Năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà
giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn
giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants –
FISE).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa
(thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến
chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu của Bản Hiến chương các
nhà giáo: Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản
động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây
dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu các chế độ
bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất,
tinh thần chính đáng cho các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà
giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.
Trong những năm kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích
tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược
đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới
thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng
hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa
của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ
trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan
trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ
đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô
Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt
Nam, quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến
chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày
20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải
phóng ở miền Nam.
Sau
đại thắng mùa xuân năm 1975 - non sông thu về một mối, với ý nghĩa tích cực của
ngày 20/11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công
đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học
và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội
đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày
26/9/1982 quyết định sẽ lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày
20/11/1982, Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu
tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền
thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Trong
không khí tưng bừng, phấn khởi chào mừng
37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), đây là dịp
để chúng ta ôn lại những truyền thống vẻ vang, gởi tấm lòng tri ân, tôn vinh và
tinh thần tôn sư trọng đạo đến các thế
hệ Nhà giáo của dân tộc, đặc biệt, là dịp để chúng ta tưởng nhớ đến công lao to
lớn của thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh. Mỗi chúng ta, đặc biệt là mỗi
thầy giáo, cô giáo cần thường
xuyên rèn luyện đạo đức, năng lực tự học và sáng tạo theo gương nhà giáo Nguyễn
Tất Thành - Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý
giáo dục trong sạch và vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ sự
nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
trong giai đoạn mới.
Nội dung này rất hay và ít người biết, xin cảm ơn
Trả lờiXóa