Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vai trò của cán bộ, đảng viên vô cùng quan trọng. Họ là những người có đóng góp hết sức to lớn, đưa đất nước vượt qua các thời kỳ khó khăn, thử thách. Công sức của họ bỏ ra rất đáng trân trọng, đáng được ghi nhận. Đáng tiếc là hiện nay, một số cán bộ, đảng viên lại có tư tưởng “công thần”, kiêu ngạo, dẫn đến những việc làm đáng tiếc, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Ngay từ năm 1951, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nhóm bệnh ở các cơ quan lãnh đạo các cấp, trong đó có bệnh công thần. Người viết: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng. Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ…”.
Công thần thường dẫn đến kiêu ngạo. Trong bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, viết năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện của thái độ kiêu ngạo như sau: “Kiêu ngạo là: khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên”.
Biểu hiện dễ thấy của những người mắc bệnh công thần là nói năng thiếu thận trọng, thậm chí bất chấp đúng sai. Với tư tưởng cậy công, cậy quyền, nghĩ rằng mình là người có nhiều đóng góp, đất nước phải mang “nợ”, những người công thần tỏ ra “kiêu ngạo” với đời, với đồng nghiệp, với nhân dân. Cũng chính bởi vậy nên những người này nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật, không tôn trọng pháp luật. Đáng ngại hơn, có người tiếp xúc cả với những đối tượng cơ hội chính trị, phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát những thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Trước góp ý chân thành của đồng chí đồng đội, những người này không tiếp thu, sửa chữa, lại cho rằng cách nghĩ, cách làm của họ mới là cấp tiến, là “trở về với nhân dân”.
Mỗi cán bộ, đảng viên, kể cả tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh công thần, kiêu ngạo; thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu. Đừng nghĩ mình đã là anh hùng thì cả đời sẽ là anh hùng, không có chuyện đó đâu.
Bệnh công thần là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm; bởi khi họ đòi hỏi thì rất khó giải quyết; đáp ứng yêu cầu của họ thì trái luật pháp, không đáp ứng thì họ “làm loạn”, phá rối gây ra tiêu cực. Vì vậy phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trả lờiXóa