là những luận điệu sai lầm và xằng bậy. Nói những luận điệu ấy là sai lầm là vì những luận điệu ấy không hề có một chút cơ sở khoa học nào cả, cả về lý thuyết và thực tiễn nào cả. Nói những luận điệu ấy là xằng bậy vì nó xuyên tạc sự thật để che đậy động cơ chính trị bán nước dưới danh nghĩa “yêu nước”, là “đuổi beo của rước, rước hổ cửa sau”, là tạo thêm sự “gây thù chuốc oán” nhằm cô lập đất nước và sâu xa hơn cả là chống lại công cuộc bảo vệ Tổ Quốc giữ gìn hòa bình, ổn định để tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

1 nhận xét: