Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

CÓ CÁI CHẾT HOÁ THÀNH BẤT TỬ

Đặng Thùy Trâm sinh trưởng trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội.
Đặng Thùy Trâm là chị cả của bốn chị em gái, cả chị và 3 em gái đều mang tên giống mẹ chỉ khác nhau tên đệm, cho nên bạn bè và người thân đều gọi chị Thùy Trâm là "Thùy".

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Y với kết quả học tập loại ưu, cô gái trẻ gạt bỏ tất cả: “một gia đình êm ấm, đầy đủ, được chiều chuộng” xung phong lên đường công tác chiến trường B (miền Nam khói lửa).
Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.

Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi.
Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ chúng em chỉ biết đến chị qua trang sách, qua những thước phim lịch sử nhưng thế hệ trẻ thanh niên chúng em nguyện theo tấm gương hy sinh anh dũng của chị viết tiếp nên lý tưởng sống của những người trẻ dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
" Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Chiến trường Đức Phổ - Quảng Ngãi, nơi ác liệt nhất của chiến trường khu Năm, nơi mà Sư đoàn không vận Mỹ quần nát ở đó, rồi Lữ đoàn 196 Mỹ, Sư dù 101 Mỹ, Sư 23 Ngụy, Thủy quân lục chiến dù. Giữa vòng vây ác liệt ấy, một đơn vị bộ đội chủ lực hay địa phương hay cơ quan chỉ huy có thể tạm lánh đi đâu đó nhưng với một bệnh xá thì không thể như vậy.
Trong bối cảnh đó, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã kiên cường bám trụ, chị đã cùng các y tá và nhân viên tận tụy cứu chữa, nhường phần ăn của mình cho thương binh, bệnh binh. Trong suốt 3 năm ở chiến trường chị đã chỉ huy bệnh xá bám trụ một cách kiên cường, gan lỳ trên vùng đất Đức Phổ đã bị đánh như băm ấy, mặc cho kẻ thù lùng sục, truy tìm nhưng chị vẫn không nao núng, đầy nghị lực, vững vàng niềm tin vào ngày chiến thắng, cháy bỏng khát vọng chiến tranh sẽ chấm dứt, hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam cho đến ngày chị hy sinh.
"Em dịu dàng là vậy, chưa biết nói nặng ai câu nào. Em dũng cảm là vậy. Giặc đốt hầm bí mật vẫn bình tĩnh cứu chữa thương binh. Cưỡi honđa phóng qua trước rào lính địch để cấp cứu ca thương binh nặng. B-52 trên đầu, quân đánh bộ bên cạnh vẫn bình tĩnh băng bó thương binh, dìu đi khỏi vòng vây (Trích những dòng nhật ký của anh Khương Thế Hưng, người yêu của Chị Đặng Thùy Trâm viết sau ngày anh Hưng biết tin Đặng Thùy Trâm hy sinh).
Đó cũng chính là khát vọng của thế hệ trẻ Việt Nam “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, với tâm nguyện “Ra đi giữ trọn lời thề, đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”. Đánh thắng Mỹ mong đến ngày đất nước hòa bình, đó là khát vọng chính đáng, là sức mạnh của dân tộc yêu hòa bình trong những năm tháng chống trả kẻ thù có sức mạnh quân sự hơn quân dân ta nhiều lần.
Hình ảnh bác sỹ - liệt sỹ Đặng Thùy Trâm như một bức tranh hiện thực, tuyệt đẹp về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh ác liệt và tàn khốc. Nhà thơ Tố Hữu từng viết:
“… Có cái chết hoá thành bất tử
Có những người do chân lý sinh ra
Có những lời hơn mọi bài ca.”

Đặng Thùy Trâm- chị mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.

1 nhận xét:

  1. Đặng Thuỳ Trâm là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo

    Trả lờiXóa