Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

CÓ NÊN “LIÊN MINH QUÂN SỰ” ĐỂ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ?


Trước những diễn biến căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông, một số kẻ nhân danh "yêu nước" kêu gọi rằng: Việt Nam (VN) phải thiết lập và tham gia liên minh quân sự (LMQS) với nước ngoài để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Liệu đây có thực sự là điều cần thiết với VN?
Trong lịch sử nhân loại, chúng ta từng biết đến nhiều LMQS, có liên minh nhằm bảo vệ hòa bình, tự vệ, chống xâm lược; có liên minh để xâm lược, nô dịch quốc gia, dân tộc khác… Điển hình như: Liên minh Peloponnisos được lãnh đạo bởi người Sparta đã đánh bại Liên minh Delos do Athens cầm đầu (431-404 TCN); Liên minh Tin lành và Thiên chúa giáo trong cuộc chiến tranh 30 năm (1618-1648); Liên minh châu Âu chống Napoleon cuối thế kỷ 18; phe Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga) và phe Liên minh (Đức, Ý, Áo, Hung) trong Thế chiến một; phe Trục và phe Đồng Minh trong Thế chiến hai; khối quân sự NATO, Vacsava, SEATO… Cũng có liên minh dạng hòa hoãn tạm thời, hoặc giả vờ hòa hoãn, “ngọa sơn quan hổ đấu” làm vỏ bọc để bất ngờ tiến công đối phương, như: Đức Quốc xã ký kết Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với Liên Xô vào năm 1939, nhưng đã bất ngờ nổ súng tấn công Liên Xô vào tháng 6/1941; hay chuyện “mượn đường diệt Quắc” của Trung Hoa…
VN cũng không ít lần liên minh với các quốc gia, dân tộc khác để cùng chống lại kẻ thù chung trong những thời điểm nhất định, như liên minh giữa ta với Chămpa, Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân (Malaysia) chống quân Đường (722); Việt - Lào - Campuchia chống đế quốc Pháp, Mỹ xâm lược…
Về lý thuyết và thực tiễn, LMQS nhằm gia tăng sức mạnh QS, QP hoặc tạo sự chuyển hóa về lực lượng, thế trận QS cho các thành viên trong liên minh. Nhưng một sự thật hiển nhiên là, các quốc gia yếu thế hơn đều phải từ bỏ hoặc từ bỏ một phần lợi ích căn bản của mình, đặc biệt là quyền tự quyết, khi đó họ dễ dàng trở thành “vật hy sinh”, “con tốt trên bàn cờ” để các nước lớn, các tập đoàn quân sự, tài phiệt thỏa hiệp với nhau.
Những gì đang diễn ra trong tranh chấp chủ quyền trên biển của Philippines với TQ là minh chứng, khi Mỹ là đồng minh của Phi nhưng vì lợi ích của mình Mỹ chẳng quan tâm gì đến đồng minh cả. Bài học về cuộc chiến ở Irắc, Syria, xung đột ở Ucraina, là do sự thiếu nhất quán trong chính sách đối nội và đối ngoại, không tôn trọng nguyên tắc độc lập và tự chủ. Chính phủ và ngay cả một bộ phận nhân dân các nước này luôn trông chờ sự “cứu giúp” của các thế lực bên ngoài; họ biết đâu rằng, đằng sau sự “giúp đỡ” tưởng như vô tư đó là cả một mưu đồ tham vọng về lợi ích chiến lược của các nước lớn, hòa bình chưa thấy đâu, nhưng hậu quả về sự chia cắt, tàn phá, “nồi da nấu thịt”.
Trong thế kỷ 20, một số nước lớn, ngay cả nước XHCN anh em đã lợi dụng VN để thỏa hiệp, mặc cả với nhau vì lợi ích chiến lược cũng như lợi ích dân tộc hẹp hòi của họ; thậm chí, lấy sự viện trợ quân sự chi phối, tác động đến cách đánh, phương thức tác chiến của quân đội ta. Điều ai cũng biết là, với Hoàng Sa và Trường Sa ngay từ rất sớm VN đã khẳng định chủ quyền của mình; chỉ đến khi có sự thỏa hiệp, bật đèn xanh của Mỹ (đồng minh với VNCH), VNCH mới để mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vào tay các thế lực ngoại bang; đó chính là bài học nhãn tiền về việc “liên minh” nhưng lại bị chính đồng minh “bán rẻ” và hậu quả của nó vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Hiện nay, VN thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển và đã thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác QP với nhiều nước trên thế giới với nhiều mức độ (đối tác chiến lược, đối tác toàn diện). Sách trắng QPVN công bố 25/11 khẳng định "bốn không", trong đó xác định "không tham gia LMQS..."; không lựa chọn LMQS, không có nghĩa là không phát triển quan hệ hợp tác về QP&AN, mà trái lại mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, nhằm mục đích bảo vệ ĐLDT, toàn vẹn, thống nhất chủ quyền, lãnh thổ. Những biện pháp khéo léo, vừa cương quyết, vừa mềm dẻo của VN xung quanh vụ kiện của Philippines với TQ, vụ HD981, hay vụ bãi Tư Chính gần đây đã chứng tỏ sự đúng đắn trong đường lối ngoại giao và xử lý các vấn đề trên Biển Đông của chúng ta.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử, xem xét đường lối BVTQ, cho thấy: việc tìm kiếm, tham gia các LMQS không phải là giải pháp tối ưu, có hiệu quả trong bối cảnh quốc tế và đặc điểm của VN hiện nay. Còn trong tương lai, nếu ĐLDT, lợi ích và chủ quyền lãnh thổ của dân tộc bị xâm phạm, thì vấn đề LMQS như trong lịch sử đã có, hoàn toàn có thể. Cho nên, việc cho rằng lúc này VN phải thiết lập, tham gia LMQS bằng cách bắt tay với quốc gia nào đó để “giữ lấy Biển Đông” là không phù hợp, đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác, cùng phát triển mà VN đang kiên trì theo đuổi. Đây là một âm mưu và thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, núp bóng dưới vỏ bọc “yêu nước”; mục đích không gì khác là đẩy VN vào vòng xoáy chạy đua vũ trang, giảm thiểu cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế, làm phức tạp và rối ren thêm tình hình, tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài dễ bề can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Chúng ta cần đề cao cảnh giác, không để lòng yêu nước bị các thế lực thù địch lừa gạt, lợi dụng làm tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc./.

1 nhận xét:

  1. Chỉ có độc lập tự chủ mới bảo vệ được đất nước trước các lâm nguy

    Trả lờiXóa