Social Icons

Pages

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Chữ “Tâm - Tài - Đức” của người thầy quân đội


Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.
Ở nước ta, dạy học là một nghề cao quý, tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất, song lại có vai trò rất lớn trong đào tạo những thế hệ công dân có ích, nguồn nhân lực quan trọng cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quân đội nhân dân Việt Nam là lĩnh vực hoạt động đặc thù, người thầy quân đội được hiểu là những cán bộ làm công tác quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy trong các nhà trường quân đội; các khoa, tổ bộ môn giáo dục quốc phòng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề,…. trong cả nước; những cán bộ chiến sĩ đang âm thầm mang con chữ đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Vì vậy những người thầy quân đội vừa phải hội tụ đầy đủ “Tâm - Tài - Đức” của một nhà giáo vừa phải có những phẩm chất của người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ.
Trước hết, người thầy có “Tâm” là luôn tận tâm tận lực, tâm huyết và hết lòng vì nghề nghiệp. Để làm tròn chữ “Tâm” người thầy quân đội phải luôn gắn bó với nghề, say mê, chăm chút từng bài giảng, tiết giảng; tích cực tìm tòi, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để truyền đạt cho học viên nắm được Nghị quyết, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và luật pháp của nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội; trang bị kiến thức cho người học về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, tính năng kỹ, chiến thuật của các loại vũ khí, khí tài, nghệ thuật tác chiến của các lực lượng, các quân binh, chủng…. Chữ “Tâm” phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể trong sự cống hiến, hi sinh vì công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải thường xuyên tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống là tấm gương sáng cho học viên noi theo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quân đội trong tình hình mới.
Về chữ “Tài” của người thầy được hiểu là tài năng, trí tuệ, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm. Người thầy có tài là người nắm vững và nhuần nhuyễn nội dung, hệ thống các kiến thức cơ bản của môn học, khả năng phát triển các vấn đề để bổ sung vào nội dung bài giảng. Tài năng nghiệp vụ sư phạm thể hiện ở việc áp dụng các phương pháp giảng dạy, khả năng trình bày và xử lý linh hoạt các tình huống sư phạm trong quá trình giảng dạy. Kết hợp giữa nội dung và phương pháp sẽ làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động, hấp dẫn và có hiệu quả cao, làm cho học viên hứng thú, say mê với các môn khoa học nói chung, lĩnh vực quân sự quốc phòng nói riêng. Tài năng của người thầy sẽ giúp học viên tích cực, chủ động trong nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng linh hoạt và sáng tạo những nội dung đã được trang bị vào thực tiễn học tập, rèn luyện.
Với mỗi người thầy, có tâm, có tài vẫn chưa đủ, để làm tròn được chức trách và nhiệm vụ của mình, người thầy cần phải có “Đức”. “Đức” của người thầy quân đội được thể hiện ở việc luôn chấp hành nghiêm đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước, kỷ luật quân đội, quan hệ quân dân, có thái độ, tác phong chuẩn mực của người cán bộ, sĩ quan ưu tú, quân nhân cách mạng khi giảng dạy và trong cuộc sống đời thường. Chữ “Đức” còn được thể hiện ở sự quan tâm, giúp đỡ người học một cách chân thành, không vụ lợi, không phân biệt đối xử trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, hỗ trợ kiến thức cho mỗi học viên. Tuy nhiên, việc “giúp” ở đây không có nghĩa là cho điểm cao, dễ dãi đối với học viên trong học tập, rèn luyện mà đó còn là sự tận tình, quan tâm chỉ bảo, sẵn sàng giải đáp mọi khúc mắc của học viên. Kiên quyết đấu tranh với thói hư, tật xấu, những sai trái trong xã hội, trong quân đội, trong chính bản thân người thầy; giải quyết tốt mối quan hệ với đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và địa phương.
Công tác trong một môi trường đặc thù, để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình người thầy quân đội phải hội tụ đầy đủ cả ba phẩm chất cao quý “Tâm - Tài - Đức”. Ba yếu tố đó có quan hệ mật thiết với nhau, người thầy có “Tâm” sẽ luôn tâm huyết với nghề, hết lòng vì học viên thân yêu; có “Tài” sẽ trang bị được nhiều kiến thức cho học viên và làm tròn được chữ “Tâm”, người thầy có “Đức” là người luôn giữ được bản chất cách mạng của người quân nhân, phát huy và cống hiến được, tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp trồng người. Vì vậy mỗi người thầy quân đội phải sống trọn và gắn bó với nghề nghiệp, thường xuyên tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức lối sống, rèn luyện phương pháp tác phong công tác, trau dồi kiến thức, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội, cho đất nước trong hiện tại và tương lai./.

1 nhận xét: