Social Icons

Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỀ TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH


Trong quá trình hoạt động phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh đã rút ra những bài học quý giá và phong phú trong việc thực hiện phê bình, tự phê bình. Nguòi đã vận dụng một cách sáng tạo quy luật này vào hoàn cảnh này vào hoàn cảnh của Đảng Việt Nam, một đảng ở phương Đông.
Ở Việt Nam và phương Đông thời xưa không có khái niệm phê bình, tự phê bình, nhưng việc tự nhận xét mình và tìm ra khuyết điểm để sửa chữa là việc quan trọng bậc nhất, một việc đáng vui mừng để tu dưỡng bản thân, để làm tốt nghĩa vụ với gia đình, đối với Tổ quốc và nhân dân. Khổng Tử nói :"Quá nhi bất cải thị quá hỷ", nghĩa là biết lỗi mà không sửa là lỗi lớn. Khổng Tử thường xuyên nhắc nhở môn đệ và tự mình thực hiện điều này. Tăng tử nói : "Mỗi ngày ta tự nhận xét ta về ba điều: mưu sự với người ta có giữ được lòng trung hay không? Cùng giao du với bạn bè, ta có giữ được đức tin hay không? Thầy truyền đạo cho ta, ta có học tập hay chăng?". Trình Tử hàng ngày cũng tự kiểm điểm bằng cách bỏ vào lọ một hạt đậu trắng khi làm được việc tốt và bỏ vào lọ một hạt đậu đen nếu có sai lầm.
Với tinh thần luôn phát hiện sai lầm để sửa chữa, mọi người phải xem xét bản thân mình và giúp người khác xem xét bản thân họ. Cấp trên có trách nhiệm răn dạy cấp dưới, cha mẹ cần răn dạy con cái, thầy răn dạy học trò... Tuy nhiên, không chỉ có sự răn dạy từ trên xuống, mà còn có sự can gián từ dưới lên. "Quân hữu tránh thần, phụ hữu tránh tử" nghĩa là vua phải có bề tôi can gián. Trung hiếu không phải cứ để cho vua và cha cứ làm gì thì làm, mà trung hiếu thực sự là phải liều chết mà can gián vua và cha trước khi mắc phải sai lầm và tội lỗi. Chính vì thế mà ở triều đình, bên cạnh nhà vua có các ngự sử, những gián nghị đại phu để kịp thời ngăn vua trước điều lầm lỗi.
Những người sáng suốt phải bỏ ngoài tai những điều xiểm nịnh và lắng nghe những điều nói thẳng. Vua Vũ được nghe điều thiện thì lạy tạ (Vũ Văn thiện ngôn, tắc bái - Mạnh Tử). Ông Tử Lộ được người chỉ lỗi cho thì rất vui mừng (Tử Lộ, nhân cáo chi dĩ hữu quá, tắc hỷ - Mạnh Tử). Ở Việt Nam thời xưa, có nhiều ông vua đã ban chiếu cầu lời nói thẳng. Điều này thể hiện thiện ý của nhà vua muốn tranh thủ được ý kiến của nhân dân, để từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, thi hành được những chính sách hợp với lòng dân, củng cố được niềm tin của nhân dân , tạo nên sức mạnh đoàn kết nhất trí trong việc quản trị và bảo vệ đất nước.
Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc những bài học lịch sử nói trên và đã thường xuyên nhắc đến Khổng Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử về sự sửa mình trong đạo tu nhân.
Trong những dịp giáo dục nhắc nhở và động viên cán bộ, đảng viên ta thực hiện tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng những nguyên lý Mác - Lênin mà còn tiếp thu, cải biến và nâng cao những truyền thống văn hóa Việt Nam và phương Đông trong việc sửa chữa lỗi lầm và tu dưỡng đạo đức.
Hồ Chí Minh đặt vấn đề phê bình và tự phê bình gắn liền với lợi ích của Đảng, với sự nghiệp cách mạng. Một nguòi đảng viên đã lấy lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội làm lẽ sống của mình thì không còn lợi ích nào lớn hơn để mưu cầu. Nói như người xưa, họ sống trong sáng như mặt trời, mặt trăng, họ không có điều gì phải che giấu Đảng và nhân dân. Phát hiện ra những ưu điểm của mình để phát huy, những khuyết điểm để sửa chữa là công việc thường xuyên như mỗi ngày phải rửa mặt vậy.
Vì lợi ích của Đảng, vì tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, người đảng viên phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh phê phán thái độ sợ phê bình, nể nang không phê bình và đặc biệt là thái độ lợi dụng phê bình để nói xấu, để công kích, để chửi rủa do ghen ghét nhau chứ không do một chút thương yêu nào.
Hồ Chí Minh đặt tự phê bình lên trước phê bình là để mỗi người trước hết thấy rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ mình và nhờ thêm người khác giúp đỡ mình hiểu rõ mình hơn. Phải tự mình nghiêm khắc với mình mới có thể thẳng thắn giúp đỡ người khác nhận ra khuyết điểm của họ.

1 nhận xét:

  1. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

    Trả lờiXóa