Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, bảo
đảm thành công của cách mạng
Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta cuối
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bị thất bại có một nguyên nhân sâu xa là cả nước đã
không đoàn kết được thành một khối thống nhất. Người thấy rằng, muốn đưa cách
mạng đến thành công phải có lực lượng cách mạng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù
và xây dựng thành công xã hội mới; muốn có lực lượng cách mạng mạnh phải thực
hiện đại đoàn kết, quy tụ mọi lực lượng cách mạng thành một khối vững chắc. Do
đó, đoàn kết trở thành vấn đề chiến lược lâu dài của cách mạng, là nhân tố bảo
đảm cho thắng lợi của cách mạng.
Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều luận điểm về vấn đề đoàn kết dân tộc,
đoàn kết quốc tế: Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công; Đoàn kết
là điểm mẹ; điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt; Đoàn kết,
đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công.
Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần
quan điểm coi sức mạnh của cách mạng là sức mạnh của nhân dân: "Dễ trăm
lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Đồng thời, Người
lưu ý rằng, nhân dân bao gồm nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, nhiều tầng lớp, giai
cấp, nhiều dân tộc, tôn giáo, do đó phải đoàn kết nhân dân vào trong Mặt
trận dân tộc thống nhất.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ
hàng đầu của cách mạng
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, chúng ta không
chỉ thấy rõ việc Người nhấn mạnh vai trò to lớn của dân mà còn coi đại đoàn kết
dân tộc là mục tiêu của cách mạng. Do đó, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc phải
được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Trong
Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, Hồ Chí Minh
đã thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn thể dân tộc: Mục đích của Đảng Lao động
Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc.
Xem dân là gốc, là lực lượng tự giải phóng nên Hồ Chí Minh coi vấn
đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh là vấn đề cơ bản của
cách mạng. Hồ Chí Minh còn cho rằng, đại đoàn kết dân tộc không chỉ là
mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của
cả dân tộc. Bởi vì, đại đoàn kết dân tộc chính là sự nghiệp của quần chúng,
do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần
chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc,
tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người.
Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm Dân, có nội
hàm rất rộng. Người dùng các khái niệm này để chỉ "mọi con dân nước
Việt", "con Rồng cháu Tiên", không phân biệt dân tộc
thiểu số với dân tộc đa số, người tín ngưỡng với người không tín ngưỡng,
không phân biệt già, trẻ, gái trai, giàu, nghèo. Nói đến đại đoàn kết dân tộc
cũng có nghĩa phải tập hợp được mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu
tranh chung. Người đã nhiều lần nêu rõ: "Ta đoàn kết để đấu tranh cho
thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà.
Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta
đoàn kết với họ"
. Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh có lập trường giai cấp rõ
ràng, đó là đại đoàn kết toàn dân với nòng cốt là khối liên minh công - nông -
trí thức do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Muốn xây dựng khối đại đoàn
kết dân tộc rộng lớn như vậy, thì phải xác định rõ đâu là nền tảng của khối
đại đoàn kết dân tộc và những lực lượng nào tạo nên cái nền tảng đó. Người đã
chỉ rõ: Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại
đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động
khác. Người coi công nông cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có
nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. "Lực
lượng chủ yếu trong khối đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công
nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất"
Đại đoàn kết dân tộc phải biến thành sức mạnh
vật chất, có tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng
Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là để tạo nên lực lượng cách mạng,
để làm cách mạng xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới. Do đó, đại đoàn kết dân
tộc không thể chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà
phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành khẩu hiệu hành động của
toàn Đảng, toàn dân ta. Nó phải biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng
vật chất có tổ chức và tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất.
Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, xét trên một khía cạnh
nào đó, chính là đi tìm sức mạnh để giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao
động. Và sức mạnh mà Người đã tìm được là đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Từ khi tìm thấy con đường và sức mạnh để cứu nước, Hồ Chí Minh
đã rất chú ý đến việc đưa quần chúng nhân dân vào những tổ chức yêu nước phù
hợp với từng giai cấp, tầng lớp, từng giới, từng ngành nghề, từng lứa tuổi,
từng tôn giáo. Đó là các già làng, trưởng bản, các hội ái hữu, tương trợ, công
hội, nông hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đội thiếu niên nhi đồng, hội phụ
lão, hội Phật giáo cứu quốc, Công giáo yêu nước, các nghiệp đoàn, v.v., bao
trùm nhất là Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận chính là nơi quy tụ mọi
tổ chức và cá nhân yêu nước, tập hợp mọi người dân nước Việt, không chỉ ở
trong nước mà còn cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dù ở bất cứ
phương trời nào, nếu tấm lòng vẫn hướng về quê hương đất nước, về Tổ quốc
Việt Nam...
Để Mặt trận dân tộc thống nhất trở thành một tổ chức cách mạng to
lớn, theo Hồ Chí Minh, nó cần được xây dựng theo những nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất: Đoàn kết phải
xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân, trên cơ sở yêu nước, thương dân, chống
áp bức bóc lột, nghèo nàn lạc hậu.
Thứ hai: Đại đoàn kết
dân tộc phải được xây dựng trênnền tảng liên minh công - nông - lao
động trí óc.
Thứ ba: Hoạt động của
Mặt trận theo nguyên tắchiệp thương dân chủ.
Thứ tư: Khối đoàn kết
trong Mặt trận là lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thật sự, chân thành; thân ái
giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trả lờiXóa