Thời gian vừa qua, chúng ta được nghe nhiều về vụ 39 người chết trong xe đông lạnh ở Anh được cho là người Việt Nam, đó thực sự là những mất mát rất lớn đối với mỗi gia đình. Xung quanh vụ việc này, có rất nhiều ý kiến và bình luận. Có người đặt câu hỏi: “Vì sao họ phải bỏ xứ để đi đến nơi đất lạ quê người, vì đó là miền đất hứa, là thiên đường đối với con người”, có ý kiến cho rằng: “Xã hội Việt Nam hiện tại tệ đến nỗi người dân không thể sống được, phải bỏ xứ ra đi”, rồi quy chụp: “Cái xứ tư bản giãy chết đó tốt đẹp hơn ở Việt Nam rất nhiều”, “Còn cộng sản thì người dân còn bỏ nước ra đi” và "Ở đất nước này, nếu đi được cái cột điện nó cũng ra đi"…
Có lẽ, với một số người, ở đâu trên trái đất này cũng sẽ tốt đẹp hơn Đất nước Việt Nam, nơi chôn rau, cắt rốn của tổ tiên họ.. điểm chung là tâm lý sính ngoại, cái gì của nước người ta cũng đẹp, còn ở Việt Nam có đạt được cái này, cái kia chỉ là sự trùng hợp và may mắn, trong khi cả thế giới phải ngưỡng mộ những điều mà Đất Nước ta đạt được, như gạo Việt Nam, ẩm thực Việt Nam, những cảnh đẹp của Việt Nam, thành tích của đội bóng Việt Nam, môi trường ổn định, sự phát triển kinh tế của Việt Nam.. thì họ lại bỉu môi, cho rằng: Thực phẩm Việt Nam toàn là độc hại, ung thư tràn lan, tai nạn giao thông cao nhất thế giới, đội bóng Việt Nam có vào sâu các giải chỉ do may mắn, Việt Nam ngập trong nợ công, bất công, không có tự do, bình đẳng, có cậu bé có năng lực vượt trội trong chương trình siêu trí tuệ Việt Nam thì bị cho là dàn xếp, là không thể, trong khi ở nước ngoài có những thần đồng như thế thì hoàn toàn là chuyện bình thường… Ôi, tôi gọi đó là: Sự vô ơn!
Chúng ta không phủ nhận trên Thế giới có rất nhiều tiến bộ, tốt đẹp và cũng không phủ nhận Đất Nước ta còn nhiều điều phải làm, còn tồn tại những tiêu cực. Nhưng khi bạn đi ca ngợi nước người, thì cũng phải suy nghĩ, hiểu rõ về hoàn cảnh của Đất Nước mình.
Các bạn ca ngợi các nước tư bản là phát triển, tiến bộ, nhưng các bạn lại không nhìn thấy vấn đề là: Họ đã có vài trăm năm bóc lột, vơ vét tài nguyên khắp thế giới (trong đó có Việt Nam) về xây đắp xứ sở của họ.
Còn ở Việt Nam ta thì sao? Có Đất Nước nào như Đất Nước ta, từ khi dựng nước đến nay, thời gian bị đô hộ, bị chiến tranh, bị xâm lược nhiều hơn thời gian hòa bình. Có Đất Nước nào phải đối đầu với những kẻ thù hung bạo nhất nhưng chưa bao giờ cúi đầu khuất phục. Thực tế, Đất Nước ta mới chỉ hòa bình, yên ổn để phát triển được khoảng 30 năm.
Chiến tranh đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng và nền kinh tế, nạn đói năm 1945 làm gần 2 triệu người chết, cả nước có khoảng 1,2 triệu liệt sỹ, 2 triệu người mang thương tích suốt đời hoặc phơi nhiễm chất độc màu da cam - điôxin, 600.000 thương bệnh binh, 66.000 km2 đất ô nhiễm bom mìn. Sau chiến tranh, kẻ địch lại bao vây, cấm vận hòng bóp nghẹt nền kinh tế của nước ta. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, không còn viện trợ. Hai gã khổng lồ nhất hành tinh bắt tay nhau để cùng dồn sức hòng bóp chết Việt Nam. Từ đổ nát, hoang tàn trong chiến tranh bước ra, nhưng với tư thế của người chiến thắng, chúng ta đã kiên cường vượt qua tất cả để có cơ đồ hôm nay. Cả hai gã khổng lồ từng là cựu thù nay trở lại xin làm bạn, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy là thành viên có trách nhiệm đối với các quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chưa bao giờ vị thế và uy tín đất nước ta lớn như ngày nay.
Từ lúc quá nửa dân số đói nghèo, ta đã vượt lên trở thành nước phát triển, xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, thu nhập trung bình 2.600USD/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn một con số. Năng suất lao động chưa cao bằng nhiều nước nhưng giá cả ổn định và siêu rẻ. Vì thế mà thu hút không biết bao nhiêu "tây ba lô" đem mấy đồng trợ cấp thất nghiệp sang Việt Nam vẫn đủ sống. Việt Nam được cả thế giới biết đến là một đất nước hòa bình, thân thiện và tươi đẹp.
Cách đây tầm 30 năm thôi, lúc đó đời sống nhân dân còn rất cơ cực, điện là thứ rất xa xỉ. Ti vi là thứ không dám mơ. Có được một chiếc xe đạp đã là sang. Nay đã phổ cập ti vi màn hình phẳng, thậm chí là ti-vi kết nối Internet, trên 90% dân có điện lưới quốc gia, trên 90% dân số có thẻ BHYT, trong đó mỗi năm nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách. Đã có điện thoại, xe hơi made in Việt Nam. 80 năm Pháp thuộc chỉ có một cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng thì nay đã có hàng trăm cây cầu vượt sông hiện đại trên khắp đất nước. Rồi phương tiện đi lại từ cuốc bộ, tiến lên xe đạp, xe máy, nay ô tô trở lên phổ biến. Điện thoại di động trở thành phương tiện của mọi người từ chú xe ôm, chị bán hàng, anh công chức và cả các em học sinh, sinh viên đều có. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia đang theo đuổi, phát triển mạng 5G, internet được phủ sóng rộng khắp. Ngày xưa không ít người mặc áo rách vai, quần có vài mảnh vá… nay còn ai mặc áo vá không? Từ chỗ cái gì cũng đi xin, đi vay nay đất nước đã làm đủ ăn còn xuất khẩu hàng trăm tỷ đô la Mỹ mỗi năm, từ người dân đến đất nước đều có của ăn, của để. Những người mở miệng chê đất nước nghèo và cho là tại cộng sản thì bản thân họ đã làm được gì cho đất nước?
Vậy thì xin đừng vô ơn, anh hùng bàn phím, chỉ giỏi võ mồm phê phán chê bai đất nước mình rồi khen tư bản giàu. Ông cha ta có câu "Con không chê cha mẹ khó". Đạo lý Việt Nam là thế! Kẻ tiêu cực thì dù sống trong nhung lụa, giàu sang, phú quý, nhà lầu xe hơi họ vẫn than chán, kêu khổ! Người hiểu biết sang nhà hàng xóm thấy họ giàu sang, đất đai phì nhiêu, màu mỡ phải về vắt óc nghĩ cách làm sao cho mình bằng họ chứ không phải tìm cách lần mò sang sống chui sống lủi trên mảnh đất của họ để đến khi bị chủ nhà phát hiện qui cho là "trộm" thì liệu mảnh đất tươi đẹp đó có còn là "thiên đường" không?
Hãy mở rộng tấm lòng ra, bạn sẽ thấy, Đất Nước ta tươi đẹp đến dường nào, bạn sẽ thấy tự hào khi nói với thế giới rằng: Tôi là người Việt Nam. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay, các bạn ạ./.
Thật đáng xấu hổ với những con người chuyên nói xấu đất nước mà chưa một ngày đóng góp công sức cho đất nước.
Trả lờiXóa